Lạm dụng kháng sinh: Mắc bệnh thông thường cũng dễ nguy
Hiện tại, mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 ca tử vong do kháng thuốc. Với tình hình này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc.
Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết xước bị nhiễm trùng cũng có thể gây tử vong.
Chữa mãi không khỏi bệnh
Theo BS. Đào Trường Giang - Khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn, tình trạng lạm dụng kháng sinh và kháng kháng sinh đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Việc sử dụng kháng sinh một cách tràn lan, không đúng chỉ định cho những bệnh thông thường đang làm cho tốc độ kháng kháng sinh của vi khuẩn gia tăng một cách chóng mặt.
BS. Giang cho biết: Cách đây khoảng 2 năm, Khoa Nhi, BV Xanh Pôn điều trị cho một bệnh nhân bị viêm tai giữa kéo dài. Tình hình khó khăn tới mức trong gần 1 năm bé đã được bố mẹ đưa đi khám tất cả các bệnh viện, phòng khám mà gia đình biết tới nhưng không khỏi. Các thuốc kháng sinh uống thông thường đã dùng hết. Có thể nói rằng trong 1 năm ấy, cháu bé đã “tắm” trong kháng sinh vì gần như phải uống kháng sinh hàng ngày. Khi cháu nhập viện, phải tạm dừng kháng sinh, chích màng nhĩ lấy dịch mủ để nuôi cấy tìm vi khuẩn. Dù việc nuôi cấy đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh nhưng vi khuẩn này lại đề kháng với tất cả kháng sinh uống, thậm chí là một số kháng sinh tiêm thường dùng. Đó là câu trả lời cho lý do tại sao cháu bé uống kháng sinh nhiều và kéo dài mà bệnh vẫn không khỏi. Sau đó phải dùng cho cháu một loại kháng sinh tiêm, chuyên dùng để điều trị nhiễm khuẩn rất nặng thì mới khỏi. Tất nhiên là việc dùng những kháng sinh như vậy dù khỏi viêm tai giữa nhưng cháu bé rất mệt mỏi và cần một thời gian dài để hồi phục.
Câu chuyện về bệnh nhi trên chỉ là một trong những ca bệnh viêm tai giữa điều trị rất khó khăn vì nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là do vi khuẩn gây bệnh đã đề kháng với các kháng sinh thông thường.
Kỷ nguyên của việc coi kháng sinh là “thần dược” sắp kết thúc
Theo PGS.TS. Đoàn Mai Phương - nguyên Trưởng khoa Vi sinh, BV Bạch Mai, vi khuẩn kháng kháng sinh hiện là mối quan tâm của cả thế giới khi tốc độ tìm ra kháng sinh mới không kịp với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc, tại một số nước thậm chí không thể kiểm soát.
Từ 1983 - 1987, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) mới chỉ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh mới. Còn từ năm 2008 đến nay, không có thêm kháng sinh mới nào được tìm ra. Các hãng dược lớn đã tuyên bố ngừng sản xuất kháng sinh mới vì việc chạy đua với vi khuẩn là điều không thể. Hiện tại, chúng ta có khoảng hơn 100 loại kháng sinh. Nhưng đã có vi khuẩn kháng được tất cả các loại thuốc hiện có.
Hiện tại, Việt Nam cũng như nhiều nước đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Đó là lý do vì sao nhiều nước phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả thì tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.
Cần làm xét nghiệm kháng sinh đồ trước khi chỉ định dùng kháng sinh
Theo PGS. Phương, để xác định một loại vi khuẩn có kháng kháng sinh hay không hay do bác sĩ dùng kháng sinh chưa đủ liều, buộc phải làm kháng sinh đồ tại phòng xét nghiệm vi sinh. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, ngay lập tức sẽ báo với bác sĩ điều trị để cách ly bệnh nhân, giúp vi khuẩn kháng thuốc không lây lan cho các bệnh nhân khác, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ sử dụng kháng sinh đang có.
Tuy nhiên hiện nay, chỉ một số ít bệnh viện có phòng vi sinh đạt chuẩn, còn lại chất lượng ở mức thấp do phải đầu tư trang thiết bị hiện đại và chưa đủ nhân lực có trình độ để vận hành.
Trong khi chưa có điều kiện để làm kháng sinh đồ tại khắp các bệnh viện mà phải gửi mẫu về các bệnh viện có phòng vi sinh đạt chuẩn để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, ngoài nỗ lực từ bệnh viện, từ nhân viên y tế thì người dân cũng phải có trách nhiệm. Trong đó, người dân phải bỏ thói quen mua kháng sinh không có đơn, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, hạn chế dùng kháng sinh trong chăn nuôi.
Với tâm lý của người dân Việt Nam thường cho rằng bác sĩ sử dụng kháng sinh mạnh mới tốt, PGS. Phương cảnh báo rằng điều này hoàn toàn sai. Tốt nhất là chỉ nên điều trị kháng sinh phổ hẹp bởi nếu dùng kháng sinh mạnh luôn cho bệnh thông thường thì đến khi mắc loại vi khuẩn mạnh hơn sẽ không còn kháng sinh để điều trị.