Làm gì để thủy sản Việt Nam tránh nhận 'thẻ đỏ'?
Dự kiến chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra lần thứ 4.
Đã 5 năm, Việt Nam phải chịu thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, dự kiến chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra lần thứ 4 đối với việc chấp hành các quy định chống khai thác hải sản trái phép, không thông báo và không theo quy định gọi tắt là IUU. Kết quả của đợt kiểm tra lần này có ý nghĩa quyết định liệu Việt Nam có gỡ được thẻ vàng thủy sản hay không.
Ngày 19/4, Tổng cục Thủy sản đã làm việc cảng cá Đông Tác, TP Tuy Hòa (Phú Yên) về tình hình triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).
Sau tình trạng mất kết nối giữa thiết bị của các cơ quan chức năng với thiết bị định vị trên nhiều tàu, gần đây tỉnh Cà Mau phát hiện một tàu cá đang che giấu 10 thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Qua làm việc, chủ tàu thừa nhận 7 thiết bị VMS đã được lắp cho tàu cá tỉnh Cà Mau và 3 thiết bị đã được lắp tàu cá tỉnh Kiên Giang. Các tàu này sau khi ra khơi đã tháo thiết bị giám sát hành trình và thuê tàu câu mực này giữ với mức trả công là từ 30 - 60 lít dầu/chiếc.
Theo tổ nghiệp vụ xử lý vi phạm của Ban chỉ đạo chống Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định tỉnh Cà Mau, các tàu cá đã tháo thiết bị giám sát hành trình thuộc nhóm nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó tàu cá dưới 15m thuộc nhóm không phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và chỉ được hoạt động ở vùng lộng nhưng hiện tàu dưới 15m vi phạm ở vùng khơi cũng đã xảy ra.
Theo Bộ Quốc phòng, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 10 vụ với 10 tàu cá và 47 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, trong đó có nhiều vụ ở vùng tranh chấp, chồng lấn nên chưa xác định có vi phạm hay không.
Cách đây 2 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu 28 tỉnh, thành có biển chủ động, quyết liệt trong hành động để hoàn thành việc khắc phục tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), chuẩn bị chu đáo nội dung và điều kiện để làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4 (từ ngày 25 tháng 5 đến 31 tháng 5 năm 2023), trong đó: Kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, Bộ Công an chỉ đạo điều tra, củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Các địa phương ven biển xác minh, xử phạt nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục.
Gỡ thẻ vàng thủy sản ngay trong năm nay là quyết tâm của Việt Nam, và được xác định là không phải để đối phó với kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) mà là thay đổi nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững hơn. Điều này đòi hỏi từng ngư dân có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật như không đánh bắt tận diệt, không vi phạm vùng biển nước ngoài, vì thực hiện các quy định và chuẩn mực này là vì lợi ích quốc gia, lợi ích của chính ngư dân và gia đình mình, đồng thời nâng cao hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Cùng với đó, các Bộ, ngành chức năng cũng cần có những chính sách để giúp cho ngư dân yên tâm, khai thác nguồn lợi từ biển một cách bền vững, và chuyển từ đánh bắt sang nuôi biển, góp phần giải quyết nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân; có như vậy, ngư dân mới có động lực đánh bắt cá hợp pháp, nghề cá mới thực sự có cơ hội phát triển hiệu quả, bền vững.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra quan điểm để làm rõ hơn về vấn đề này.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/lam-gi-de-thuy-san-viet-nam-tranh-nhan-the-do-post103864.html