Làm gì để giảm thiểu rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Các chuyên gia kiến nghị cơ quan quản lý cần nâng cao tính minh bạch về thông tin tài chính và mục đích sử dụng vốn của nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), thực hiện các quy định pháp luật một cách nghiêm túc và xây dựng thị trường trái phiếu thứ cấp nhằm giúp thị trường TPDN phát triển lành mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh – cho rằng Việt Nam chưa có thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chân chính do yếu tố đầu cơ rất lớn.
Cụ thể, cơ cấu giá trị TPDN thường tập trung vào những ngành có yếu tố đầu cơ cao, gồm bất động sản với 46% tổng số lượng TPDN phát hành; ngân hàng với 30% tổng số lượng TPDN phát hành do kỳ hạn phát hành chủ yếu ở mức 3 năm đã hạn chế khả năng đầu tư và sinh lời của doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất thực sự.
Với các ngân hàng, việc phát hành trái phiếu được thực hiện để gia tăng vốn chủ sở hữu cấp 2. Còn với phần lớn doanh nghiệp, TPDN được sử dụng như công cụ để đảo nợ, góp vốn mua cổ phần hoặc mua bán sáp nhập.
“Số lượng TPDN phục vụ cho khu vực sản xuất trực tiếp như công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, công nghệ cao, thương mại, doanh nghiệp khởi nghiệp là rất hạn chế. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến thị trường TPDN Việt Nam méo mó và phát triển ì ạch”, ông Nghĩa nói tại tọa đàm “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022” ngày 15-3.
Phần lớn khối lượng trái phiếu được phát hành trong những năm qua tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực có tính đầu cơ cao như bất động sản.
Cũng theo ông Nghĩa, lĩnh vực sản xuất, thương mại rất cần nguồn vốn huy động từ trái phiếu, nhưng khó huy động vốn trên thị trường này do lãi suất huy động luôn ở mức 12-14% mỗi năm. Thậm chí có những hợp đồng phát hành trái phiếu với lãi suất chỉ 9,5%, nhưng doanh nghiệp phải trả cho nhà đầu tư với mức lãi suất hơn 20%.
“Với mức lãi suất cao như vậy, các doanh nghiệp sản xuất rất khó có thể huy động vốn từ thị trường trái phiếu”, ông Nghĩa nói.
Về kỳ hạn phát hành TPDN, chuyên gia này cho biết phần lớn trái phiếu được phát hành với kỳ hạn chỉ khoảng 3 năm, rất ít trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
“Kỳ hạn trái phiếu ngắn không đáp ứng được chu kỳ của lĩnh vực sản xuất, nhất là khi vừa vay xong họ đã phải tính đến phương án trả nợ. Cấu trúc kỳ hạn ngắn, lãi suất cao cho thấy trái phiếu doanh nghiệp có mức độ rủi ro tương đối lớn”, ông Nghĩa phân tích.
Ngoài ra, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn – trung hạn từ ngân hàng với 96% tài sản tài chính thuộc về các ngân hàng. Điều này khiến việc huy động vốn từ các sản phẩm tài chính khác, gồm trái phiếu doanh nghiệp khó phát triển.
Để giúp thị trường TPDN phát triển lành mạnh, TS Lê Xuân Nghĩa kiến nghị cần giải quyết các vướng mắc từ khâu phát hành, gồm minh bạch thông tin tài chính và mục đích sử dụng vốn của nhà phát hành; thực hiện các quy định pháp luật một cách nghiêm túc; xây dựng thị trường trái phiếu thứ cấp để tăng tính thanh khoản.
“Câu chuyện lớn nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là làm cho thị trường TPDN được minh bạch, có thị trường thứ cấp hùng mạnh hơn và công tác giám sát chặt chẽ hơn. Lúc này, các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, nông nghiệp và thương mại mới thực sự là trụ cột của thị trường này”, ông Nghĩa nói.
Ông Vũ Bằng – nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) – cho rằng việc phát triển thị trường TPDN cũng tiến hành từng bước. Trong đó lưu ý việc kiểm soát rủi ro bằng các công cụ mang tính chất kinh tế, điều tiết đúng chỗ có rủi ro thay vì ngăn chặn rủi ro bằng chính sách hoặc tìm cách hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, ông Bằng đánh giá có nhiều quy định quá chặt, chuyển từ hữu sang tả. Điều này khiến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp gặp khó khăn trong thời gian tới.
Với trái phiếu riêng lẻ, ông Bằng cho rằng nguyên tắc đầu tiên là nhà đầu tư phải là người hiểu biết và phải tự chịu rủi ro do Nhà nước không thể ngăn chặn toàn bộ rủi ro. Nguyên tắc thứ hai là tính toán, xác định những nơi tồn tại nhiều rủi ro.
“Rủi ro thứ nhất là doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo, rủi ro thứ hai là doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực không đảm bảo. Vì vậy, chính sách nên kiểm soát chính những chỗ rủi ro này”, ông Bằng nói.
Theo ông Bằng, quy định pháp lý chỉ nên cho phép những doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo được huy động một tỷ lệ vốn rất nhỏ tính trên vốn chủ sở hữu. Đồng thời, quy định việc phát hành cho một lượng nhà đầu tư nhất định và kỳ hạn trái phiếu ngắn.
Ngoài ra, các quy định nên xây dựng theo hướng từng bước buộc doanh nghiệp phải xếp hạng tín nhiệm.
Điều này, theo ông Bằng, giúp nhà đầu tư nắm rõ hơn cơ hội và rủi ro trước khi quyết định rót vốn.
“Chính sách chỉ nên kiểm soát những chỗ rủi ro và thúc đẩy tính minh bạch, chứ không nên chặn quá chặt, sẽ làm mất cơ hội lớn lên của rất nhiều doanh nghiệp, nhất là các tổ chức tài chính, các công ty chứng khoán”, ông Bằng nói.
Về phía cơ quan quản lý, bà Tạ Thanh Bình – Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán thuộc UBCKNN – cho biết Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020 sẽ xây dựng theo hướng tạo điều kiện để thị trường phát triển bền vững hơn qua việc bảo vệ tổ chức phát hành trái phiếu và bên tham gia mua trái phiếu, thay vì siết chặt, thu hẹp thị trường này.
Với tài sản đảm bảo, các quy định thuộc nghị định sẽ yêu cầu định mức tín nhiệm. Đồng thời siết việc “lách” quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ và quy định cơ chế đại diện người sở hữu trái phiếu để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Vân Phong