Làm gì để trị dứt điểm việc chậm trễ thi hành án của các cơ quan nhà nước?
Nguyên nhân chính của việc chậm trễ, không thi hành án hành chính nằm ở cơ chế thi hành án hiện nay và để trị dứt điểm việc này thì cần phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị.
Trên hai số báo ngày 3 và 4-8, Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải các bài viết phản ánh thực trạng chậm trễ thi hành bản án hành chính tại một số địa phương, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
Vậy vì đâu nên nỗi, do quy định hay do con người? Làm thế nào để bản án hành chính của tòa được tôn trọng và thực thi?
Cơ chế “tự thi hành” còn nhiều gian nan
Theo quy định hiện nay, khi cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý hành chính nhà nước ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì ngoài việc khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện ra tòa án.
Theo báo cáo của UBND và Cục THA dân sự các tỉnh, TP trực thuộc trung ương, từ ngày 1-10-2020 đến hết 30-9-2021, tổng số bản án hành chính mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải THA là 944 bản án. Trong đó có 455/944 bản án đã thi hành xong.
Việc giải quyết các tranh chấp hành chính bằng con đường tòa án đã khắc phục được những hạn chế lớn của cơ chế giải quyết tranh chấp hành chính “bộ trưởng - quan tòa” (con đường khiếu nại) như thiếu khách quan, không công khai, chưa dân chủ. Bản thân tòa án đã mang đến một sự tin tưởng rất lớn đối với Nhà nước và nhân dân.
Điều 242 Luật Tố tụng hành chính quy định “Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án”. Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và được nghiêm chỉnh thi hành từ phía mọi chủ thể. Tuy nhiên, giữa lý luận và thực tiễn có vẻ vẫn còn một khoảng cách khá lớn.
Nếu như bản án hình sự được bảo đảm thi hành tuyệt đối bởi sự quyền uy của cơ quan thi hành án (THA) hình sự thuộc Bộ Công an; bản án dân sự được bảo đảm thi hành hiệu quả bởi sự đốc thúc của cơ quan THA dân sự thuộc Bộ Tư pháp thì bản án hành chính lại khá khó khăn trong việc thi hành bởi không có cơ quan chuyên trách đảm nhiệm. Việc THA hành chính được thực hiện theo cơ chế “tự thi hành” của người phải THA. Do đó, tình trạng chậm trễ, không THA hành chính diễn ra khá phổ biến.
Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị
Tình hình chậm THA hành chính đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tâm lý coi thường pháp luật của một số cơ quan nhà nước. Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần ban hành văn bản điều chỉnh vấn đề này.
Cụ thể, trong Nghị quyết 55/2017 của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo UBND, chủ tịch UBND có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60 Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của tòa án, báo cáo kết quả việc THA hành chính tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 26 ngày 15-11-2019 về tăng cường công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và THA hành chính. Thậm chí, Chính phủ còn ban hành cả một nghị định để quy định về vấn đề xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức chậm THA hành chính, không chấp hành quyết định buộc THA hành chính (Nghị định 71/2016).
Hay mới đây, tại Quyết định 110 của Bộ Tư pháp về kế hoạch công tác THA hành chính năm 2022, một trong những giải pháp được đưa ra để nâng cao hiệu quả công tác THA hành chính đó là phải tăng cường xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải THA là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước trong việc chấp hành pháp luật THA hành chính.
Có thể thấy các quy định pháp luật bảo đảm cho việc THA hành chính đã có nhưng dường như chưa thực sự phát huy hiệu quả. Do đó, để bản án hành chính được nghiêm chỉnh thi hành, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, mà quan trọng nhất là vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
Bài học kinh nghiệm tại TP.HCM liên quan đến quản lý nhà nước về trật tự đô thị đã cho thấy sự hiệu quả tuyệt đối về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Nếu như trước khi có Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25-7-2019 của Thành ủy TP.HCM, tình hình công trình xây dựng không phép, trái phép như “nấm sau mưa” thì khi chỉ thị này được ban hành, vấn đề công trình xây dựng không phép, trái phép đã được giảm xuống đến mức tối thiểu.
Trong tương quan ấy, muốn án hành chính được nghiêm chỉnh thi hành, cần có một cơ chế thực thi hiệu quả mà bắt đầu từ những chủ trương quyết liệt, đúng đắn từ các cấp ủy Đảng.
Cần một cơ quan chuyên trách
Hiện nay, theo quy định tại Điều 14 Nghị định 71/2016 của Chính phủ, công tác kiểm tra, giám sát THA hành chính sẽ do cơ quan THA dân sự phụ trách. Qua đó, cơ quan THA dân sự có trách nhiệm đôn đốc, xử lý các trường hợp chậm trễ THA.
Đồng thời, cơ quan THA dân sự có trách nhiệm kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải THA chậm THA, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy tình trạng chậm THA vẫn xảy ra và khó xử lý. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này thì cần thành lập một cơ quan chuyên trách kiểm sát hoạt động THA hành chính để kịp thời xử lý các trường hợp có dấu hiệu kéo dài thời gian THA.