Làm gì để sản phẩm xanh được người dùng đón nhận?
Người tiêu dùng quan tâm đến tính bền vững nhưng cũng chú trọng giá cả, thẩm mỹ và tính tiện lợi khi ra quyết định mua sản phẩm.
Người tiêu dùng ghi nhận những nỗ lực của các nhà sản xuất trong việc thay đổi thiết kế bao bì, quy trình sản xuất theo hướng bền vững, giảm phát thải, nhưng những hành động này không phải khi nào cũng mang lại trái ngọt.
Ông Thane Taithongchai, Phó tổng giám đốc StarPrint Việt Nam, trong Hội thảo 'Hành động hướng tới Kinh tế tuần hoàn' do CL2B Advisory tổ chức ngày 2/10, cho biết tình trạng một số sản phẩm được thiết kế bền vững không được sự đón nhận từ phía người tiêu dùng.
Một số doanh nghiệp không sử dụng nhựa để làm bao bì khiến sản phẩm dễ bị móp, gấp mép khi bày lên kệ hàng, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, làm giảm uy tín của sản phẩm. Một số khác lại thay đổi trong quy trình sản xuất, dẫn đến giá thành sản xuất tăng cao, đẩy giá bán tăng theo.
“Người tiêu dùng đặt giá cả và tính tiện lợi, hữu ích lên hàng đầu khi đưa ra quyết định mua sản phẩm”, ông Thane nói.
Theo ông Thane, doanh nghiệp không nhất thiết phải đặt yếu tố bền vững và giá cả hợp lý lên bàn cân. Việc tối ưu hóa có thể là giải pháp cho sản phẩm bền vững và không làm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.
Các sản phẩm gắn mác “xanh” thường có giá cao hơn so với sản phẩm thông thường, là một trong những rào cản khiến tiêu dùng bền vững chưa thực sự trở thành xu thế.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn, thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao công nghệ hoặc sử dụng những nguyên vật liệu có giá cao hơn để sản xuất sản phẩm xanh. Nhưng điều này lại làm tăng giá thành sản phẩm.
Nếu chỉ hướng đến tính bền vững mà không đảm bảo được các yếu tố còn lại, sản phẩm sẽ không được người tiêu dùng lựa chọn, theo bà Tôn Nữ Xuân Quyên, CEO BluSaigon.
Bà Quyên cho rằng, doanh nghiệp cần phải có sự minh bạch về chi phí. Thứ tự ưu tiên để người tiêu dùng cân nhắc quyết định mua hàng là chất lượng, thẩm mỹ, giá cả và cuối cùng mới là tính bền vững.
Trong trường hợp chi phí phát sinh khi lựa chọn công nghệ, nguyên liệu nhằm bù cho những tác động đến môi trường, theo bà Quyên, doanh nghiệp cần giải trình được với khách hàng rằng phần chi phí đó đến từ đâu, được sử dụng để đem lại giá trị cho môi trường như thế nào.
Thực tế cho thấy, nhiều giải pháp ứng dụng kinh tế tuần hoàn được áp dụng thông qua nguyên lý tăng cường hiệu suất đã mang lại kết quả nhất định. Chẳng hạn như tận dụng nhiệt lượng thừa ở các lò luyện thép hay sử dụng công nghệ để giảm tiêu hao, lãng phí vật liệu đầu vào.
Ông Hàn Hoàng, Đồng sáng lập Nuen Motor, cho rằng, doanh nghiệp cần biết cách xây dựng và sử dụng “câu chuyện xanh” một cách đủ hấp dẫn để khách hàng có thể hiểu và có sự đồng cảm.
Bằng cách chủ động truyền thông về phát triển bền vững, không chỉ thuyết phục được khách hàng mua sản phẩm của mình, doanh nghiệp còn đang góp phần giáo dục thị trường để những sản phẩm xanh, bền vững được yêu thích và đón nhận.