Làm gì để cải thiện chỉ số PGI?

Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 của tỉnh Cà Mau đạt 19,94 điểm, xếp hạng 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp hạng 12/13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).

Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Chỉ số PGI là tập hợp cảm nhận của doanh nghiệp (DN) và truyền tải tiếng nói của cả cộng đồng DN về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp. Chỉ số PGI năm 2023 gồm 4 chỉ số thành phần, được hợp thành từ 45 chỉ tiêu đo lường chất lượng quản trị môi trường, theo hướng gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế”.

Thúc đẩy “xanh hóa” DN

Ðối với tỉnh Cà Mau trong năm qua, thực hiện bộ chỉ số này, có 2 chỉ số thành phần đạt điểm số cao hơn điểm trung vị cả nước, gồm: Chỉ số “Thúc đẩy thực hành xanh" (thể hiện nỗ lực thúc đẩy DN “xanh hóa” quy trình sản xuất, kinh doanh tại DN, cũng như đẩy mạnh các hoạt động mua sắm xanh ở chính các cơ quan Nhà nước tại địa phương), xếp vị trí 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 42 hạng so với năm 2022) và đứng hạng 5/13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ÐBSCL (tăng 5 hạng so với năm 2022); Chỉ số “Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ” (khuyến khích DN gia nhập và chuyển đổi hoạt động sang các ngành sản xuất, kinh doanh xanh), xếp vị trí 22/63 tỉnh, thành phố và xếp hạng 4/13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ÐBSCL.

Tuy nhiên, tỉnh còn 2 chỉ số thành phần thấp điểm, đó là Chỉ số “Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai” và Chỉ số “Ðảm bảo tuân thủ”. 2 chỉ số này xếp hạng gần như cuối bảng so với các tỉnh, thành cả nước và đều xếp hạng 13/13 tỉnh, thành phố thuộc vùng ÐBSCL.

Theo kết quả khảo sát, đánh giá, thủ tục lĩnh vực môi trường vẫn còn phiền hà. (Ảnh minh họa)

Theo kết quả khảo sát, đánh giá, thủ tục lĩnh vực môi trường vẫn còn phiền hà. (Ảnh minh họa)

Trong đó, Chỉ số “Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai” của tỉnh xếp hạng 48/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này có 7/15 chỉ tiêu bị đánh giá tiêu cực: về chất lượng môi trường tổng thể của tỉnh; tỷ lệ xã, phường có hoạt động thu gom rác thải hằng ngày; rủi ro thiên tai ảnh hưởng đến hoạt động của DN; chất lượng cơ sở hạ tầng chưa đủ tốt để phòng ngừa thiên tai...

Chỉ số “Ðảm bảo tuân thủ” đứng vị trí 58/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số này thể hiện sự đánh giá của các DN về tính nghiêm túc và công bằng khi thực thi các quy định môi trường tại địa phương như: chính quyền chưa nhanh chóng khắc phục sự cố môi trường; thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn phiền hà; trả chi phí không chính thức cho thanh tra môi trường; tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn thấp; việc thu gom, xử lý chất thải rắn chưa đạt yêu cầu...

Cần sàng lọc, lựa chọn các dự án kinh doanh có trách nhiệm

Ðối với 2 chỉ số thành phần thấp điểm, ông Trịnh Văn Lên lý giải: “Về nguyên nhân khách quan, Chỉ số PGI được công bố thử nghiệm vào năm 2022, sau đó VCCI tiếp tục rà soát, hoàn thiện PGI trên cơ sở lược bỏ một số chỉ tiêu không phù hợp, khó áp dụng và bổ sung các chỉ tiêu mới đo lường tốt hơn. So với năm 2022, Chỉ số PGI năm 2023 đã được cập nhật, bổ sung và thay thế 34 chỉ tiêu đo lường mới. Chính thay đổi này đã khiến việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PGI của tỉnh chưa kịp thời, đạt hiệu quả chưa cao".

Song, ông Trịnh Văn Lên cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa cao. Phần lớn các DN tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải và hầu hết nằm ở ven sông, kênh, rạch nên thường vận hành hệ thống xử lý theo ý muốn chủ quan, rất dễ để thực hiện hành vi vi phạm về xả thải. Ðây là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước mặt của tỉnh”.

Ngoài ra, các khu đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định, nên chưa cung cấp được dịch vụ xử lý chất thải cho các DN nằm trong khu, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành việc phân loại rác thải tại nguồn của người dân chưa cao; hạ tầng bảo vệ môi trường phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải còn nhiều hạn chế. Công tác kiểm tra, kiểm soát về bảo vệ môi trường tại các địa phương còn khó khăn do thiếu nhân lực, trang thiết bị, đặc biệt là lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm xả thải ở các xã, phường, thị trấn. Các thông tin về thời tiết, khí tượng thủy văn chưa được phổ biến rộng rãi để DN dễ tiếp cận; chất lượng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu về phòng ngừa thiên tai.

Tiến sĩ Ðậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, PGI, khuyến nghị: “Ðể cải thiện chỉ số này, thời gian tới, tỉnh Cà Mau cần thực thi tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thực thi pháp luật nghiêm túc, giám sát chặt chẽ từ khâu đầu tư, xây dựng đến vận hành; song, cần tránh tạo gánh nặng không cần thiết với DN”.

Cần phổ biến thông tin hiệu quả tới cộng đồng DN các nội dung liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Dẫn dắt và khuyến khích các DN nâng cấp công nghệ, đầu tư theo hướng thân thiện môi trường qua các chương trình phù hợp.

Chú trọng thu hút các dự án đầu tư kinh doanh có trách nhiệm. Xây dựng các tiêu chí đánh giá dự án đầu tư ở địa phương, trọng tâm là sàng lọc, lựa chọn các dự án kinh doanh có trách nhiệm... Ðồng thời, tổ chức triển khai tới từng đơn vị có liên quan, gắn với trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu, cơ quan chủ trì, phối hợp... thực hiện việc giám sát, đánh giá định kỳ một cách thực chất, công khai, minh bạch để đảm bảo hiệu quả thực thi về môi trường./.

Ðào Hồng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/lam-gi-de-cai-thien-chi-so-pgi-a33446.html