Làm gì để cứu trợ vùng lũ hiệu quả?
Hàng trăm chuyến xe cứu trợ đổ về miền Trung những ngày qua. Các đoàn thiện nguyện cần làm gì để việc sẻ chia được đồng đều, tránh nơi thừa, nơi thiếu.
Hà Tĩnh vừa trải qua trận mưa lũ lịch sử cao nhất trong 10 năm qua. Chìm trong biển nước, người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Ba ngày qua, nhiều đoàn thiện nguyện đã về giúp đỡ bà con vùng lũ. Tuy nhiên, cần làm cách nào để hiệu quả, đảm bảo sự đồng đều, tránh nơi thừa nơi thiếu cũng là vấn đề đang được quan tâm.
Zing đã có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề này.
- Nước lũ đã rút nhưng còn rất nhiều hộ dân nằm trong vùng ngập sâu bị ảnh hưởng. Tỉnh Hà Tĩnh đã có kế hoạch cứu trợ thế nào?
Khi lũ xảy ra, MTTQ tỉnh đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng. Trước hết, chúng tôi gắn các lực lượng quân đội, công an, biên phòng với cơ quan phòng chống lụt bão để có các phương tiện kịp thời sơ tán. Đồng thời, chúng tôi cung ứng các vật tư, nhu yếu phẩm để hỗ trợ nhân dân ngay thời điểm đó.
Lũ rút, các huyện đã chủ động hơn trong việc mua sắm các vật tư, nhu yếu phẩm cho bà con. Đối với tỉnh, chúng tôi điều phối phương tiện để các địa phương vận chuyển kịp thời hàng cứu trợ.
Ngoài ra, MTTQ cũng kêu gọi, phát động đồng bào giúp đỡ người dân vùng lũ Hà Tĩnh.
- Trong đợt lụt này, số hộ dân bị ngập sâu là rất lớn. Cơ quan chức năng địa phương gặp khó khăn nào trong việc cứu trợ?
Khi nước dâng cao, khó khăn nhất là phương tiện để đến được với người dân. Tuy nhiên, rất may, 43.000 người dân của Hà Tĩnh đã kịp thời được sơ tán về nơi an toàn. Ở các nơi đó, chúng tôi cung ứng cho bà con những thứ cần thiết để sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi.
Còn những nhà sống trên tầng, việc vận chuyển đến đó gặp khó khăn. Tất cả các phương tiện của công an, quân đội, người dân đều tập trung làm song vẫn còn thiếu. Chúng tôi phải huy động nhân lực, phương tiện của địa phương bạn như Nghệ An và các huyện không bị ngập tới chi viện.
- Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan, đơn vị chức năng nêu trên, 3 ngày qua có nhiều đoàn từ thiện về giúp bà con. Tỉnh Hà Tĩnh có kế hoạch tiếp nhận hàng cứu trợ của họ thế nào?
Hiện nay, chúng tôi đã thành lập một ban tiếp nhận hàng hóa tại khách sạn BMC ở trung tâm TP Hà Tĩnh. Ngoài ra, TP Hà Tĩnh cũng thành lập ban tiếp nhận tại khách sạn Bình Minh.
Những đoàn nào có thể đi được tận nơi, chúng tôi điều phối ngay để họ đến các địa phương luôn.
Còn các đoàn không có điều kiện đi, chúng tôi tiếp nhận hàng cứu trợ ở các vị trí trên. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế, chúng tôi chuyển hàng cứu trợ đến với bà con ngay lập tức.
- Việc thiện nguyện là rất tốt nhưng không tổ chức bài bản thì hiệu quả không cao. Ông có khuyến cáo gì đối với các đoàn này?
Trước hết, chúng tôi cảm ơn tấm lòng của mọi người đã hướng đến bà con vùng lũ trong khi đất nước chúng ta còn gặp rất nhiều chuyện khó khăn, đặc biệt là vừa trải qua đợt dịch Covid-19.
Sự chia sẻ, hỗ trợ lúc này là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong rằng việc thiện nguyện này có tổ chức. Tức là, các đoàn đi đến địa phương nào thì nên kết hợp chặt chẽ với chúng tôi và các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận. Để làm gì? Thứ nhất, các đoàn thiện nguyện có sự hỗ trợ.
Thứ hai, con người, phương tiện của họ được tư vấn đi đến vùng miền nào, gia đình nào cần giúp đỡ. Qua đó, hàng cứu trợ được đảm bảo sự đồng đều, mỗi người dân đều nhận được quà để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
- Có phản ánh về việc nơi nhận cùng lúc nhiều hàng hóa giống nhau sinh ra thừa, không bảo quản được lâu, nơi đang thiếu thốn những thứ cần thiết lại không được nhận. Vậy người dân vùng lũ cần những gì lúc này?
Những khu vực lũ đã rút, bà con có thể nấu ăn được thì cần gạo, chăn, áo ấm, dầu ăn, mì chính, xà phòng, nước mắm, thuốc đau bụng, đau mắt, hóa chất xử lý nước. Những thứ này cần và rất quan trọng.
Còn vùng vẫn bị ngập, chưa nấu ăn được thì đồ ăn sẵn như sữa, lương khô, bánh là cần thiết. Nhu cầu mỗi nơi khác nhau nên chúng ta phải phân loại như vậy.
Các đoàn thiện nguyện liên hệ, chúng tôi đều tư vấn và điều phối cho hợp lý. Việc này được làm chính xác, ghi chép cẩn thận. Nếu cứ như vậy, tôi tin rằng không có chuyện nơi thừa, nơi thiếu.
- Xin cảm ơn ông!
Đầu mối tiếp nhận cứu trợ ở Hà Tĩnh:
- Tỉnh Hà Tĩnh: Bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó chủ tịch UBMTTQ tỉnh, SĐT: 0919806129
- Huyện Cẩm Xuyên: Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch UBMTTQ huyện, SĐT: 0919645468
- Huyện Thạch Hà: Ông Trần Danh Vinh, Chủ tịch UBMTTQ huyện, SĐT: 0941108555
- TP Hà Tĩnh: Ông Nguyễn Đức Danh, Chủ tịch UBMTTQ TP, SĐT: 0912606866
Thị xã Kỳ Anh: Ông Lê Thanh Nghị, Phó chủ tịch UBMTTQ thị xã, SĐT: 0985726518
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-gi-de-cuu-tro-vung-lu-hieu-qua-post1144682.html