Làm gì để nhà vệ sinh công cộng hết nhếch nhác, hôi bẩn?
Số lượng ít, chất lượng kém, hình ảnh những nhà vệ sinh công cộng nhếch nhác, hôi hám, bẩn thỉu… không xa lạ với bất kỳ người dân nào ở đô thị.
Tất cả đều ổn, trừ nhà vệ sinh
Một nghiên cứu được công bố mới đây do báo Nhật Nikkei Asia dẫn lại cho biết, điều kiện nhà vệ sinh công cộng ( NVSCC) ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM xếp vị trí không thể tệ hơn. Theo mô tả, đường phố TP.HCM có mọi thứ mà khách du lịch mong muốn như thức ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc, cuộc sống sôi động... Tất cả đều hấp dẫn, trừ nhà vệ sinh.
Theo một chỉ số khảo sát vừa được công bố cuối tháng 1/2023, TP.HCM cùng với Hà Nội là hai trong những thành phố có điều kiện sử dụng NVSCC tệ nhất đối với bất kỳ du khách nào. Bảng xếp hạng điều kiện NVSCC tại 69 thành phố du lịch trên thế giới được cho là giúp du khách chọn "điểm đến một cách thận trọng" và "làm nổi bật vấn đề quan trọng nhưng kém hấp dẫn này".
Chỉ Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập xếp hạng thấp hơn so với hai thành phố lớn nhất Việt Nam trên bảng chỉ số NVSCC, tính trên mỗi km vuông. Trong khi đó, Kuala Lumpur (Malaysia) đứng 42, Bangkok (Thái Lan) vị trí 45...
Nikkei Asia cho rằng, có một sự thật không thể chối cãi là du khách, sau khi uống cà phê kem trứng và tản bộ trên vỉa hè lát đá của Hà Nội trong một giờ, sẽ phát hiện khó kiếm ra NVSCC ở xung quanh. Các tờ rơi hướng dẫn du khách nhắc nhở họ mang theo tiền hoặc lưu các số điện thoại khẩn cấp, nhưng lại không chuẩn bị cho mọi người việc cơ bản nhất này.
Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), với dân số hơn chục triệu người, TP.HCM chỉ có khoảng 200 NVSCC trong khi Hà Nội là 373. Trên nhiều tuyến đường thường xuyên ùn tắc, người dân lỡ có "nhu cầu" cũng đành cắn răng chịu đựng vì tìm mỏi mắt mà không có nổi một nhà vệ sinh công cộng (NVSCC). Chưa kể, những tuyến đường đại lộ cũng không có sự hiện diện của NVSCC phục vụ cho người dân, du khách.
Hàng ngày, công nhân Nguyễn Mai Anh thuộc Công ty TNHH MTVT Môi trường đô thị Hà Nội (Chi nhánh Đống Đa - Urenco 4) đều đặn làm công việc vệ sinh môi trường trên địa bàn được giao, đồng thời trông coi, dọn dẹp NVSCC trên đường Láng. Chị Nguyễn Mai Anh cho biết, thiết bị cả trong lẫn bên ngoài nhà vệ sinh đều hỏng hóc đã lâu khiến công việc hàng ngày thêm phần vất vả.
Theo đó, các van, vòi dẫn nước, xả nước đều hỏng hóc nên người dân sau khi đi vệ sinh phải dội bằng gáo. Bể chứa phục vụ cho dọn rửa nhà vệ sinh này cũng bị rò rỉ, khô cạn nên để có nước dùng chị thường xuyên phải xách xô đi xin các hộ dân xung quanh. Sau khi kiến nghị, lãnh đạo xí nghiệp đành hỗ trợ khắc phục bằng cách trữ nước trong một thùng rác công nghiệp loại 60 lít.
Để nhà vệ sinh không còn là nỗi ám ảnh
Theo một chuyên gia về môi trường, Nhật Bản có hệ thống nhà vệ sinh cực kỳ sạch sẽ và thân thiện. Gần như ai đến Nhật Bản cũng đều ấn tượng bởi hệ thống toilet công cộng từ nhà ga sân bay đến các công viên, siêu thị, hay những địa danh thắng cảnh, di sản… và cả trên đường phố. Tại Thái Lan, NVSCC cũng là sản phẩm của văn hóa du lịch. Ngay ở nhà ga sân bay, chẳng ai còn lạ khi nhìn rất nhiều khách check in, chụp hình cái toilet công cộng vì nó quá đẹp, từ những dây hoa trang trí giống như một khu vườn lộng lẫy đến những bức tranh tường đầy ấn tượng như trong một Gallery mỹ thuật…
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hiện Hà Nội và Tp.HCM còn thiếu NVSCC. Để lắp đặt, nâng cấp NVSCC cần phải có quy hoạch tổng thể, khảo sát, cân đối nguồn lực và kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Giải pháp để cải thiện chất lượng NVSCC là thực hiện xã hội hóa, tạo cơ chế để doanh nghiệp đầu tư và thu lời.
"Ví dụ, NVSCC mà lắp đặt của hãng A thì chúng ta quảng cáo cho hãng này. Hoặc đèn, cửa, bồn rửa tay, thậm chí là nước rửa tay chúng ta sử dụng của hãng nào thì quảng cáo luôn cho hãng đấy để họ tài trợ và đây là điều rất quan trọng nhằm kêu gọi xã hội hóa", ông Tùng nói.
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, NVSCC là vấn đề chung của cộng đồng, nếu không có giải pháp đến nơi đến chốn sẽ gây ra bức xúc. Vì vậy, ông cho rằng nếu được giao cho các doanh nghiệp để chủ động khai thác, cung cấp dịch vụ tại những nơi công cộng và coi đó là phần tất yếu từ chuỗi dịch vụ của họ thì mới mong có kết quả khả thi. "Nếu không thay đổi tư duy, tôi nghĩ rằng khó có thể thay đổi tình hình bất cập hiện nay", ông Ánh nói.
Theo ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nhằm thay đổi ý thức cộng đồng. Hiệp hội sẽ kết nối khắp các tỉnh thành và xin cơ chế để làm nhà vệ sinh theo phương thức xã hội hóa trên toàn quốc. Thực tế là quốc gia nào cũng còn nhiều việc để làm, nên để chờ ngân sách nhà nước đủ để làm thật sự không biết đến bao giờ nếu chúng ta cứ ngồi yên để chờ. Bởi thế, một giải pháp thông minh về vốn, cần có cơ chế để làm sao các thành viên hội mạnh dạn tài trợ nhà vệ sinh cho các tỉnh và giao lại cho thành viên các địa phương quản lý.
"Tôi tin rằng ý thức của thế hệ trẻ trong tương lai sẽ được cải thiện. Họ sẽ nhìn nhà vệ sinh một cách tích cực hơn với những dự án phát triển cộng đồng. Hy vọng thời gian không xa về chất lượng số lượng và ý thức của con người Việt Nam sẽ thay đổi để nhà vệ sinh công cộng không còn là ám ảnh với người dân và khách du lịch.", ônh Hiệp cho biết thêm.