Làm gì để phòng tránh biến thể phụ BA.5?

Sau khi dịch Covid-19 “lập đỉnh” và dần hạ nhiệt vào đầu tháng 3 đến nay, biến thể phụ BA.5 chủng Omicron đã xuất hiện và có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, sau hơn 3 tháng, khi đời sống kinh tế-xã hội đang ở trạng thái bình thường, người dân tạm yên tâm vì dịch bệnh được kiểm soát thì biến thể phụ BA.5 làm dấy lên mối lo ngại về tình hình dịch bệnh sẽ có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

BA.5 lây lan nhanh và nguy hiểm

Qua 5 đợt dịch xảy ra ở nước ta trong gần 3 năm cho thấy, vi rút SARS-CoV-2 có sự thay đổi nhiều về biến chủng, từ Alpha, Delta đến Omicron với 5 biến thể phụ để thấy biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 là rất khó lường.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em ở phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em ở phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên

Theo chuyên gia của Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.5 chủng Omicron. Đây là biến thể được cho là có sự lây nhiễm rất cao nên nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 mới hoàn toàn có thể xảy ra.

Biến thể phụ BA.5 được nhận định nguy hiểm hơn biến thể phụ BA.2. Trước đó, các biến thể BA.1, BA.2 chủng Omicron đã gây ra làn sóng dịch mới ở các nước châu Âu. Tại khu vực châu Phi, Tây Thái Bình Dương còn ghi nhận sự gia tăng số ca mắc và tử vong cao do BA.5. Điều đó cho thấy tính chưa ổn định của dịch Covid-19 và Omicron là biến thể phổ biến nhưng chưa phải cuối cùng.

Tại Việt Nam, biến thể phụ BA.5 được ghi nhận trong bối cảnh người dân ở các địa phương thời gian qua có thái độ e dè, không mặn mà với việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, 4 do lo ngại những tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Song, với việc ngành Y mới ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể sẽ làm thay đổi suy nghĩ, hành động của người dân trong việc chủ động tiêm vắc xin phòng Covid-19 thời gian tới.

Duy trì các biện pháp ứng phó

Để ngăn chặn các đợt dịch mới, các chuyên gia cho rằng, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bằng cách tiêm vắc xin tăng cường (nhắc lại) cho những nhóm có nguy cơ cao; tiếp tục truyền thông để người dân có ý thức và chủ động trong phòng, chống dịch.

Thực tế, thời gian quá, có tình trạng người dân “quay lưng” với vắc xin phòng Covid-19 do lo ngại những tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe. Điều này làm ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 tại nhiều địa phương.

Anh Nguyễn Văn Minh, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên cho biết: "Ngày 22/6, tôi đưa con gái đi tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Trạm Y tế phường Ngô Quyền. Lúc về, một số người thân trong gia đình, hàng xóm có khuyên nhủ, cháu H (con anh Minh) đã mắc Covid-19 rồi thì không nên cho đi tiêm nữa vì địa phương đã hết dịch nên khả năng tái nhiễm là rất thấp. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình dịch trên thế giới, tôi vẫn lo ngại chủng Omicron có nhiều biến thể và nguy cơ dịch tái phát còn tiềm ẩn nên vẫn quyết định cho con đi tiêm vắc xin đề phòng việc tái nhiễm Covid-19 lần 2”.

Cũng theo chia sẻ của anh Minh, vào tháng 2, khi cả gia đình anh mắc Covid-19, lúc ấy, do cháu H chưa được tiêm phòng nên triệu chứng bệnh khá nặng. Do đó, anh thấy hiệu quả rõ ràng của tiêm phòng vắc xin là rất quan trọng nên tin tưởng quyết định cho con đi tiêm của mình là đúng đắn, dù trước đó có nhiều người khuyên ngăn.

Theo cán bộ Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: “Người dân e dè với vắc xin phòng Covid-19 (mũi 3,4 và nhóm đối tượng là trẻ em) là tình trạng chung của nhiều địa phương, trong đó có Vĩnh Phúc. Điều này khiến tỉnh “rơi” vào nhóm các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em thấp nhất cả nước (tính đến thời điểm đầu tháng 6).

Tuy nhiên, sau những cố gắng, nỗ lực của ngành Y tế và các địa phương trong vận động các gia đình, phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng Covid-19, đến nay, Vĩnh Phúc đã “thoát” khỏi top 15 tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em thấp nhất, kể cả mũi 3 và 4”.

Theo đó, chỉ tính riêng trong tháng 6, ngành Y tế đã tiêm “thần tốc” hơn 160.000 liều vắc xin cho các nhóm đối tượng, trong đó, riêng người từ 18 tuổi trở lên là hơn 110.000 liều (với gần 40.000 liều là mũi 4); hơn 50.000 liều cho trẻ em.

Hết tháng 6, ngành Y tế phấn đấu tiêm hết nguồn vắc xin được phân bổ, không để tình trạng tồn đọng vắc xin và xây dựng kế hoạch đề nghị cấp vắc xin cho tháng 7. Với mục tiêu “Vắc xin được phân bổ bao nhiêu sẽ tiêm hết cho người dân bấy nhiêu”, cán bộ, nhân viên ngành Y tế không quản ngại vất vả đến từng gia đình vận động bà con đi tiêm phòng, kể cả vào các ngày nghỉ.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, những người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ, đúng hạn sẽ được bảo vệ tốt nhất, nhưng hiệu quả sẽ giảm dần theo thời gian. Trong bối cảnh Việt Nam đã ghi nhận ca mắc biến thể phụ BA.5 thì mục tiêu bao phủ vắc xin với tỷ lệ cao nhất cho toàn dân càng được ngành Y tế quan tâm, thực hiện với quyết tâm cao nhất gắn với tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.

Để phòng, chống dịch trong tình hình mới, thời điểm này, cùng với việc tiêm đủ các mũi vắc xin phòng Covid-19, người dân cần phòng, chống bệnh bằng cách khử khuẩn, đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao, hạn chế hoặc không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ.

Bài, ảnh: Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/79086/lam-gi-de-phong-tranh-bien-the-phu-ba5.html