Làm gì để kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 11-12, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị chủ đề 'Kết nối sản phẩm OCOP với các hệ thống thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên kết cùng phát triển Cà Mau'.

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 2.046 sản phẩm được công nhận đạt OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm 18,8% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước), với 922 chủ thể OCOP, trong đó 28,5% là doanh nghiệp, 18,9% là hợp tác xã và 52,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gắn với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung tại chỗ, như: Trái cây, thủy sản, lúa gạo,... để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái riêng của vùng sông nước.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: "Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương. Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn. Sản phẩm OCOP đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường về tiêu dùng các sản phẩm đặc sản, truyền thống của địa phương. Phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất gắn với kinh doanh nông nghiệp, đặc biệt là gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển kinh tế, dịch vụ và du lịch của các địa phương. Sản phẩm OCOP đang mở ra tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc quảng bá giá trị văn hóa, du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương”.

Dù có những bước tiến nhưng các sản phẩm OCOP vẫn có tồn tại, hạn chế riêng như quy mô nhỏ, sản phẩm chưa hoàn thiện, năng lực của chủ thể còn hạn chế về nguồn lực, tổ chức sản xuất và thương mại... Vì thế, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đề nghị các chủ thể OCOP nghiên cứu kỹ việc mình đã có gì, thiếu gì và cần làm gì để tham gia tốt hơn, hiệu quả hơn vào các hệ thống phân phối. Đồng thời cần có sự chủ động, mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh và cần thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Tin, ảnh: THÚY AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/lam-gi-de-ket-noi-san-pham-ocop-voi-cac-he-thong-thuong-mai-vung-dong-bang-song-cuu-long-754989