Làm gì để thực hành ESG trong du lịch?
Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành du lịch đang ngày càng được chú trọng. Điều này đánh dấu một bước 'chuyển mình', từ mô hình du lịch truyền thống sang hình thức du lịch bền vững hơn, ưu tiên bảo vệ môi trường, tôn trọng văn hóa địa phương và đảm bảo công bằng xã hội.
Trong du lịch, thực hành ESG hướng đến ba trụ cột chính, bao gồm thực hành môi trường (Environmental), hướng đến tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm, biến đổi khí hậu; thực hành xã hội (Social), góp phần đảm bảo công bằng xã hội, tôn trọng văn hóa địa phương, tạo ra việc làm và cải thiện đời sống cộng đồng và thực hành quản trị (Governance), nhằm xây dựng hệ thống quản lý minh bạch, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh.
Tại hội thảo “Định hướng phát triển du lịch bền vững thông qua ESG” diễn ra tại TPHCM vào sáng 6-9, các diễn giả là chuyên gia phát triển bền vững, chủ doanh nghiệp du lịch đã gợi ý những giải pháp góp phần định hình rõ hơn con đường thực hiện các tiêu chí ESG trong kinh doanh du lịch.
Thực hành môi trường
Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Hà Dung, Phó tổng giám đốc Oxalis (công ty du lịch mạo hiểm), nhận định bảo tồn giá trị tự nhiên, bảo vệ môi trường là một trong nhiều nguyên tắc kinh doanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Oxalis kể từ khi thành lập.
Trong câu chuyện thực hành ESG của Oxalis, yếu tố môi trường luôn được đề cao. “Việc thực hành môi trường của Oxalis xoay quanh ba mục tiêu chính, bao gồm bảo tồn, quản lý chất thải và giảm phát thải khí nhà kính”, bà Dung cho biết.
Theo đó, ở yếu tố bảo tồn, doanh nghiệp này giới hạn khách tham gia tour; quy định về thời gian khai thác, thời gian nghỉ để phục hồi sinh thái và thiết lập lối đi giảm thiểu tác động đến hệ thống hang động, cũng như không xây dựng kiên cố trong các khu cắm trại.
“Chúng tôi tổ chức cho trung bình khoảng 10 khách/tour. Đồng thời, Oxalis cũng dành thời gian để cho hệ thống hang động “nghỉ ngơi”, cân bằng sinh thái vào mùa lũ”, bà Dung chia sẻ.
Về quản lý chất thải, Oxalis ưu tiên sử dụng thiết bị lọc nước, hạn chế nước đóng chai dùng một lần; các vật dụng tour được tái sử dụng nhiều lần; phân loại rác tại nguồn và sử dụng nhà vệ sinh “ủ phân vi sinh” bằng vỏ trấu và đặc biệt là xây dựng hệ thống thu gom nước mưa nhằm hạn chế tác động đến nguồn nước ngầm, giảm thiểu chi phí lọc nước.
Đối với việc giảm phát thải khí nhà kính, bà Dung cho biết khách hàng trải nghiệm tour của Oxalis chủ yếu là “đi bộ”. Tuy nhiên, phát thải vẫn “sinh ra” khi vận hành xe đưa đón từ văn phòng đến điểm trekking. Để góp phần giảm phát thải, đơn vị này ưu tiên sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, hài hòa thiên nhiên như khung thép tái chế, tre nứa…
Đồng quan điểm với câu chuyện kinh doanh hướng đến bảo vệ môi trường của Oxalis, ông Inthy Deuansavanh, Chủ tịch Inthira Group (Lào), nhận định doanh nghiệp du lịch cần giảm lượng khí thải carbon bằng cách chuyển sang năng lượng sạch, từng bước thay đổi phương tiện vận chuyển “xanh” hơn và thực hành tái chế, tái sử dụng… nhiều hơn.
Thực hành xã hội
Bên cạnh yếu tố môi trường, thì việc thực hành mục tiêu xã hội nhằm đảm bảo công bằng, tạo ra việc làm và cải thiện đời sống cộng đồng cũng được các diễn giả thảo luận trong khuôn khổ diễn đàn.
Theo đó, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc – Lãnh đạo ESG PWC Vietnam, và ông Inthy Deuansavanh, Chủ tịch Inthira Group, đều nhận định nguyên tắc bền vững trong ngành du lịch chính tôn trọng văn hóa – xã hội của cộng đồng địa phương. Qua đó, sự phát triển của du lịch phải đảm bảo các hoạt động kinh tế lâu dài, mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả mọi người.
“Để hướng đến ESG trong du lịch, doanh nghiệp phải đẩy mạnh phát triển cộng đồng địa phương, trong đó, cần ưu tiên sử dụng lao động tại điểm, đặc biệt là nhóm phụ nữ, người trẻ, lao động nhập cư…”, ông Nam nói. Đồng thời, bà Nguyễn Hà Dung, Phó tổng giám đốc Oxalis, cũng cho biết hiện tại đơn vị này có hơn 500 nhân viên, với hơn 90% là người dân Quảng Bình – nơi doanh nghiệp này khai thác du lịch.
Ông Inthy Deuansavanh, Chủ tịch Inthira Group, cũng cho rằng việc tạo cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tạo môi trường làm việc công bằng là điều doanh nghiệp cần hướng đến trong thực hành ESG.
Song song đó, các diễn giả đều cho rằng người dân địa phương có thể chia sẻ những câu chuyện, bí quyết và kiến thức độc đáo về văn hóa, lịch sử, ẩm thực…, giúp hành trình trải nghiệm của du khách trở nên ấn tượng hơn. Hơn nữa, họ có mối liên kết sâu sắc với môi trường sống của mình và sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nếu nhận thấy lợi ích phát triển du lịch.
Thực hành quản trị
Nói về yếu tố quản trị, ông Đàm Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Ngân hàng ACB, chia sẻ công cụ này giúp tăng cường tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, đảm bảo các quyết định kinh doanh không chỉ dựa trên lợi ích ngắn hạn mà còn hướng đến sự bền vững, lâu dài.
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó tổng giám đốc – Lãnh đạo ESG PWC Vietnam, nhận định Chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển bền vững ngành du lịch. Theo đó, ông Nam cho rằng Chính phủ cần đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng an toàn, dễ tiếp cận để khách du lịch di chuyển nhanh chóng và thuận tiện. Đồng thời, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để xây dựng chính sách phát triển du lịch giúp mang lại phúc lợi cộng đồng.
Dưới góc độ quản trị doanh nghiệp, ông Nam gợi ý doanh nghiệp nên tăng cường liên kết đầu tư, và chung tay quảng bá du lịch bền vững. Ngoài ra, cần thiết lập mạng lưới các nhà lãnh đạo để cùng chia sẻ kinh nghiệm về du lịch bền vững.
Cùng quan điểm với ông Nam, Chủ tịch Inthira Group – ông Inthy Deuansavanh cho rằng giá bán sản phẩm ESG sẽ cao hơn thông thường, tuy nhiên, chúng ta cần truyền thông tốt để du khách hiểu, ủng hộ và có trải nghiệm hấp hẫn, phù hợp xu hướng hơn. “Khi đó, doanh nghiệp thắng, khách hàng thắng, môi trường thắng và cùng hướng về phát triển bền vững”, ông Inthy Deuansavanh bày tỏ quan điểm.
Các chuyên gia cũng nhận định chung các doanh nghiệp có thể bắt đầu thực hành ESG bằng việc quản trị tốt. Việc quản trị doanh nghiệp tốt sẽ phòng tránh được các rủi ro pháp lý và tăng cường hiệu quả kinh doanh, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận. Việc này mỗi doanh nghiệp có thể tự đặt ra mục tiêu hành động mà không cần có sự tác động nào từ bên ngoài.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/lam-gi-de-thuc-hanh-esg-trong-du-lich/