Làm gì để giảm lo âu cho giới trẻ?
Trong cuốn sách Thế hệ lo âu (The Anxious Generation), tác giả - nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt lập luận rằng, sự suy giảm các hoạt động chơi tự do trong thời thơ ấu và sự gia tăng việc sử dụng điện thoại thông minh ở thanh thiếu niên chính là nguyên nhân gây căng thẳng tâm lý ngày càng tăng ở giới trẻ.
Tác động từ thế giới ảo và áp lực học tập
Jonathan Haidt khẳng định, hai sai lầm lớn mà chúng ta mắc phải, đó là bảo vệ trẻ em quá mức trong thế giới thực (nơi chúng cần học hỏi từ rất nhiều kinh nghiệm trực tiếp) và thiếu bảo vệ trong thế giới ảo (nơi chúng đặc biệt dễ bị tổn thương ở tuổi dậy thì)...
Bàn về các vấn đề đưa ra trong cuốn sách, tại tọa đàm ngày 4.1, nhà tâm lý giáo dục Bùi Thị Hải Yến, CEO Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, cho rằng, rõ ràng sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, internet và các thiết bị thông minh đã tạo ra những thay đổi lớn trong môi trường phát triển của thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ Z (sinh từ 1997 - 2012) và thế hệ Alpha (sinh từ 2013 - 2025).
"Tác động của việc sử dụng mạng xã hội và các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng… đã ảnh hưởng đáng kể đến các mặt cuộc sống của các thế hệ, đặc biệt là giảm tương tác xã hội trực tiếp, thay vào đó là giao tiếp qua mạng; gia tăng so sánh bản thân với hình ảnh lý tưởng trên mạng, dẫn đến mất tự tin; gây nghiện, khó tập trung và thiếu ngủ do sử dụng thiết bị công nghệ quá lâu", bà Yến phân tích.
Theo bà Yến, sản phẩm công nghệ cực kỳ thông minh, tác động trực tiếp vào tâm lý giới tính, tâm lý lứa tuổi, đi đúng xu hướng phát triển của xã hội nên tạo sự hấp dẫn đặc biệt. Thế giới ảo cũng khiến các bạn trẻ ngày càng xa rời thực tế, giảm cảm xúc, giảm khả năng đối phó tình huống, thiếu công tác xã hội, dễ gặp các vấn đề lo âu, trầm cảm.
Lý do dẫn đến tình trạng này là bởi "các bạn trẻ gặp quá nhiều áp lực về học tập, thời lượng học tập quá lớn, quá nhiều, nên kỹ năng sống giảm sút. Cùng với đó, cảm xúc của các em không được chăm sóc đầy đủ dẫn tới đây đang là một thế lo âu và cũng là thế hệ đáng để cho cha mẹ lo âu".
Chuyên gia giáo dục, TS. Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, cũng nêu những vấn đề “thế hệ lo âu” đang gặp phải. Đó là nhiều người quá chú trọng vào điểm số và thành tích học tập gây ra áp lực lớn cho học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng học tập và sự phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ vẫn còn áp đặt kỳ vọng quá cao về thành tích học tập, thay vì tập trung vào sự phát triển cá nhân của con...
Tạo ra một tuổi thơ khỏe mạnh hơn trong thời đại công nghệ
Nhắc lại các giải pháp mà cha mẹ, giáo viên, trường học, công ty công nghệ và chính phủ có thể thực hiện để chấm dứt đại dịch bệnh tâm thần và khôi phục tuổi thơ của thế hệ gen Z, Alpha, Beta… được đề cập trong cuốn Thế hệ lo âu, TS. Nguyễn Thụy Anh đề xuất, cần thay đổi cách tiếp cận, chú trọng vào quá trình học tập và phát triển cá nhân các thế hệ thay vì chỉ quan tâm đến kết quả. Cha mẹ cần tạo môi trường học tập tích cực, khuyến khích và hỗ trợ con trong học tập. Cân bằng việc sử dụng công nghệ số, tăng cường tương tác trực tiếp và phát triển kỹ năng giao tiếp. Tìm hiểu và áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại, giúp học sinh phát triển toàn diện.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Hải Yến cho hay, cần thiết kế các chương trình trải nghiệm để tăng cường kỹ năng sống và cảm xúc cho học sinh, sinh viên. Hỗ trợ và can thiệp kịp thời đối với những trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của các nhà sản xuất công nghệ, hướng tới một môi trường phát triển lành mạnh hơn cho các thế hệ tương lai.
Tác giả Jonathan Haidt cũng đưa ra 4 cải cách quan trọng, là cơ sở để tạo ra một tuổi thơ khỏe mạnh hơn trong thời đại công nghệ.
Thứ nhất, không dùng điện thoại thông minh trước lớp 9 (khoảng 14 tuổi), cha mẹ chỉ cho con dùng những chiếc điện thoại có ứng dụng hạn chế và không có trình duyệt internet.
Thứ hai, không dùng mạng xã hội trước 16 tuổi, để trẻ vượt qua giai đoạn phát triển trí não dễ bị tổn thương nhất.
Thứ ba, trường học không có điện thoại, khóa tất cả thiết bị để tập trung vào việc học và tương tác trực tiếp.
Thứ tư, vui chơi không bị giám sát nhiều hơn và tính độc lập thời thơ ấu, để phát triển các kỹ năng xã hội một cách tự nhiên, trở thành những thanh niên tự quản.
Thế hệ lo âu là một trong số 4 cuốn sách yêu thích của tỷ phú Bill Gates và nằm trong 10 cuốn sách cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khuyên đọc trong năm 2024. Bill Gates nhận định đây là quyển sách bất kỳ người nuôi dạy trẻ, kể cả ba mẹ và nhà giáo dục, phải đọc. Ông viết trên blog: “Haidt giải thích sự thay đổi trong cách trẻ em ngày nay trải qua tuổi thơ, từ nô đùa chạy nhảy đến chỉ dùng điện thoại, tác động khả năng các bé phát triển và xử lý cảm xúc. Tôi đánh giá cao việc tác giả không chỉ nêu ra vấn đề mà còn trình bày giải pháp đáng cân nhắc”.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lam-gi-de-giam-lo-au-cho-gioi-tre-post401105.html