Làm gì để trí thức xứng đáng là 'nguyên khí quốc gia'? Bài 5: 'Chiêu hiền, đãi sĩ' đúng cách (Tiếp theo và hết)
Xây dựng đội ngũ trí thức (ĐNTT) vững mạnh trong tình hình mới đòi hỏi phải tiến hành đồng thời hệ thống các giải pháp. Trong đó, việc đổi mới, hoàn thiện các chủ trương, chính sách để 'chiêu hiền, đãi sĩ' cần được đặc biệt chú trọng và sớm vận hành, triển khai hiệu quả trên thực tế.
Có biểu hiện xem nhẹ trí thức
Năm 2019, báo chí đăng tải câu chuyện về TS Lý Kim Hà, giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, là người trẻ nhất trong số 349 ứng viên phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố đủ tiêu chuẩn năm 2019. TS Lý Kim Hà có 17 bài báo quốc tế, nổi tiếng với các công trình nghiên cứu độc lập về “Giải tích phức nhiều biến”. Tuy nhiên, sau 5 năm giảng dạy, lương “cứng” mà tiến sĩ này nhận được chỉ là 5,5 triệu đồng/tháng.
Năm 2020, thông tin về mức lương 3 triệu đồng/tháng của nhà khoa học trẻ Hồ Thị Thương, tác giả chính của 2 công bố và đồng tác giả của 4 công bố quốc tế uy tín cũng khiến dư luận một phen xôn xao.
Mới đây, TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng thành thật chia sẻ tại một diễn đàn: “Đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học của chúng tôi đang mỏng dần, rất nhiều nhà nghiên cứu khoa học danh tiếng tên tuổi của đất nước có học hàm, học vị cao đã đến tuổi được nghỉ chế độ. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học giỏi cũng xin chuyển cơ quan công tác vì các lý do khác nhau, trong đó có một lý do rất đơn giản là sự bảo đảm cho hoạt động nghiên cứu và giải quyết chế độ chính sách chưa bằng các cơ quan bên ngoài”.
Xin không bàn về chất lượng của những trí thức cụ thể, chỉ đặt vấn đề rằng, phải chăng chúng ta chưa thật sự coi trọng trí thức trên thực tế, mặc cho những quan điểm, chủ trương đều đặc biệt nhấn mạnh vị thế, tầm quan trọng của đội ngũ này?
Lại có câu chuyện khác nữa, khi mà trí thức có học hàm, học vị như nhau, nhưng nếu anh làm lãnh đạo quản lý thì có nguồn thu cao hơn, chênh lệch rõ ràng so với người đồng cấp học vị nhưng không có chức quyền. Lại có những giáo sư, tiến sĩ thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng không ít tiến sĩ chỉ nhận lương mỗi tháng vài triệu đồng. Ở một vài thời điểm, cả nước có đến hàng trăm nghìn cử nhân đại học và thạc sĩ bị thất nghiệp... Đến nỗi, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải xây dựng và triển khai đề án hơn 1.300 tỷ đồng để đưa khoảng 57.000 cử nhân thất nghiệp đi lao động ở nước ngoài giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025.
Vậy phải chăng trí thức ở Việt Nam không có năng lực thật sự, hay chính họ không được xã hội ghi nhận, trọng dụng như các giai đoạn lịch sử trước đây?
Một thực tế nữa là những người đứng đầu cơ quan, đơn vị thường thiếu quan tâm, cũng chưa có được những thẩm quyền, điều kiện cần thiết trong thực hiện các biện pháp thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng đối với người thực tài, những trí thức chân chính có đóng góp nhất định. Vì vậy, câu chuyện đánh giá đúng vị trí của trí thức, ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng, nhất là bảo đảm việc trả công tương xứng với giá trị lao động trí tuệ của trí thức vẫn là chủ đề được dư luận quan tâm, là nỗi băn khoăn của chính những người trong cuộc.
Sự thiếu ghi nhận đối với ĐNTT còn thể hiện ở việc nhiều nơi sử dụng họ theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, bố trí trái với sở trường, năng lực và chuyên ngành thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn kỹ lưỡng: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe... Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”. Thế nhưng, nhiều trí thức không được đặt đúng vị trí, chưa thể thỏa sức sáng tạo, cống hiến. Ngoài ra, lực lượng trí thức nữ, trí thức làm việc ở vùng sâu, vùng xa, trí thức trong doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ, chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức. Một bộ phận trí thức Việt Nam còn bị bó hẹp về môi trường tự do sáng tạo, còn thụ động đối với các vấn đề phát triển mà đất nước yêu cầu phải giải quyết...
ĐNTT kiến nghị, các cấp và cơ quan chức năng cần quan tâm nhiều hơn để biết trí thức giỏi ở lĩnh vực nào, cần cái gì, điều kiện như thế nào để vận hành, sử dụng hiệu quả. Đấy chính là cách ghi nhận, trân trọng ĐNTT đúng cách nhất.
Tiến tới một xã hội không nặng về bằng cấp
Sớm xây dựng, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển ĐNTT với tầm nhìn vài chục năm, thậm chí trăm năm sau là mong muốn của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo trí thức cả nước. Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", cần chủ động xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí phân loại trí thức theo ngành, lĩnh vực để có các chính sách phù hợp; coi việc xây dựng trí thức đầu ngành cấp bách và quan trọng như xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của Đảng.
Xây dựng Chiến lược Quốc gia về phát triển ĐNTT dựa trên yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn phát triển mới; chú trọng đến những ngành, lĩnh vực đang thiếu, mất cân đối, bất hợp lý về cơ cấu; ưu tiên phát triển ĐNTT người dân tộc thiểu số, trí thức nữ. Tiếp tục thực hiện tốt việc đưa cán bộ, công chức, nhà khoa học trẻ, sinh viên có đạo đức, triển vọng được giải thưởng quốc tế đi đào tạo ở nước ngoài. Tập trung lãnh đạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là ĐNTT lãnh đạo, quản lý giỏi; ĐNTT đầu ngành trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa, văn nghệ; ĐNTT doanh nhân và trí thức trong lực lượng vũ trang.
Nhưng cần phải nói rõ thêm, đó là chiến lược quốc gia về phát triển trí thức, chứ không phải một chiến lược về việc lập kỷ lục, hay giao khoán về bằng cấp; không nên cụ thể hóa nó thành các tiêu chí cứng về tỷ lệ phần trăm bằng cấp phải đạt được. Thậm chí về lâu dài, chiến lược này phải hướng đến việc xây dựng một quốc gia không nặng về bằng cấp. Có nghĩa, dù không có bằng cấp, nhưng ĐNTT vẫn có chất lượng thực sự, làm nền tảng xây dựng nền dân trí cao. Ở đó, cần hoàn thiện cơ chế đột phá trong phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ trí thức tài năng, nhà khoa học trẻ từ chính thực tiễn công tác; xóa bỏ tư duy coi trọng bằng cấp, thâm niên công tác. Xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng theo mức độ đóng góp và năng lực thực tiễn để trí thức thực sự yên tâm nghiên cứu, sáng tạo trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Xây dựng cơ chế đặc thù về đầu tư, đãi ngộ đối với trí thức theo nhiệm vụ và sản phẩm sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm đời sống của trí thức phải cao hơn mức chung của xã hội.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, trong khối doanh nghiệp hiện nay đã vận hành khá hiệu quả xu hướng tuyển dụng không cần bằng cấp hoặc bằng cấp không là tiêu chí tiên quyết. Dễ nhận thấy, nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng không hề nhắc tới tiêu chí phải có bằng đại học; thậm chí, có những doanh nghiệp mà ngay cả người sáng lập cũng không có bằng đại học, không có học hàm, học vị gì to tát. Bàn về vấn đề này, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội xác nhận: Khi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi quan tâm nhiều nhất là năng lực của ứng viên. Nhiều trường hợp ứng viên không đáp ứng được tiêu chí về bằng cấp (nếu cần), nhưng lại thể hiện sự phù hợp cao thông qua các bài kiểm tra năng lực, do đó họ vẫn được lựa chọn. Và sau đó, chính những người này lại làm việc rất tốt, có nhiều đóng góp cho Tập đoàn.
Tương tự, lãnh đạo một số doanh nghiệp quả quyết việc không trả lương theo bằng cấp. Khi được tuyển dụng, người lao động sẽ được hưởng lương theo vị trí công việc và năng lực của mình. Việc thăng tiến của họ hoàn toàn dựa vào năng lực chuyên môn hay năng lực quản lý và điều đó thể hiện qua hiệu quả công việc, chứ không phải do trong hồ sơ có bằng nọ, bằng kia.
Xây dựng đội ngũ trí thức Việt trên toàn cầu
Cùng với triển khai các giải pháp quyết liệt chống "chảy máu chất xám" và thu hút nhân tài, trong điều kiện hiện nay, các cấp cần nhất quán tinh thần và quyết tâm xây dựng mạng lưới trí thức Việt Nam trên toàn cầu. Đó chính là cách làm cho ĐNTT ngày càng lớn mạnh, đông đảo và có chất lượng cao, vươn tầm quốc tế.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có 5,3 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, khoảng 80% trong số đó sinh sống và làm việc tại các quốc gia phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có hàng trăm nghìn du học sinh đang học tập tại các quốc gia phát triển. Hiện có đông đảo kỹ sư, lập trình viên người Việt Nam có trình độ cao đang làm việc tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ; nhiều người làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài được ghi nhận là có rất nhiều cống hiến, đóng góp trên các lĩnh vực như khoa học-công nghệ, kinh tế, chính trị, văn hóa tại những nước sở tại mà trí thức đang sinh sống, học tập và làm việc.
Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phát huy tiềm lực khoa học-công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào thực tế, đạt kết quả nhất định. Hiện nay, tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã hình thành các mạng lưới, các câu lạc bộ trí thức, chuyên gia người Việt Nam, có kết nối hết sức chặt chẽ với các cơ sở khoa học-công nghệ trong nước, đem lại những đóng góp đáng kể cho đất nước, trong đó có tư vấn cho Chính phủ và các địa phương về những lĩnh vực trọng yếu phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, nhiều địa phương đang triển khai rất tốt việc thu hút, trọng dụng nhân tài là trí thức người Việt ở nước ngoài; hình thành nên một mạng lưới kiều bào gồm các chuyên gia, trí thức đang cộng tác thường xuyên, hiệu quả với các sở, ngành, tổ chức ở các tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương thu hút, trọng dụng và xây dựng ĐNTT Việt Nam ở nước ngoài vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đầu tiên là nhận thức cũng như việc triển khai các chính sách thu hút nhân tài trên thực tế của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa sâu sát, thống nhất, đồng bộ; mỗi nơi triển khai một kiểu hoặc không coi trọng triển khai; khả năng tiếp cận thông tin từ các bộ, ngành, địa phương vẫn bị hạn chế; giữa các nhà khoa học trong nước với các nhà khoa học nước ngoài vẫn mang tâm lý dè dặt, thiếu sự tin tưởng...
Một vấn đề nữa là cơ chế, chính sách đưa ra nhiều nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà khoa học, trí thức Việt Nam về nước, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc đổi mới, như liên quan đến đãi ngộ đối với gia đình các nhà khoa học còn hạn chế; môi trường nghiên cứu, học thuật chưa thuận lợi, thiếu chuyên nghiệp, cơ chế chưa thông thoáng... Tất cả tồn tại, vướng mắc ấy cần sớm được quan tâm, giải quyết thỏa đáng để mở toang cánh cửa mời chào trí thức Việt Nam ở nước ngoài trở về quê hương cống hiến, hoặc chủ động hợp tác, có đóng góp nhiều hơn trong điều kiện, khả năng cho phép.
Thay lời kết
Trí thức có vai trò rất quan trọng đối với sự hưng thịnh, suy vong của các quốc gia, dân tộc, nhất là trong nền kinh tế tri thức và bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng, phát triển ĐNTT lớn mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược lâu dài.
Để có một ĐNTT thực sự xứng tầm là “nguyên khí quốc gia”, toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội cần triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều phần việc, giải pháp thiết thực; tập trung đột phá đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là phải hết sức tôn trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc phục vụ công cuộc đổi mới đất nước. Đồng thời, cần chú trọng nhận diện, đánh giá đúng những hạn chế, bất cập, vướng mắc nảy sinh để sớm khắc phục, tháo gỡ, tạo nền tảng cho việc xây dựng, vận hành một chiến lược quốc gia về xây dựng ĐNTT trong tình hình mới.
“Đảng và Nhà nước luôn chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất trong điều kiện và khả năng có thể để thúc đẩy, giải phóng năng lực nghiên cứu, sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo của ĐNTT, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trên tinh thần cùng chia sẻ; nhân lên niềm cảm hứng khát vọng, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.” (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước VÕ VĂN THƯỞNG)