Làm gì để không còn những kiến trúc bị phá như Ba Son, Thương xá Tax?
Theo các chuyên gia, trong câu chuyện bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, chính quyền và nhà đầu tư đóng vai trò quyết định còn giới chuyên môn và cộng đồng chỉ tác động gián tiếp.
"Một số nhà đầu tư cho rằng phá những ngôi nhà cổ để xây công trình mới sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn. Họ không hiểu và không biết khai thác di sản rồi tự đánh vào doanh thu của mình", PGS.TS.KTS Trần Văn Khải chia sẻ tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” ngày 10/6.
Theo PGS kiến trúc từng giảng dạy tại nhiều trường đại học trong và ngoài nước, các di sản kiến trúc không chỉ tạo ra lợi ích về văn hóa, tinh thần cho xã hội mà còn cả lợi ích kinh tế thông qua các hoạt động du lịch.
"Phá hủy di sản là tự vẫn về văn hóa"
"Phá hủy di sản là tự vẫn về văn hóa. Phá một di sản không chỉ là đập bỏ đi một công trình cũ mà chính là đập bể chén cơm của người dân và doanh nghiệp địa phương", ông Khải gay gắt nói.
PGS Khải lấy ví dụ về việc hòn Phụ Tử bị sụp Kiên Giang dù do nguyên nhân thiên nhiên khách quan, từ đó dẫn đến lượng khách ghé thăm khu vực này thưa thớt hơn, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương.
Đồng quan điểm, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, cho rằng các di sản kiến trúc mang giá trị kinh tế lớn, có thể không phải là "tiền tươi, thóc thật" mà cần đi đường vòng để khai thác.
TS Hậu cũng khẳng định di sản kiến trúc ngoài những giá trị kinh tế, văn hóa, nghệ thuật còn mang trong mình ký ức của đô thị. "Di sản là bản sắc của đô thị, phá di sản chính là phá bỏ bản sắc. Không tôn trọng quá khứ thì không thể nhìn nhận, đánh giá lịch sử khách quan", bà Hậu nhấn mạnh.
Một khách mời khác tại hội thảo là KTS Cao Thành Nghiệp cũng nhấn mạnh đừng bao giờ xem di sản chỉ là bất động sản. Theo ông, không thể phá các công trình di sản kiến trúc chỉ để phát triển dự án bất động sản vì nếu xóa đi dấu tích, văn hóa, bản sắc của đô thị thì "không còn gì để xây dựng".
KTS Nghiệp nói thêm nhiều di sản hiện mới chỉ được nhìn nhận về giá trị kiến trúc mà chưa được để tâm về góc độ văn hóa, lịch sử, tác động định hình đô thị. "Chúng ta chỉ để ý bề nổi mà đang lãng quên nhiều di tích, nhất là di tích khảo cổ, di tích hạ tầng", ông Nghiệp nêu quan điểm.
Lối ra nào cho bảo tồn di sản?
Theo TS Hậu, để bảo vệ các di sản kiến trúc, cần phải chấp nhận sự đánh đổi và thỏa hiệp giữa việc bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, nữ TS nhấn mạnh khu vực trung tâm thành phố là nơi chứa đựng nhiều giá trị nhất thì không thể đánh đổi.
TS Hậu phân tích trong câu chuyện bảo tồn di sản có 4 chủ thể là chính quyền, nhà đầu tư, giới chuyên môn và cộng đồng. Trong số này, chính quyền và nhà đầu tư đóng vai trò quyết định còn giới chuyên môn và cộng đồng hiện mới chỉ có vai trò gián tiếp.
Theo bà Hậu, chính quyền phải có tầm nhìn thật sự về việc bảo tồn các di sản kiến trúc và thực thi chính sách quyết liệt; nhà đầu tư ngoài lợi nhuận phải có trách nhiệm với cộng đồng, hướng tới giá trị văn hóa lâu dài, cùng tham gia bảo tồn với chính quyền, nhà khoa học; giới chuyên môn phải có tiếng nói phản biện.
Trong khi đó, TS.KTS Nguyễn Hạnh Nguyên, Trưởng bộ môn Lý luận Lịch sử, khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc TP.HCM nhấn mạnh cần thay đổi nhận thức của 4 nhóm chủ thể nêu trên.
"Nhà đầu tư nghĩ một khu đất chỉ có giá trị về mặt bất động sản thì họ sẽ chỉ muốn xây nhà cao tầng. Nhưng những khu đất gắn liền với di sản sẽ có giá trị cao hơn bình thường rất nhiều. Truyền thông cần kết nối nhà đầu tư với giới nghiên cứu chuyên môn. Nếu giữ được di sản sẽ chứng tỏ cái tầm của nhà đầu tư và cả chính quyền", TS Nguyên nêu ý kiến.
Về mặt quản lý, TS Nguyên đề xuất các cơ quan chức năng cần có tư duy đa ngành với bảo tồn di sản. Theo bà, ngành nào cũng hưởng lợi từ giá trị của di sản chứ không chỉ gói gọn trong du lịch, văn hóa, kinh tế.
Nhắc lại những di sản từng đứng trước lằn ranh "sống còn" như Ba Son, Thương xá Tax, Dinh Thượng Thơ hay mới đây là khu Hòa Bình tại Đà Lạt, nhà thờ Bùi Chu ở Nam Định, bà Nguyên đánh giá tiếng nói của cộng đồng từ tự phát đã chuyển thành có tổ chức, nhiều sức nặng và thời gian tới cần tiếp tục mạnh mẽ hơn.
Khái quát hóa câu chuyện, PGS Khải khẳng định việc bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị nhiều người lầm tưởng là một công việc có nội dung kiến trúc nhưng thực chất chính là dự án về con người, vì giữ hay phá di sản là do quyền lợi con người.
"Bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị đồng nghĩa với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân sống trong các đô thị đó", ông Khải nói. Ông nhấn mạnh "làm sao để những người có di sản sướng hơn người không có" thì họ mới muốn tham gia bảo tồn.
Một ví dụ cụ thể theo ông là ở Hội An, những người sở hữu nhà cổ sẽ có nhiều khách đến tham quan, hỏi thuê, hưởng lợi lớn từ chính ngôi nhà của mình. Khi đó, không ai muốn phá đi những ngôi nhà của họ mà sẽ tự nguyện tích cực bảo vệ những di sản trong tay mình.