Làm gì để trẻ em có một mùa hè đúng nghĩa và an toàn?

Mùa hè gắn liền với tuổi thơ và cũng chỉ với tuổi thơ mùa hè mới có một ý nghĩa thật đặc trưng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà mùa hè của tuổi thơ đang bị thay đổi, thậm chí là 'biến mất'. Để trả lại một mùa hè đúng nghĩa và an toàn cho trẻ em, các cấp, ban ngành đã và đang nỗ lực thay đổi tư duy, nhận thức của người lớn, phụ huynh bằng nhiều quy định và chính sách cụ thể.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Khi trẻ con sợ hè

Tháng 4/2023, có một sự kiện được chú ý, đó là một phụ huynh đã viết tâm thư “đòi tuổi thơ cho trẻ” gửi tới lãnh đạo ngành giáo dục của địa phương nơi người này sinh sống. “Những đứa trẻ trong thành phố của chúng ta đang bị đánh cắp tuổi thơ các thầy cô à. Các con học Thứ bảy, Chủ nhật, học ở trường, học ở nhà cô, học đến 22h mới được phép về nhà với những cái ngáp dài… Ngày xưa chỉ có mỗi trung tâm tiếng Anh, bây giờ thêm cả trung tâm Toán, tiếng Việt. Các con tan trường 16h30 phút, chưa kịp ăn tối đã phải đến trung tâm học ca từ 17h đến 19h, xong học tiếp từ 19h30 đến 21h30. Thương các cháu đứt ruột vì không có thời gian chơi đùa với em, không được ăn cơm cùng gia đình, vội vàng ăn trước để đi học thêm cùng các bạn… Tôi cảm thấy bất lực, đành đem tâm sự này, mong các thầy cô giúp đỡ” - người này viết.

Cách đây mấy năm một cơ quan truyền thông đã thực hiện cuộc khảo sát trong 2 tuần ở 6 tỉnh, thành với phụ huynh của hơn 140 trường tiểu học. Kết quả cho thấy, có 74,6% số phụ huynh được hỏi trả lời có cho con học thêm và 25,4% trả lời không. Như vậy, có tới 3/4 phụ huynh cho con đi học thêm. Đa số phụ huynh đều cho con học thêm ngay từ tiểu học trong khi quy định của Bộ GD-ĐT là cấm dạy thêm ở bậc học này. Có nhiều lý do để phụ huynh cho con đi học thêm. Trong đó, để củng cố kiến thức căn bản trong chương trình là cao nhất (31,2%), bổ sung kiến thức nâng cao ngoài chương trình (25,7%), tự nguyện vì thấy con thua kém bạn bè (22,3%). Như vậy, 2 lý do đầu chiếm trên 50%, nghĩa là phụ huynh muốn “nạp” thêm kiến thức vào đầu con trẻ càng nhiều càng tốt…

Điều đáng nói là việc học thêm không chỉ diễn ra trong năm học mà diễn ra trong cả dịp nghỉ hè - là thời gian đáng lẽ trẻ được nghỉ ngơi thư giãn, nạp năng lượng để chuẩn bị cho năm học mới. Nhiều trẻ mất cả mùa hè vì lịch học thêm dày đặc. Với áp lực như thế, mùa hè trở thành nỗi ám ảnh, nên rất nhiều trẻ cảm thấy sợ… mùa hè.

Trẻ em cần có một mùa hè đúng nghĩa để nghỉ ngơi thư giãn, nạp năng lượng chuẩn bị cho năm học mới. (Ảnh minh họa nguồn Internet)

Trẻ em cần có một mùa hè đúng nghĩa để nghỉ ngơi thư giãn, nạp năng lượng chuẩn bị cho năm học mới. (Ảnh minh họa nguồn Internet)

Nỗ lực trả lại mùa hè cho tuổi thơ

Trẻ em cần có một mùa hè đúng nghĩa và an toàn để được vui chơi, qua đó học kỹ năng sống, biết sống yêu thương, đùm bọc, biết những trò chơi rèn luyện tính đồng đội, tập thể… Để trả lại cho tuổi thơ một mùa hè trọn vẹn, các cấp, ban ngành đã và đang nỗ lực thay đổi tư duy, nhận thức của người lớn, phụ huynh bằng nhiều quy định và chính sách cụ thể.

Năm 2023, khi mùa hè bắt đầu, ngành giáo dục một số địa phương nghiêm cấm giáo viên, học sinh dạy thêm, học thêm. Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các trường học tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào cả trong và ngoài nhà trường, trừ học sinh lớp 9, lớp 12 ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp. Các hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, ôn tập, phụ đạo cho học sinh chỉ được tiến hành sau ngày tựu trường năm học 2023 - 2024. Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng yêu cầu trường học các cấp từ ngày 1/6 đến 31/8 không tổ chức dạy hè, không dạy trước cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 dưới mọi hình thức. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng ban hành công văn cấm dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức trong thời gian nghỉ hè. Sở GD-ĐT Quảng Trị không ra văn bản cấm dạy học hè nhưng trước đó đã lồng ghép, tuyên truyền cho các cơ sở giáo dục không dạy học trước chương trình...

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, rất khó kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong hè với muôn vàn lý do như: phụ huynh tập hợp nhóm học sinh nhỏ và mời giáo viên đứng lớp; giáo viên đối phó bằng cách chia nhỏ lớp học theo kiểu dạy kèm cho con cháu trong nhà nên có phát hiện cũng khó xử lý… Do đó, nhiều quan điểm cho rằng, để trẻ em có một mùa hè đúng nghĩa thì không chỉ nỗ lực từ các cơ quan quản lý, phụ huynh, mà còn cần sự vào cuộc tích cực từ phía chính quyền địa phương để phát hiện và xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về cấm dạy thêm, học thêm. Đặc biệt, cần quy định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu khi để tổ chức, cá nhân trong đơn vị giáo dục thực hiện sai quy định.

Mùa hè cũng là thời điểm các chương trình trải nghiệm, trại hè cho trẻ trở nên sôi động hơn cả. Nhiều mô hình trại hè được tổ chức như trại hè tiếng Anh; trại hè quân đội, công an, cứu hỏa; trại hè trải nghiệm nghề nghiệp, nghệ thuật, khoa học công nghệ; trại hè bán trú, nội trú; khóa tu tập mùa hè… Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ khi tham gia các hoạt động này là điều cần được quan tâm.

Cuối tháng 12/2022, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 27/2022/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn sự tham gia của trẻ em vào hoạt động ngoài gia đình, ngoài cơ sở giáo dục để kịp thời hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và gia đình về sự tham gia của trẻ em giúp bảo đảm quyền của trẻ em, bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, kỳ thị.

Trao đổi với truyền thông, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các chương trình ngoại khóa rất tốt, nhưng việc bảo đảm quyền của trẻ em khi tham gia các chương trình này vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Khi Cục Trẻ em khảo sát một số chương trình trại hè quân đội, khóa tu… cơ quan chức năng nhận thấy các vấn đề về cơ sở vật chất, chương trình và các hành vi chưa bảo đảm an toàn, quyền riêng tư, quyền tham gia của trẻ.

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga khuyến cáo, cha mẹ và các thành viên trong gia đình trước khi đăng ký cho con tham gia các khóa học, hoạt động ngoại khóa cần nghiên cứu kỹ chương trình, nội dung xem có phù hợp với nguyện vọng, khả năng, sở thích của con em; tìm hiểu xem khu vực ăn nghỉ của trẻ có phù hợp với giới tính, độ tuổi hoặc mức độ khuyết tật của trẻ hay không.

Bà Nguyễn Thị Nga cũng cho biết, để bảo đảm an toàn thể chất và tinh thần cho trẻ em, Thông tư 27/2022/TT-BLĐTBXH quy định rõ, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức hoạt động và đơn vị cung cấp dịch vụ có trách nhiệm tổ chức khám và thường xuyên theo dõi sức khỏe để bảo đảm các em có đủ sức khỏe tham gia vào các hoạt động của khóa học. Các đơn vị phải thông báo đầy đủ chương trình, thời gian, thời lượng, địa điểm, đối tượng, cơ sở vật chất… để tổ chức các hoạt động tới trẻ em, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ trước khi trẻ tham gia hoạt động; công khai, minh bạch khoản kinh phí đóng góp của cha mẹ và các khoản chi mà trẻ em được hưởng.

Đồng thời, các bên liên quan bảo đảm công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em, phòng, chống cháy nổ và dịch bệnh theo quy định; thông báo kịp thời cho UBND cấp xã nơi tổ chức hoạt động khi xảy ra các vụ việc. Các hướng dẫn viên, điều phối viên, cộng tác viên, thành viên Ban Tổ chức phải chưa từng có các hành vi xâm hại trẻ em và phải cam kết không có hành vi xâm hại trẻ em. Đối với những người trực tiếp hướng dẫn trẻ em trong các khóa học thì phải có kỹ năng, có phương pháp phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ em.

Trẻ em tham gia lao động trong hè - cần nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động trẻ em

Cuối tháng 5/2023, truyền thông đưa tin một số phụ huynh một trường ở huyện An Lão, TP Hải Phòng bày tỏ khó hiểu khi trường bắt cam kết không được cho con em đi làm thêm trong dịp hè để kiếm thêm thu nhập. Phụ huynh cho rằng việc yêu cầu như vậy là trường đang can thiệp quá sâu vào cuộc sống sinh hoạt, kinh tế của các gia đình. Nhiều gia đình còn khó khăn, nên hè là dịp trẻ em phụ giúp được cha mẹ bằng những công việc chính đáng, phần nào giúp kinh tế cho gia đình cũng như hiểu được giá trị của lao động. Về phía nhà trường, lãnh đạo nhà trường trả lời truyền thông cho biết, nhà trường chỉ đưa ra khuyến cáo với các phụ huynh không nên cho con làm thêm trong dịp hè với mục đích là để các em không chểnh mảng việc học hành và việc tiếp xúc sớm với môi trường lao động kiếm tiền tại các nhà máy có thể khiến các em có suy nghĩ lệch lạc về việc học, xem nhẹ việc học. Bởi những năm trước tại trường đã có tình trạng các em học sinh đi làm thêm và sau đó bỏ học giữa chừng để đi làm, không tiếp tục theo học nữa.

Nếu nhìn nhận sự việc này dưới góc độ lao động trẻ em có thể thấy, hiện nay, nhận thức của người dân về độ tuổi lao động tối thiểu và thời gian tối đa được phép sử dụng lao động là trẻ em cũng còn nhiều hạn chế. Theo cuộc Điều tra quốc gia về lao động trẻ em lần thứ hai tại Việt Nam, xác định có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 - 17 là lao động trẻ em. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ em. Đời sống khó khăn, nghèo đói vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và dễ dẫn đến nguy cơ bị bóc lột, lạm dụng. Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống lao động trẻ em, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động trẻ em trong cộng đồng, gia đình và người sử dụng lao động để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong khu vực kinh tế không chính thức, hướng đến đối tượng các làng nghề và kinh tế hộ gia đình.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/lam-gi-de-tre-em-co-mot-mua-he-dung-nghia-va-an-toan-post478095.html