Lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết

Kể từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được triển khai, tình trạng say xỉn do rượu, bia dẫn tới tai nạn giao thông có giảm. Tuy nhiên, vào mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, việc lạm dụng rượu, bia lại xuất hiện ở nhiều nơi.

Lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết

BÙI THANH

Thứ Sáu, 22-01-2021, 13:56

+ | Print

Khi uống rượu, bia cần xác định ý thức trách nhiệm với bản thân gia đình và cộng đồng.

Khi uống rượu, bia cần xác định ý thức trách nhiệm với bản thân gia đình và cộng đồng.

Kể từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được triển khai, tình trạng say xỉn do rượu, bia dẫn tới tai nạn giao thông có giảm. Tuy nhiên, vào mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, việc lạm dụng rượu, bia lại xuất hiện ở nhiều nơi.

Khi uống rượu, bia cần xác định ý thức trách nhiệm với bản thân gia đình và cộng đồng.1. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 90 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.254 người bị ngộ độc, trong đó có 22 người tử vong. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, ngộ độc rượu chiếm hơn 20% trong các vụ ngộ độc thực phẩm tại Việt Nam. Đây là con số rất đáng báo động. Đặc biệt vào những dịp nghỉ lễ, Tết dài ngày, số ca nhập viện do ngộ độc rượu tăng hai, ba lần so ngày thường. Đáng lo ngại nhất là tình trạng ngộ độc methanol, thường có trong rượu cồn công nghiệp, gây di chứng rất nặng, thậm chí có thể tử vong.

Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều các loại đồ uống có cồn bất hợp pháp, không chính thức song vẫn chiếm thị phần không nhỏ. Trong khi việc kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Từ năm 2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2008/NĐ-CP, quy định kinh doanh rượu phải được cấp phép. Thế nhưng, đến nay số cơ sở kinh doanh rượu thủ công được cấp phép chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Điều đáng nói, số lượng rượu này không biết rõ chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, không tem, nhãn… song vẫn được các hộ gia đình, cơ sở tư nhân tự nấu, tự buôn bán, nhưng không xin cấp phép, không đăng ký theo quy định pháp luật.

Mặc dù có nhiều quy định, từ Nghị định tới Luật về quản lý rượu, bia, trong đó có rượu thủ công đã được ban hành. Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương có sản lượng lớn về rượu thủ công như Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên…, nhiều người không hề biết quy định về xin cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu hoặc có biết cũng lờ mờ. Tại những địa phương này, rất nhiều gia đình có thâm niên hàng chục năm làm nghề nấu rượu, mỗi ngày nấu gần 100 lít rượu, vào dịp lễ, Tết tới vài trăm lít. Tuy nhiên, khi đề cập việc xin đăng ký, xin cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu thủ công theo quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ thì họ tỏ ra khá bất ngờ và lúng túng.

2. Những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ tuổi sử dụng rượu, bia ngày càng tăng và Việt Nam trở thành một trong những nước tiêu thụ rượu, bia lớn trên thế giới. Trong các cuộc nhậu, cuộc vui, rượu, bia trở thành đồ uống không thể thiếu và là chất xúc tác để tăng độ sôi nổi, nhất là trong dịp lễ, Tết. Với nhiều người, uống càng nhiều càng chứng tỏ độ nhiệt tình, hết mình với người đối diện. Và hậu quả nhiều vụ ẩu đả, tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

Trước tình trạng này, từ ngày 1-1-2020, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống cùng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, không chỉ xử lý nghiêm những vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển các phương tiện giao thông, mà còn tác động mạnh mẽ đến cộng đồng, xã hội trong việc nâng cao ý thức về tác hại của rượu, bia. Đặc biệt, những điểm mới trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP với mức xử phạt cao chính thức có hiệu lực từ ngày 15-11-2020 cũng phần nào kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, số vụ đánh nhau, va chạm… do uống rượu, bia gây ra.

Anh Dương Ngọc Anh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình khi chế tài xử phạt tăng nặng đối với hành vi ép người khác uống rượu, bia. Bởi, bản thân anh nhiều lần là nạn nhân của nạn ép uống rượu, bia, rồi gây ra hiềm khích, cãi nhau. “Nhiều người bị ép uống rượu, bia đến mức say xỉn rồi tự lái xe về nhà, sau đó gây tai nạn giao thông. Uống rượu, bia rồi để hậu quả như vậy thì đâu còn gì gọi là vui nữa. Hy vọng thời gian tới những hệ lụy đáng tiếc của nạn uống rượu, bia quá đà sẽ được hạn chế”, anh nói.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc. Đã uống rượu bia thì không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương… Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu đã trót uống loại rượu không bảo đảm, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện có điều kiện xét nghiệm để kiểm tra.

Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, mời nhau ly bia, chén rượu mừng xuân là thói quen đã có từ lâu. Thế nhưng, nếu có uống thì cũng đừng quá lạm dụng, cần tự giác điều chỉnh, không nên uống nhiều và biết uống “có điểm dừng”, không ép buộc nhau uống nhiều. Đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-vande/lam-dung-ruou-bia-trong-ngay-tet-632617/