Làm gì để an toàn phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình
Sáng 10/1, tại Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo phổ biến Quy chuẩn sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho nhà và công trình. Trung tâm Truyền thông (Báo Xây dựng) phối hợp với các đơn vị liên quan cùng tổ chức Hội thảo nhằm tuyên truyền phổ biến các quy định mới của Quy chuẩn sửa đổi về công tác PCCC.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tào Khánh Hưng – Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng cho biết: Hội thảo có nội dung quan trọng, ý nghĩa đối với xã hội liên quan tới an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ tại các nhà cao tầng, công trình xây dựng.
Thời gian qua, trên cả nước đã có nhiều vụ cháy lớn tại nhà ở, công trình xây dựng gây thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân. Đặc biệt là vụ cháy nhà ở riêng lẻ nhiều tầng tại Hà Nội ngày 12/9/2023 là tiếng chuông cảnh tỉnh đến an toàn phòng chống cháy nổ tại chung cư cao tầng. Do đó, ngày 16/10/2023 Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 09/2023 sửa đổi 1:2023 QCVN:06/2022, càng có ý nghĩa hơn đối với an toàn xã hội, bảo đảm tính mạng người dân. Để Thông tư đi vào cuộc sống cần sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp.
“Hội thảo mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp, góp ý từ các nhà tư vấn, chuyên gia, người dân và doanh nghiệp để ban tổ chức tổng hợp báo cáo Bộ Xây dựng. Đồng thời các nội dung góp ý phản biện cũng được tuyên truyền rộng rãi trên các ấn phẩm của Báo Xây dựng nhằm phổ biển, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiêp, cá nhân có thêm thông tin về nội dung sửa đổi Quy chuẩn 06 về PCCC và áp dụng đúng Quy chuẩn này. Qua đó làm rõ những vướng mắc khi áp dụng quy định trong thực tiễn như: Việc áp dụng quy chuẩn cho các công trình đã hoàn thiện và đi vào vận hành; quy định về các vật liệu chống cháy…”, ông Tào Khánh Hưng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, ông Lê Minh Long – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) đã giới thiệu nhanh về những nội dung cơ bản của Quy chuẩn sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022 về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Theo ông Long, quy chuẩn sửa đổi đã cập nhật nhiều điểm mới, phù hợp với điều kiện và thực tế tại Việt Nam. Đơn cử như sửa đổi bổ sung thêm nội dung trong mục “3.5 yêu cầu về an toàn cháy đối với các vật liệu xây dựng cho nhà” là cho phép áp dụng các yêu cầu về an toàn cháy đối với vật liệu hoàn thiện, trang trí, vật liệu ốp lát, vật liệu phủ sàn và các tiêu chí thử nghiệm tương ứng theo các tài liệu chuẩn được phép áp dụng để thay thế cho các yêu cầu từ 3.5.1 đến 3.5.9 và Phụ lục B...
Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nội dung sửa đổi Quy chuẩn 06 có rất nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn công tác PCCC tại Việt Nam như: Đối với nhà dân dụng, cho phép sử dụng cầu thang bộ loại 3 (cầu thang sắt ngoài nhà) làm cầu thang thoát nạn trong nhà cao từ 28m đến 50m; không yêu cầu giới hạn chịu lửa của đường ống hệ thống bảo vệ chống khói khi ống được làm bằng thép mạ kẽm dày tối thiểu 1,2mm và được bảo vệ bằng hệ thống sprinkler; đối với nhóm nhà bệnh viện, phòng khám cho phép bố trí công năng chính tại các tầng có chiều cao PCCC lớn hơn 28m hoặc quá 9 tầng nhưng tối đa 50m bằng các giải pháp quy định trong quy chuẩn này mà không yêu cầu có luận chứng được Bộ Xây dựng và Bộ Công an đồng ý; điều chỉnh chiều rộng vế thang theo hướng giảm chiều rộng bản thang tại Điều 3.4.1; cho phép sử dụng thang rẽ quạt khi đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của Điều 3.4.4; cho phép sử dụng cửa trượt, cửa xếp trên lối ra thoát nạn tại một số trường hợp tại Điều 3.2.3; cho phép lối ra từ tầng hầm đi qua sảnh chung đối với nhà có chiều cao PCCC dưới 28m khi có lối vào buồng thang bộ tại tầng hầm đi qua khoang đệm ngăn cháy loại 1…
Đối với nhà xưởng, kho hệ thống chữa cháy ngoài nhà đã điều chỉnh thời gian chữa cháy thành 1 giờ đối với các nhà xưởng, kho có yêu cầu lưu lượng cấp nước ngoài nhà đến 20l/s; tăng bán kính bảo vệ của trụ nước chữa cháy phục vụ chữa cháy ngoài nhà lên 400m; làm rõ quy định khoảng cách PCCC tại phụ lục E của quy chuẩn; không yêu cầu hút khói đối với nhà xưởng, nhà kho hạng sản xuất D, E; điểu chỉnh hướng mở rộng khoang cháy của một số loại hình kho, xưởng…
Mặt khác theo quy định của Nghị định số 136/2020-NĐ-CP, các công trình hiện hữu đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, nay tiến hành cải tạo, bố trí ngăn vách trong công trình theo quy định cũng phải được thẩm duyệt, nghiệm thu đối với phần cải tạo. Nội dung này có thể gây mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp, do đó để giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp liên quan đến việc cải tạo bên trong công trình Công an thành phố đã kiến nghị Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ góp ý sửa đổi Nghị định số 136/2020/NĐ-CP trong đó đề nghị cần làm rõ đối tượng cải tạo như thế nào mới yêu cầu thẩm duyệt cải tạo.
Để ngăn ngừa cháy nổ tại các chung cư tòa nhà, theo ông Nguyễn Duy Thành – CEO Công ty Cổ phần Quản lý nhà toàn cầu – Global Home thì ngoài phần cứng như việc bảo hành bảo trì bảo dưỡng định kỳ để bảo đảm an toàn PCCC thì cần tuyên truyền cho người dân hiểu và biết các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn tại nơi mình sinh sống và làm việc.
Ông Thành lưu ý để phòng chống cháy nổ hiệu quả an toàn cần tăng cường công tác kiểm tra bảo trì thường xuyên hệ thống thiết bị PCCC như máy bơm PCCC, tủ điện PCCC, hệ thống báo khói, báo nhiệt, vòi chữa cháy; xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro và đặc biệt là thường xuyên tuyên truyền về kỹ năng thoát hiểm, nâng cao ý thức về PCCC cho người dân...