Làm gì để 'giải vây' nông sản bản địa khỏi nạn giả mạo nhãn hiệu?
Từ hạn chế trong quản lý nhãn hiệu ở ngành dừa cho đến câu chuyện trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc để giả mạo khoai Đà Lạt liên tục tái diễn, để thấy rất cần những giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong thời gian tới để 'giải vây' cho nông sản bản địa của Việt Nam thoát khỏi nạn giả mạo nhãn hiệu.
Cách đây một tháng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho quả dừa sáp (còn gọi là dừa đặc ruột hay dừa kem) Trà Vinh.
Không để ảnh hưởng đến “cái nôi”
Theo Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế thuộc Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay Trà Vinh là tỉnh duy nhất trồng dừa sáp truyền thống có đủ khả năng thương mại trên thị trường và là nơi có các điều kiện địa lý đặc thù tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm.
Ở tỉnh này có 6 địa phương trồng dừa sáp, trong đó diện tích dừa sáp lớn nhất và tập trung chủ yếu tại huyện Cầu Kè với 1.145,70 ha (chiếm 89,68% diện tích dừa sáp của tỉnh). Giới chuyên gia đánh giá việc cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý như nêu trên là rất cần thiết khi mà ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tràn lan cây giống dừa sáp, có nguy cơ ảnh hưởng đến “cái nôi” nhãn hiệu giống dừa sáp Trà Vinh.
Bởi lẽ, trước đó, việc ươm, nhân giống dừa sáp chưa có sự ràng buộc về mặt pháp lý nên có nhiều nông dân ngoài tỉnh Trà Vinh đã tự nhân giống để bán (chất lượng lại mập mờ) và thường lấy tên là “dừa sáp Trà Vinh” hay “dừa sáp Cầu Kè”.
Trên thực tế, bên cạnh nhãn hiệu “dừa sáp Trà Vinh”, tính đến nay cả nước đã có 2.799 nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu dừa tập thể và Chỉ dẫn địa lý về dừa nộp đơn xin cấp quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu của các chủ sở hữu nhãn hiệu vẫn còn nhiều hạn chế.
Đứng ở góc độ địa phương, để bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của ngành dừa, một lãnh đạo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho rằng điều quan trọng là cần tổ chức đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, quy trình công nghệ, sở hữu trí tuệ liên quan đến chế biến các sản phẩm dừa. Bên cạnh đó, cần quản lý và sử dụng có hiệu quả các nhãn hiệu tập thể đã được chứng nhận như “Dừa xiêm xanh Hoài Ân”, “Dừa Tam Quan” và các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP như: Bánh tráng nước dừa, dầu dừa tinh khiết,...
Trong khi ngành dừa đang lường trước rủi ro về việc đánh cắp nhãn hiệu thì ở tỉnh Lâm Đồng, việc liên tục tái diễn tình trạng trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc để giả mạo khoai Đà Lạt vẫn là điều đáng lo ngại. Như hồi tháng 8/2024, Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh nông sản tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng đã sử dụng chiêu thức nhập khẩu khoai tây Trung Quốc rồi giả mạo khoai tây Đà Lạt bán cho đối tác, khách hàng.
Thực ra, thực trạng này đã diễn ra từ cách đây hơn 10 năm, đã bị cơ quan chức năng xử lý, nhưng sau đó hành vi giả mạo nhãn hiệu khoai tây Đà Lạt của một số cơ sở kinh doanh vẫn tiếp tục lập lại. Và không chỉ với khoai tây, có rất nhiều loại nông sản khác cũng bị giả mạo xuất xứ, hàng nhập khẩu nhưng “đội lốt” hàng Đà Lạt. Điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân, HTX và doanh nghiệp (DN) ở địa phương do sự cạnh tranh không công bằng từ sản phẩm giả mạo hoặc kém chất lượng.
Nên xây dựng hệ thống nhận dạng thương hiệu
Ts. Dương Thái Trung thuộc Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, nên có các quy định chặt chẽ, cam kết của các thương nhân, tiểu thương kinh doanh nông sản nhằm quản lý chặt nguồn cung. Và điều không thể thiếu là cần tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản có thương hiệu nói chung thông qua hợp đồng giữa các bên (nhà nông, HTX, ngân hàng, DN phân phối…).
Ngoài vấn đề về bảo vệ nhãn hiệu cho ngành dừa hay nông sản bản địa của Đà Lạt, giới chuyên gia lưu ý một thực trạng hiện này là khó có cách phân biệt giữa những nông sản bản địa chất lượng, có thương hiệu với những đặc sản trôi nổi ngoài thị trường. Điều này là do nhiều nông sản bản địa của Việt Nam chưa được đầu tư về khâu bao bì, nhãn mác cũng như hệ thống nhận dạng thương hiệu.
Chính vì thế nên có những nông sản bản địa có thương hiệu và đã được bảo hộ thương hiệu theo chỉ dẫn địa lý vẫn dễ dàng bị trộn lẫn với những nông sản cùng loại khác, người tiêu dùng dễ dàng mua nhầm các loại nông sản giả mạo nhãn hiệu đặc sản địa phương. Thậm chí, nhiều nông sản bản địa có thương hiệu xuất bán ra thị trường nội địa mà không có tem nhãn, bao bì để khách hàng nhận biết so với các nông sản khác.
Từ đó, nông sản được bảo hộ dễ dàng bị giả mạo, lợi dụng thương hiệu, có thể gây ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng thương hiệu nông sản trong tâm trí người tiêu dùng. Mặt khác, có những nông sản bản địa dù đã có từ lâu đời, có tên gọi nhưng lại chưa được đăng ký bảo vệ thương hiệu. Do vậy, nguy cơ bị mất thương hiệu rất cao.
Do vậy, điều cần làm trong thời gian tới để “giải vây” cho nông sản bản địa thoát khỏi nạn giả mạo nhãn hiệu là nên tập trung vào xây dựng hệ thống nhận dạng thương hiệu. Nhất là gắn phát triển xây dựng nhãn hiệu chung sản phẩm nông sản với quản lý xây dựng mã số vùng trồng, mã số DN sản xuất, chế biến nông sản. Bên cạnh đó, cần có thiết kế bao bì riêng cho nông sản bản địa có thương hiệu để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thương hiệu nông sản đó.
Song song đó, giới chuyên gia cho rằng việc thực thi pháp luật hiện hành vẫn là một thách thức đáng kể đối với các nông sản bản địa được bảo hộ khi mà tình trạng giả mạo vẫn còn âm ỉ. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chủ động hơn từ các cơ quan thực thi pháp luật. Hơn nữa, về mặt chính sách, điều cần làm là nên có một nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Có như vậy sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi về bảo hộ nhãn hiệu, từ đó góp phần bảo vệ nhãn hiệu cho nông sản bản địa.