Làm gì để bảo vệ con khỏi video độc hại?
Các kênh video, ví dụ YouTube là nguồn tài nguyên tốt, giúp trẻ em học tập và giải trí nhưng cũng chứa nhiều nội dung độc hại.
Những năm gần đây, tình trạng trẻ em tiếp xúc với các video có nội dung không phù hợp trên internet ngày càng nhiều, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đáng chú ý dư luận đặc biệt lên án những video phản giáo dục của Thơ Nguyễn trên Tiktok.
Trong thời đại công nghệ, bố mẹ không thể cấm hoàn toàn con dùng internet. Phụ huynh sẽ hạn chế được tình trạng này nếu lưu ý những điều dưới đây.
Sử dụng ứng dụng trẻ em của các nền tảng video
YouTube Kids là ứng dụng được Google đưa ra vào năm 2015, phù hợp với trẻ từ 2-8 tuổi. Ứng dụng miễn phí này có khả năng vô hiệu hóa chức năng tìm kiếm, lọc các từ khóa, hạn chế thời gian sử dụng của trẻ. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là không thể sử dụng cho máy tính bàn và máy tính xách tay.
Bật chế độ hạn chế
YouTube cũng có chế độ hạn chế nhằm lọc ra "những nội dung có thể bị phản đối". Bố mẹ chỉ cần kéo xuống dưới trang YouTube và bật nó. Đối với điện thoại hãy vào mục cài đặt để bật chế độ này.
Hạn chế sử dụng tai nghe
Khi trẻ dùng tai nghe, bạn sẽ không thể biết liệu trẻ có đang tiếp xúc với những âm thanh bạo lực hay không. Hãy cất tai nghe và ở gần con để nghe thấy nội dung video.
Chuẩn bị sẵn các kênh cho con
Bạn có thể tạo tài khoản riêng trên nền tảng video cho con. Hãy xóa hết những nội dung xấu và thiết lập sẵn danh sách các kênh video mà bạn thấy phù hợp để trẻ không cần tìm kiếm mà vẫn có nhiều lựa chọn. Lưu ý, hãy thường xuyên kiểm tra lịch sử xem video của con để bảo đảm trẻ không tiếp xúc với thứ ngoài mong đợi.
Xem cùng nhau
Cách tốt nhất để bảo đảm con bạn không tiếp xúc với nội dung không phù hợp là xem cùng trẻ. Hãy ở cạnh con khi chúng sử dụng điện thoại, máy tính bảng để biết con đang xem gì. Bên cạnh đó, ngày nay, các loại ti vi thông minh dễ dàng kết nối với điện thoại nên bạn cũng có thể gợi ý con xem video trên màn hình lớn để tiện theo dõi.
Ngoài các điều trên, bố mẹ nên cảnh báo với trẻ rằng việc xem video online có thể khiến trẻ gặp phải một số nội dung không phù hợp. Hãy giải thích với trẻ đây không phải lỗi của con và hướng dẫn các bé báo cáo vấn đề với nền tảng video.
Khi thấy các video xấu xuất hiện, chính bố mẹ cũng có thể gửi khiếu nại. Khi bị gây áp lực từ người dùng, các nền tảng video sẽ phải tự điều chỉnh thêm để bảo vệ trẻ em tốt hơn.
LAN ANH (tổng hợp)
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tu-van/lam-gi-de-bao-ve-con-khoi-video-doc-hai-162839