Làm gì để nâng cao thu nhập cho người dân khi triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao?

Thu nhập là tiêu chí quan trọng, cũng là tiêu chí khó thực hiện trong xây dựng NTM nâng cao. Thu nhập của người dân cũng là tiền đề để các tiêu chí khác được hoàn thành và nâng cao chất lượng. Đối với các xã đã đạt và đang trên hành trình xây dựng NTM nâng cao, giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân được đưa vào định hướng phát triển KT – XH, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, sự đồng lòng, thống nhất cao từ chính quyền đến người dân.

Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thắng Thúy, thôn Dùng, xã Cao Phong (Sông Lô) tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương, thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thắng Thúy, thôn Dùng, xã Cao Phong (Sông Lô) tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương, thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Nguyễn Lượng

Về đích NTM từ rất sớm so với mặt bằng chung của tỉnh, năm 2013, xã Nguyệt Đức (Yên Lạc) được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Năm 2021, xã được huyện chọn làm điểm để xây dựng NTM nâng cao. Sau gần 2 năm triển khai, vừa qua, xã được đoàn thẩm định của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh đánh giá cơ bản hoàn thành 5/5 tiêu chí xã NTM nâng cao.

Ông Nguyễn Hữu Hởi, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Quá trình xây dựng NTM của xã được xây dựng trên định hướng lấy người dân làm chủ thể để phát triển, trước hết, phải tạo điều kiện cho người dân có thu nhập ổn định.

Từ năm 1996, thực hiện Nghị quyết số 01 – Nghị quyết đầu tiên của Huyện ủy Yên Lạc sau khi thành lập về chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xã đã tạo điều kiện cho người dân tự thỏa thuận, dồn ghép ruộng đất để hình thành vùng sản xuất tập trung.

Cửa hàng tạp hóa của chị Khổng Thị Thao, thôn Dùng, xã Cao Phong cho thu nhập 15 triệu đồng/tháng.Ảnh: Nguyễn Lượng

Cửa hàng tạp hóa của chị Khổng Thị Thao, thôn Dùng, xã Cao Phong cho thu nhập 15 triệu đồng/tháng.Ảnh: Nguyễn Lượng

Năm 2006, cơ bản diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã đã liền vùng, liền thửa. Năm 2009, xã tiếp tục quy hoạch khu sản xuất, chăn nuôi tập trung rộng hơn 40 ha, tạo thuận lợi cho các hộ phát triển kinh tế trang trại, gia trại quy mô lớn.

Đến nay, toàn xã có 160 mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Trong vài năm trở lại đây, tận dụng vị trí là vùng giáp ranh giữa 3 huyện Yên Lạc, Bình Xuyên và Mê Linh, xã định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp (TTCN), thương mại - dịch vụ (TM-DV).

Để hoàn thành mục tiêu, xã huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông liên xã, nối với các tuyến liên huyện, tỉnh lộ 303 và đường vành đai 4, thúc đẩy đi lại, giao thương hàng hóa. Năm 2021, toàn xã đã có hơn 10 doanh nghiệp (DN), hơn 200 mô hình TTCN, 230 hộ kinh doanh TM-DV, thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/người/năm.

Với việc định hướng, triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, tính riêng từ năm 2021 đến nay, người dân xã Nguyệt Đức đã đóng góp gần 9 tỷ đồng giúp xã xây dựng NTM nâng cao.

Tháng 8 vừa qua, xã Cao Phong (Sông Lô) được đoàn thẩm định của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh thống nhất đã hoàn thành 5/5 tiêu chí, đủ điều kiện để UBND tỉnh xem xét, ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Trịnh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thu nhập là tiêu chí quan trọng, cũng là tiêu chí khó đạt trong xây dựng NTM nâng cao. Để cải thiện thu nhập cho người dân, mọi định hướng, giải pháp của xã triển khai phải sát thực tế, phù hợp với từng giai đoạn, đảm bảo phát huy thế mạnh của địa phương.

Với việc định hướng cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng ngành TTCN và TM-DV, toàn xã hiện có hơn 200 cơ sở bán hàng, khoảng hơn 2.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực TTCN, 2.000 lao động hoạt động trong các DN.

Năm 2021, nguồn thu từ ngành nông nghiệp chỉ chiếm 16,5% cơ cấu kinh tế, TTCN chiếm 55%, TM-DV chiếm 23%, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,6 triệu đồng/người/năm”.

Chị Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Thắng Thúy, chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc tại thôn Dùng, xã Cao Phong cho biết: “Hiện nay, số người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã khá cao, việc thu hút, tạo điều kiện cho lao động hoạt động trong lĩnh vực TTCN và TM-DV nhằm giúp người dân có thu nhập ổn định hơn.

Nhận thấy nguồn nhân lực tại địa phương dồi dào, năm 2016, tôi mở xưởng may, tạo việc làm cho 30 lao động, thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, công ty đã lên kế hoạch mở rộng thị trường, quy mô sản xuất để tạo thêm việc làm, tăng doanh thu và thu nhập cho người lao động”.

Theo mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM nâng cao, ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí thu nhập của người dân giữ vai trò tiền đề để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí còn lại.

Để người dân nâng cao thu nhập, bên cạnh việc định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, áp dụng KHKT nâng cao hiệu quả sản xuất, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa các ngành nghề TTCN, TM-DV, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân SXKD, thu hút đầu tư; đồng thời, tăng cường liên kết với các đơn vị, DN triển khai các chương trình khuyến nông, khuyến công, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/82681/lam-gi-de-nang-cao-thu-nhap-cho-nguoi-dan-khi-trien-khai-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao.html