Làm gì khi bị chó mèo cắn?

Với tỷ lệ tử vong gần như 100% sau khi phát bệnh, bệnh dại được xem như một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong lịch sử. Mặc dù hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm vaccine, thế nhưng thời gian qua số ca tử vong bệnh dại vẫn ghi nhận trên cả nước.

Mới nhất, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thông tin về trường hợp bệnh nhân 30 tuổi (ở Phú Thọ) vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương ngày 21/12/2022 trong tình trạng hốt hoảng, lo âu.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết khoảng 3 - 4 tháng trước, bệnh nhân bị một con chó lạ cắn, nhưng không đi tiêm vaccine phòng dại. Trước khi vào viện 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, kích thích, sợ nước, sợ gió lạnh, không tắm, đau mỏi đầu và hai vai. Khi đó, bệnh nhân đi khám ở phòng khám tư nhưng không đỡ.

10h sáng ngày 21/12/2022, bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương khám, được chẩn đoán và làm xét nghiệm virus dại có kết quả dương tính. Bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Khoa Cấp cứu.

Đến 18h15 cùng ngày, bệnh nhân hốt hoảng, kích thích, tình trạng sợ nước, sợ gió của bệnh nhân tăng dần. Được bác sĩ giải thích tiên lượng tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vaccine dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình “tàn phá”.

Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30-90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, “đoạn đường” di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.

Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 50.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vaccine phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại chủ yếu là chưa tiêm vaccine và thường gặp ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vaccine cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.

Bác sĩ Hoàng Đình Khánh - Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn người dân cần chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm, không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Theo các chuyên gia y tế, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-gi-khi-bi-cho-meo-can-5706425.html