Làm gì để ngăn chặn cha dượng lạm dụng con riêng của vợ?
Cha dượng xâm hại, lạm dụng con riêng của vợ - đó không còn là vấn đề của một gia đình, không chỉ là số phận của một đứa trẻ mà là một việc sai cần lên án, cần xử lý nghiêm minh và cần tìm cách chấm dứt. Quan điểm này được nhất quán trong buổi tọa đàm 'Cha dượng lạm dụng con riêng của vợ: Làm gì để ngăn chặn?' vừa được tổ chức mới đây.
Vết sẹo trẻ thơ
Thời gian qua, hàng loạt vụ cha dượng xâm hại con riêng của vợ đã bị phanh phui. Chỉ cần vào Google gõ tìm kiếm “cha dượng xâm hại con riêng của vợ”, xuất hiện hơn 3,2 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,53 giây. Gần nhất là việc cháu bé 12 tuổi ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội bị người tình của mẹ xâm hại suốt thời gian dài mà không được phát hiện. Người đàn ông này thường chọn những lúc mẹ nạn nhân đi vắng, nhiều lần dùng vũ lực ép bé gái quan hệ tình dục.
Trong đời sống hiện đại, chuyện tái hôn để có cuộc sống mới là bình thường. Thế nhưng, khi theo mẹ đến sống cùng gia đình mới, có không ít trẻ gặp phải nguy cơ bạo hành, xâm hại tình dục từ chính người cha dượng. Bé trai có nguy cơ bị bạo hành thể xác, bé gái thường gặp nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục.
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ nhỏ tâm lý ngây thơ nên nghĩ cha dượng đã yêu thương mẹ, lấy mẹ của chúng làm chồng “đương nhiên sẽ là người tốt”. Bởi vậy, trẻ có tâm lý không đề phòng. Người cha dượng sống chung dưới một mái nhà với tư cách là cha con lại có cơ hội gần gũi, tiếp cận trẻ hơn, dễ dàng khống chế, thực hiện hành vi đồi bại với trẻ khi có ý định.
Những vụ việc này không những chỉ vi phạm đạo đức, pháp luật nghiêm trọng mà còn gây nên hậu quả vô cùng đau lòng.
“Với một đứa trẻ bị xâm hại cho dù sau đó có được chữa chạy về cơ thể, tâm lý vẫn ảnh hưởng nặng nề. Vết sẹo lớn mà trẻ mang trong người khiến chúng trở thành một con người khác. Nhiều nạn nhân bị quấy rối khi còn nhỏ, lớn lên, thậm chí đã có gia đình vẫn còn nguyên ký ức đau buồn đó. Với những đứa trẻ bị xâm hại đến có thai, tâm lý còn ảnh hưởng dai dẳng hơn suốt cuộc đời.
Chúng không thể phát triển lành mạnh được, luôn khiếp sợ những người đàn ông hoặc có thái độ căm thù với họ. Khi mang thai quá sớm nếu không có sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người thân, các em dễ rơi vào trầm cảm, suy nhược cơ thể và nhiều hệ lụy khác” – chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết.
Vai trò của người mẹ
Trong tọa đàm “Cha dượng lạm dụng con riêng của vợ: Làm gì để ngăn chặn?” vừa được tổ chức mới đây, các đại biểu đều chung nhận định, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này thì vai trò của người mẹ là vô cùng quan trọng.
Bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, khi hạnh phúc tan vỡ, bố mẹ thường sẽ đi tìm hạnh phúc mới. Trong các trường hợp đó, trẻ em luôn là người thiệt thòi, đặc biệt khi bé phải sống với cha dượng vô tâm, thậm chí là có những hành vi không đúng mực, lạm dụng con riêng của vợ.
“Chúng tôi nghĩ, ngay trong gia đình, người mẹ phải lựa chọn người chồng tiếp theo của mình ra sao, có tốt hay không, có quan tâm đến con cái hay không? Điều này người mẹ phải cân nhắc khi quyết định đón họ về sống chung với mẹ con mình. Thứ hai là phải theo sát con mình như thế nào? Nếu có những biểu hiện gì thì người mẹ phải là người dũng cảm lên tiếng để bảo vệ con em của mình” - bà Ninh Thị Hồng nói.
Cũng theo bà Hồng, trong cuộc sống hàng ngày, người mẹ phải dành thời gian cho con, hàng ngày tiếp xúc với con, trò chuyện và lắng nghe những điều con nói. Xem con có biểu hiện gì khác không; con có học sút, có buồn, khóc không… Nếu mẹ chú ý và phát hiện ra những biểu hiện bất thường của con sớm, có thể sẽ ngăn ngừa được rất nhiều vụ đau lòng.
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng coi trọng vai trò của người mẹ trong trường hợp này. Theo Luật sư Cường, trong gia đình có cha dượng, người mẹ phải quan tâm, chăm sóc sức khỏe và tâm lý cho con riêng của mình. Mẹ phải là chỗ tin tưởng nhất để con gái có thể chia sẻ, tâm sự những vấn đề mà trẻ đang gặp phải.
“Trên thực tế có rất ít vụ xảy ra ngay lập tức hành vi cha dượng cưỡng bức con riêng của vợ. Thông thường, đó là một hành trình dài, bắt đầu từ những cử chỉ, hành vi, biểu hiện của người đàn ông này với con riêng của vợ. Nếu người mẹ tâm lý, nhạy cảm và gần gũi với con thì có thể nhận biết được điều này, từ đó có những hành động ngăn chặn kịp thời. Mặt khác, khi sự việc xảy ra một lần thì sẽ không dừng lại ở con số đó.
Gã cha dượng đồi bại sẽ tìm mọi cách để tiếp tục thực hiện hành vi ở những lần khác. Lúc này, vai trò của người mẹ cũng rất quan trọng để bảo vệ con, đấu tranh với các hành vi sai trái đó. Khi phát hiện ra sự việc, người mẹ phải đặt lợi ích, sự an toàn của con mình lên hàng đầu chứ không phải che giấu hành vi xấu xa của bố dượng”, theo Luật sư Cường.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Trưởng ban Gia đình Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khi xảy ra việc cha dượng lạm dụng con riêng thì người phụ nữ phải chịu nỗi đau kép. Người chồng lại đi xâm hại chính con gái của mình. Dù đau khổ nhưng chị em phụ nữ đủ kiến thức để hiểu đó là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi đó cần xử lý, trừng trị thay vì che giấu.
Những hành vi đó dù từ ai, người thân trong gia đình hay người ngoài đều không được phép. Chị em đủ mạnh mẽ để lên tiếng hoặc tìm đến những địa chỉ tin cậy như cơ quan chức năng địa phương, Tổng đài Trẻ em 111, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam…
Về phía các cơ quan chức năng, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần có cơ chế phối hợp, cần có sự liên hệ liên lạc giữa các cơ quan tổ chức bảo vệ trẻ em. Phân loại nhóm trẻ em yếu thế có nguy cơ bị xâm hại.
Ví dụ, mỗi địa bàn cần nắm được có bao nhiêu trẻ em gái đang sống cùng mẹ và cha dượng? Sống trong các hoàn cảnh đặc thù dễ bị xâm hại (như bố mẹ làm ăn xa, ở nhà với ông bà đã già). Các bé đang sống trong tình trạng như thế nào; đã được trang bị các kỹ năng, kiến thức về phòng, chống xâm hại tình dục hay chưa…