Làm gì để giảm tai nạn chết người tương tự ở giải chạy Ultra Trail
Sau nhiều tai nạn thảm khốc xảy đến với trekker, chính phủ, cơ quan chức năng ở một số quốc gia đã đưa ra nhiều quy định về trekking nhằm giảm thiểu các sự việc đáng tiếc.
Liên quan vụ VĐV Thái Đôn Thành (40 tuổi, ngụ TP.HCM) bị lũ cuốn tử vong khi tham gia giải chạy Dalat Ultra Trail 2020 tại Đà Lạt (Lâm Đồng), BTC giải này thông báo tạm dừng mọi hoạt động giải đấu vào tối 20/6 nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hơn 6.000 VĐV còn lại.
Trước đó, BTC gọi đây là “sự cố ngoài ý muốn” và khẳng định đã khảo sát kỹ địa hình trước giải. Tuy nhiên, câu trả lời này không thuyết phục được nhiều người.
Thực tế, sau mỗi vụ thương vong xảy đến với trekker ở bất cứ nơi nào trên thế giới, câu hỏi về các biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia lại được đặt ra.
Khi đối diện với tình huống này, chính phủ hoặc cơ quan chức năng ở các quốc gia, nơi hoạt động trekking diễn ra phổ biến, từng đưa ra nhiều quy định nhằm giảm thiểu tai nạn đáng tiếc. Yêu cầu người tham gia nộp giấy phép trekking, cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe; sử dụng drone để khảo sát địa hình... nằm trong số đó.
Quy định giờ trekking, phải đi cùng hướng dẫn viên
Đối với cộng đồng đam mê phiêu lưu ở Ấn Độ, Pháo đài Prabalgad và Kalavantin Durg ở thành phố Panvel là những điểm đến hàng đầu.
Tuy nhiên, cùng với việc thu hút trekker, số vụ tai nạn đáng tiếc, cũng như hoạt động giải cứu ngày càng gia tăng do các địa điểm này có độ dốc lớn, đường đi hẹp và địa hình gồ ghề, theo Hindustan Times.
Tháng 2/2018, trekker 27 tuổi Chetan Dhande tử vong trên đường chinh phục Pháo đài Kalavantin Durg. Anh bị trượt chân và rơi xuống hẻm núi gần 215 m. Thảm kịch này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chính quyền địa phương.
Từ đó, nhằm ngăn chặn những sự cố đáng tiếc tương tự, Shiv Sahyadri - nhóm trekking tích cực tham gia hoạt động bảo tồn và cứu hộ tại các pháo đài ở Panvel trong nhiều năm - cùng với sự giúp đỡ từ Sáng kiến leo núi an toàn (SCI) và cơ quan kiểm lâm địa phương, thành lập Ủy ban quản lý rừng Prabal Machi.
Ủy ban nhanh chóng đưa ra bản hướng dẫn cho trekker muốn chinh phục Pháo đài Prabalgad và Kalavantin Durg.
Theo đó, không trekker nào được phép vào khu vực này trước 6h và sau 17h hàng ngày.
Trước khi trekking, mỗi người phải đăng ký thông tin cá nhân và trả 20 rupee phí vào cửa. Không cá nhân hoặc nhóm trekker nào được phép vào pháo đài mà không có hướng dẫn viên địa phương đi cùng. Họ cũng phải trả cho người dẫn đường 50 rupee cho mỗi hành trình leo lên Prabalgad hoặc Kalavantin Durg.
Bên cạnh đó, không ai được phép sử dụng túi hoặc chai nhựa bên trong pháo đài.
Theo đại diện Ủy ban, 50 dân làng được đào tạo làm hướng dẫn viên. Phí vào cửa được sử dụng để cải tạo và dọn dẹp pháo đài. Bản hướng dẫn cũng nêu rõ ai xả rác, uống rượu hoặc hút thuốc lá trên pháo đài đều phải nộp phạt số tiền không nhỏ.
Phải xin giấy phép từ cơ quan chức năng
Sau cái chết của 22 trekker tại rừng Kurangani, thị trấn Theni vào tháng 3/2018, bang Tamil Nadu, Ấn Độ công bố quy tắc trekking mới tháng 10 cùng năm, theo Times of India.
Theo đó, chỉ những đơn vị đăng ký với cơ quan kiểm lâm địa phương mới được phép tổ chức các cuộc trekking.
Các cá nhân hoặc nhóm trekker cần điền vào Mẫu đơn 1 để xin phép cơ quan có thẩm quyền, bao gồm cơ quan kiểm lâm và khu bảo tồn động vật hoang dã. Các quan chức sẽ xem xét cấp Mẫu đơn 2 cho người đăng ký.
Người đi trekking không có giấy phép sẽ bị cáo buộc xâm phạm rừng trái phép và đối diện án phạt tiền hoặc bắt giữ.
Bên cạnh đó, cung đường trekking được chia làm 3 mức độ dễ, vừa phải và khó. Cơ quan kiểm lâm sẽ thu phí lần lượt 200 rupee, 350 rupee, 500 rupee/người đối với trekker trong nước, tùy vào độ phức tạp của cung đường.
Người nước ngoài muốn đi bộ khám phá các khu rừng thuộc bang Tamil Nadu phải trả lần lượt 1.500 rupee, 3.000 rupee, 5.000 rupee/người ứng với 3 mức độ trekking.
Đối với cung đường dễ và vừa phải, nhóm trekker (tối thiểu 5 người) phải có hướng dẫn viên đi cùng. Riêng với cung đường khó, ngoài hướng dẫn viên, nhóm bắt buộc có một cán bộ kiểm lâm đi cùng để giám sát.
Sử dụng drone để khảo sát địa hình
Ngày 19/2, nữ sinh 20 tuổi Siddhi Kamte thiệt mạng khi rơi xuống một vách đá trong chuyến thám hiểm Pháo đài Hadsar ở thành phố Junnar (huyện Pune, bang Maharashtra, Ấn Độ).
Theo đại diện Cảnh sát thành phố Junnar, khoảng 10h sáng hôm đó, trong khi cùng nhóm 35 người leo lên pháo đài, nạn nhân mất thăng bằng và rơi từ độ cao hơn 100 m.
Sau cái chết của cô gái này, cộng đồng trekker kêu gọi các biện pháp an toàn hơn cho những chuyến thám hiểm.
Chính quyền quận Thane (cũng thuộc bang Maharashtra) sau đó tuyên bố xem xét thực hiện các cuộc khảo sát bằng máy bay không người lái (drone) để giám sát tất cả tuyến đường nguy hiểm cho trekker.
Các quan chức cho biết drone sẽ giúp phát hiện các điểm nguy hiểm trên cung đường trekking. Dựa vào đó, giải pháp thay thế an toàn hơn được đưa ra nhằm đảm bảo không có thiệt hại về người do các tai nạn tương tự, theo Times of India.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức cũng yêu cầu chính phủ tài trợ drone, các thiết bị công nghệ cao khác nhằm hỗ trợ cơ quan kiểm lâm trong công tác quản lý người tham gia trekking.
Bên cạnh đó, luật pháp cần được thắt chặt để ngăn chặn tình trạng trekking không giấy phép.
Chính quyền địa phương cũng được yêu cầu giám sát việc quảng bá của các câu lạc bộ tư nhân, cả ngoại tuyến và trực tuyến, nhằm đảm bảo họ không thực hiện các chuyến trekking trái phép, theo The Hindu.
Có thể yêu cầu nộp giấy chứng nhận sức khỏe
Nepal - quê hương của dãy Himalaya hùng vĩ - cũng đưa ra không ít biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động trekking trong nhiều năm qua.
Sau cơn bão tàn khốc khiến ít nhất 41 người mất tích ở dãy Himalaya năm 2014, các quan chức Nepal tuyên bố áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt đối với ngành du lịch trekking.
Theo đó, tất cả trekker phải đăng ký trước khi bắt đầu khám phá cung Annapurna. Bên cạnh đó, hành trình trekking mà không có hướng dẫn viên chuyên nghiệp đi kèm cũng bị tuyệt đối nghiêm cấm.
Trước khi muốn trekking ở bất cứ đâu tại Nepal, trekker cần được cấp thẻ TIMS (Hệ thống quản lý thông tin trekker) và giấy phép cho khu vực dự định đi bộ đường dài.
Ngoại trừ một số đối tượng ngoại lệ theo quy định, thẻ TIMS sẽ được cấp cho hầu hết trekker sau khi thanh toán các khoản phí cần thiết. Cụ thể, với mỗi cung đường và điểm nhập cảnh, lệ phí đối với trekker đi theo nhóm là 1.000 Nepal rupee (NPR), và 2.000 NPR cho cá nhân.
Với người dân đến từ 8 quốc gia thuộc Hiệp hội Nam Á vì sự Hợp tác Khu vực (SAARC), lệ phí điều chỉnh thành 300 NPR đối với trekker đi theo nhóm và 600 NPR cho cá nhân, theo timsnepal.com.
Theo Republicworld, sau cái chết của 9 trekker do vấn đề sức khỏe vào năm ngoái, chính phủ Nepal tuyên bố sẽ thiết lập các quy tắc mới, trong đó yêu cầu người leo núi tiết lộ đầy đủ lịch sử y tế, cũng như giấy tờ bảo hiểm nếu muốn leo núi ở Nepal, bao gồm cả đỉnh Everest.
Trước khi công bố quy tắc mới, người dưới 16 tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo và có hồ sơ tội phạm đã bị cấm chinh phục Everest và các ngọn núi khác.
Tuy nhiên, theo The Economist, vào tháng 3 vừa qua, chính phủ Nepal tuyên bố chưa thể áp dụng các quy định mới vào năm nay, trong đó bao gồm yêu cầu trekker nộp giấy chứng nhận chinh phục một ngọn núi của Nepal (cao ít nhất 6.500 m), giấy chứng nhận sức khỏe hay sử dụng các hướng dẫn viên có kinh nghiệm.