Làm gì để kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ nông nghiệp với doanh nghiệp?

Chiều ngày 10/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức 'Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ ngành Nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân'.

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Để nhà khoa học và doanh nghiệp đồng hành ngay từ giai đoạn đầu

Bộ NN&PTNT nhận định, hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) được triển khai mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, KHCN được xem là động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong khuôn khổ sự kiện, tại trụ sở Bộ NN&PTNT (số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), Bộ NN&PTNT đã tổ chức “Không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ ngành nông nghiệp”.

Với kết quả đó, tại diễn đàn, các đại biểu đều hiến kế để kết nối đưa sản phẩm KHCN vào thực tiễn cuộc sống. Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà khoa học và các doanh nghiệp cần đồng hành ngay từ khi có ý tưởng trong nghiên cứu cho đến ra sản phẩm cuối cùng, để khi đề tài dự án kết thúc là sản phẩm ứng dụng thực tiễn ngay.

GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, thị trường chính là “bà đỡ” cho các đề tài nghiên cứu khoa học. “Không có thị trường thì không thể đưa các nghiên cứu này ứng dụng vào sản xuất. Mỗi doanh nghiệp có một mục tiêu, định hướng riêng do đó họ mới chính là những khách hàng thiết thực... Mấy năm gần đây, doanh nghiệp sẵn sàng trích từ quỹ phát triển của mình để dành cho công tác nghiên cứu. Do đó, đặt hàng riêng của doanh nghiệp đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học là rất quan trọng. Sự bắt tay ngay từ đầu là hết sức quan trọng để có được sự thành công"- ông Nguyễn Hồng Sơn nói.

Chia sẻ nội dung này, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Giống cây trồng (Vinaseed) phân tích, doanh nghiệp chính là thị trường của KHCN bởi mục tiêu của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường, do đó họ hiểu hơn hết thị trường cần cái gì. Doanh nghiệp vừa hiểu thị trường cần gì trước mắt cũng như dự báo được sẽ cần gì trong thời gian tới.

"Công ty của tôi đã đặt hàng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước nghiên cứu tạo ra giống cà chua có thể trồng ngoài đồng mà vẫn bảo đảm quả cứng, cho phép vận chuyển an toàn; hay là nghiên cứu giống dưa chuột trong nước mà không cần phải nhập giống từ Hà Lan, chúng tôi sẵn sàng trả tiền để đặt hàng các nhà nghiên cứu, khoa học trong nước. Hợp tác trước mắt là chuyển giao, còn hợp tác lâu dài, đó là đặt hàng” - bà Liên khẳng định.

Bàn thêm về sự phối hợp giữa người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học, TS. Nguyễn Đức Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu đề xuất cần xây dựng một không gian, diễn đàn để bà con nông dân, doanh nghiệp đưa ra ý tưởng, các nhà khoa học có thể căn cứ vào đó để nghiên cứu. Ở chiều ngược lại, khi nghiên cứu được triển khai, công bố trên cơ sở dữ liệu đó, nông hộ có thể tìm hiểu thông tin, chủ động tiếp cận.

Lễ ký kết hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ.

Lễ ký kết hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ.

Tăng cường hợp tác công tư để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội

Để kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành Nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, các đại biểu còn cho rằng, cần có nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Theo đó, hợp tác công - tư là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, kết nối nghiên cứu với thị trường.

Nói thêm về vấn đề hợp tác công - tư trong nông nghiệp, bà Trần Kim Liên thông tin, ở các nước đang phát triển của châu Á, trung bình doanh nghiệp đầu tư vốn từ 50 - 70%, trong khi nhà nước đầu tư khoảng 30 - 50%. Với xu thế này, doanh nghiệp Vinaseed mong muốn tham gia sâu hơn trên toàn chuỗi giá trị sản xuất cây trồng, từ mua bản quyền, chuyển giao, khảo nghiệm giống, đến đưa vào sản xuất và đầu tư công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch.

Bà Trần Kim Liên nhấn mạnh: “Doanh nghiệp kỳ vọng khối tư nhân sẽ có nguồn thông tin cụ thể về dự án, từ đó tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Chúng tôi muốn đi chặng đường dài hơi, tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam”. Đồng thời, bà Liên kiến nghị Bộ NN&PTNT tuyển chọn các ý tưởng từ các viện, trường. Dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ, xác định các danh mục đầu tư cụ thể, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị.

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp bình quân 3 năm (giai đoạn 2021 - 2023) đạt 3,35%/năm, trong khi giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 2,62%/năm. KHCN là khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam có được kết quả này. Dự báo, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2024 có thể chạm mốc 60 tỷ USD.

Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - TS Nguyễn Công Tiệp cũng cho biết, để có nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, Học viện Nông nghiệp tăng cường hình thức xã hội hóa kêu gọi vốn đầu tư cho công tác nghiên cứu các dự án nhóm 1 để hoàn thiện công nghệ có thể phối hợp với các hợp tác xã; doanh nghiệp, người sản xuất.

“Chúng tôi chủ trương nghiên cứu các đề tài đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà sản xuất… hãy đặt hàng Học viện để chúng tôi từ nghiên cứu sẽ triển khai vào ứng dụng, từ đó nâng cao giá trị nông sản" - TS Nguyễn Công Tiệp mời gọi.

Trong khuôn khổ của diễn đàn đã diễn ra 11 lễ ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các đại biểu.

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lam-gi-de-ket-noi-cac-san-pham-khoa-hoc-cong-nghe-nong-nghiep-voi-doanh-nghiep-154688.html