Làm gì để đưa cây dược liệu giúp bà con thoát nghèo?
Với những giá trị to lớn mà cây dược liệu mang lại, nhiều người dân đã thoát nghèo, thậm chí là làm giàu trên chính mảnh đất cằn cỗi mà trước đây vụ được vụ mất khi trồng cây nông nghiệp.
Làm giàu từ dược liệu
Tận dụng tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển cây dược liệu, những năm qua, huyện vùng cao Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã có nhiều chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào địa bàn. Chính quyền địa phương cũng đã lồng ghép nhiều nguồn vốn để hỗ trợ người dân trồng các loại cây dược liệu, phát triển kinh tế.
Gia đình chị Sùng Thị Cúc, dân tộc Mông, ở bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu từng là hộ nghèo nhất bản. Chỉ cách đây vài năm, cuộc sống của gần 10 nhân khẩu trong gia đình chị phụ thuộc hoàn toàn vào mấy mảnh nương lúa một vụ. Cuộc sống thiếu trước, hụt sau kéo dài nhiều năm, nên gia đình thường xuyên phải nhờ vào nguồn gạo cứu đói mùa giáp hạt của Nhà nước.
Chị Sùng Thị Cúc tâm sự, do không có thu nhập nên chồng chị phải đi làm công nhân công ty ở tận Bắc Ninh. Ở nhà, còn chị và đứa con gái đầu là lao động chính, nhưng đất ít quá nên trồng lúa, ngô cũng chỉ đủ ăn. Khi được nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, chị đã trồng được hơn 1.000m2 cây đương quy và atiso trên mảnh nương gần nhà. Dược liệu cho thu hoạch, được tiểu thương đến tận đồi thu mua và hai mẹ con cũng đi làm thuê cho công ty dược liệu trên địa bàn, nên giờ đã thoát được nghèo.
"Giờ gia đình tôi có 9 khẩu, trước kia, tôi ở nhà trồng ngô, trồng lúa mà không đủ ăn và không có thu nhập. Nay vườn cây dược liệu của gia đình cũng cho thu nhập, hai mẹ con đi làm cho công ty nữa nên cũng có lương hàng ngày. Từ khoản tiền tích cóp của chồng và thu nhập của hai mẹ con, vừa qua, gia đình tôi cũng sửa được nhà và mua một số vật dụng sinh hoạt trong gia đình", chị Sùng Thị Cúc phấn khởi.
Xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mặt nước biển, có khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm. Nơi đây cũng là vùng đất truyền thống của Nông trường dược liệu từ những năm 70, 80 thế kỷ trước. Sau một thời gian dài loay hoay với cây lương thực, vài năm trở lại đây, huyện Sìn Hồ đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu phù hợp như: đương quy, atisô, đỗ trọng, sâm cát cánh, thất diệp nhất chi hoa.
Tiềm năng phát triển dược liệu và cây sâm ở huyện Sìn Hồ rất tốt, vì trên này điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ. Độ cao vị trí đơn vị đặt ở đây đang là 1.750 mét so với mực nước biển. Đến nay, toàn huyện Sìn Hồ có hơn 600ha dược liệu các loại. Riêng từ năm 2020 đến nay, huyện trồng mới hơn 120ha, chủ yếu là các loại cây như atisô, đương quy, với kinh phí hỗ trợ của huyện lên tới hơn 2,1 tỷ đồng. Huyện cũng đã hình thành vùng trồng dược liệu tại các xã: Sà Dề Phìn, Làng Mô, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Ngảo, thị trấn và một số địa phương có tiểu vùng khí hậu phù hợp.
Ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết, địa phương đã và đang khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở rộng diện tích trồng dược liệu. Ngoài ra, huyện còn có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trồng và phát triển cây dược liệu quy mô lớn. Từ các sản phẩm dược liệu, huyện đã có nhiều mặt hàng nông sản được chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh và từng bước khẳng định ưu thế, hiệu quả kinh tế.
Vẫn còn nhiều thách thức
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia độc lập giàu kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, mặc dù có tiềm năng lớn nhưng ngành dược liệu của nước ta vẫn đang trong giai đoạn non trẻ và còn nhiều khó khăn.
Thứ nhất là thách thức về vùng trồng, việc trồng dược liệu diễn ra ở quy mô nhỏ lẻ, rải rác ở cấp hộ gia đình. Nguồn cung cấp hạt giống cây dược liệu rất hạn chế. Hạt giống hay cây con thường được thương lái mua với giá cao nhưng chất lượng và nguồn gốc không rõ ràng. Một số cơ sở cung cấp đầu vào có uy tín như Viện Dược liệu Trung ương nhưng số lượng cung cấp ở mức khiêm tốn. Các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật hiếm khi có sẵn và do đó, người trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của chính họ trong việc trồng cây dược liệu.
Đối với dược liệu làm thuốc, vùng trồng dược liệu cần phải có chứng nhận GACP-WHO, chỉ được cấp bởi Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền, thuộc Bộ Y tế. Việc trồng dược liệu thực chất là rủi ro. Dược điển Việt Nam đã quy định hàm lượng hoạt chất cần thiết cho từng cây dược liệu đã biết. Các sản phẩm cây dược liệu sẽ được đo lường theo yêu cầu này trước khi được mua bởi các công ty dược phẩm. Cây dược liệu có thể phát triển tốt nhưng hoạt chất không được đảm bảo.
Thứ hai là thách thức về chế biến, trong phân khúc hiện đại, dược liệu được sử dụng bởi các công ty dược phẩm hoặc các nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc cá nhân khác. Tài sản có giá trị nhất của cây dược liệu là các hoạt chất. Công nghệ là chìa khóa để cô lập và chiết xuất các hoạt chất. Tuy nhiên, việc áp dụng các công nghệ hiện đại còn khá khiêm tốn. Do đó, lượng dược liệu đầu ra dùng để chế biến dược phẩm khá hạn chế. Thay vào đó, phần lớn sản lượng được sử dụng cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân, đặc biệt là đồ uống và thực phẩm bổ sung.
Thứ ba là thách thức về tiếp thị, thông tin thị trường hiếm khi có sẵn. Chưa có một nghiên cứu thị trường chính thức nào cho cây dược liệu. Một số tên tuổi lớn trong ngành dược phẩm đã dành nhiều năm và hàng triệu USD cho việc nghiên cứu sản phẩm và phát triển thị trường. Các công ty này có một số thống kê về bối cảnh thị trường liên quan đến sản phẩm của họ, nhưng không phải là bức tranh toàn cảnh.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) là giải pháp quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trong Chương trình có Nội dung 2: Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.