Lạm dụng thuốc nhỏ mũi sẽ có tác hại thế nào?
Việc sử dụng thuốc nhiều lần trong ngày, hoặc dùng liên tục trên một tuần rất có thể gây ra tình trạng quen thuốc, bệnh vì thế có thể nặng hơn.
Thời tiết thay đổi, môi trường ô nhiễm, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng bị bệnh về mũi ngày càng nhiều. Khi bị viêm mũi, ngạt mũi nhiều người thường ra ngay hiệu thuốc mua các lọthuốc nhỏ mũidạng nước hoặc dạng xịt về dùng. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc nhỏ mũi như vậy đã dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như bệnh nhân lệ thuộc vào thuốc, phát hiện bệnh muộn, phải phẫu thuật ngoại khoa, mất khả năng cảm nhận mùi vị...
Các loại thuốc nhỏ mũi thông thường như Ephedrin, Phinol, Naphazolin, xymetazolin, Otrivin... có tác dụng làm co mạch máu ở niêm mạc mũi, giảm xung huyết làm cho mũi thông thoáng, dễ thở. Ban đầu sử dụng hiệu quả được khoảng 6 đến 10 giờ, sau đó, tác dụng của thuốc giảm dần, bệnh nhân thường dùng tăng liều hoặc thay bằng thuốc mạnh hơn.
Việc sử dụng thuốc nhiều lần trong ngày, hoặc dùng liên tục trên một tuần rất có thể gây ra tình trạng quen thuốc. Lúc này, chẳng những thuốc không còn tác dụng chống sung huyết, mà còn dẫn đến "sung huyết hồi phát" gây nghẹt mũi nhiều hơn.
Nếu dùng nhiều lần naphazolin hoặc các thuốc gây co mạch khác, sẽ dễ xảy ra tình trạng giảm ôxy ở tổ chức trong cuốn mũi, dẫn đến phù nề. Phù nề trong hốc mũi sẽ gây ra nghẹt mũi, lại phát sinh nhu cầu nhỏ thuốc nhiều hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Hiệu lực của thuốc cứ ngắn dần, thậm chí mất tác dụng.
Thuốc nhỏ mũi ngoài cho tác dụng tại chỗ (niêm mạc mũi) còn gây tác dụng toàn thân (nếu lạm dụng) gây nên một số tác dụng không mong muốn như nhức đầu, chóng mặt, hồi hộp. Một số trường hợp có thể ảnh hưởng nặng hơn đến mũi, đó là gây teo mũi, thậm chí thủng vách ngăn mũi của trẻ.
Cần lưu ý gì khi dùng thuốc
Thời tiết chuyển mùa, nóng lạnh đột ngột, nhất là lạnh, ẩm ướt, khô hanh, môi trường ô nhiễm, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng bị bệnh về mũi ngày càng nhiều. Vì vậy, với trẻ em, các bà mẹ cần hết sức lưu ý không tự mua thuốc nhỏ mũi để sử dụng cho con mình (phải có đơn thuốc của bác sĩ khám bệnh), nhất là trẻ dưới 7 tuổi.
Đối với trẻ dưới 7 tuổi, tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi chứa dược chất làm co mạch, chống sung huyết để nhỏ mũi. Cũng vì tác dụng cường giao cảm thần kinh gây co mạch mà các bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, tim mạch, cường giáp hay phụ nữ có thai và cho con bú phải rất thận trọng, chỉ nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này khi được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng bừa bãi.
Nếu sổ mũi, nghẹt mũi tiếp tục nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để khám và điều trị. Nên lưu ý, rối loạn về mũi không chỉ là triệu chứng của cảm cúm, cảm lạnh mà là khởi đầu củaviêm mũi dị ứng, viêm xoang… rất cần đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị tốt ngay từ đầu để không bị bất lợi về sau.