Làm gì khi bị lạc trong lúc leo núi?

Leo núi là hoạt động thể thao mạo hiểm, thu hút nhiều người yêu thích khám phá và thử thách bản thân. Tuy nhiên, nguy cơ bị lạc đường trong các cung trekking, đặc biệt là ở những khu vực hoang sơ, luôn là vấn đề đáng lưu ý.

Lý do dẫn đến lạc đường

Theo anh Cung, nguyên nhân phổ biến khiến người leo núi bị lạc thường xuất phát từ sự thiếu chuẩn bị và tâm lý chủ quan trong quá trình lên kế hoạch. Ảnh: Nguyễn Trọng Cung

Theo anh Cung, nguyên nhân phổ biến khiến người leo núi bị lạc thường xuất phát từ sự thiếu chuẩn bị và tâm lý chủ quan trong quá trình lên kế hoạch. Ảnh: Nguyễn Trọng Cung

Anh Nguyễn Trọng Cung, người đã thực hiện hơn 40 chuyến leo núi và chinh phục 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, cho biết nguyên nhân phổ biến khiến người leo núi bị lạc thường xuất phát từ sự thiếu chuẩn bị và tâm lý chủ quan trong quá trình lên kế hoạch.

Anh nhấn mạnh rằng việc tìm hiểu kỹ lưỡng về địa hình, lộ trình, tracklog (dữ liệu lộ trình) cũng như thuê porter địa phương dẫn đường là những bước cơ bản và cần thiết để đảm bảo an toàn cho chuyến đi.

“Các cung đường dễ bị lạc thường có đặc điểm phức tạp như nhiều ngã rẽ, đường mòn phân nhánh, địa hình rừng núi đa dạng, khiến người đi dễ mất phương hướng nếu không có kinh nghiệm”, anh Cung nói.

Nhiều người đi rừng bị lạc vì thiếu am hiểu thực tế về địa hình. Trong ảnh là anh Harry Nghiêm, đến từ công ty Hub2S Việt Nam. Ảnh: Harry Nghiêm

Nhiều người đi rừng bị lạc vì thiếu am hiểu thực tế về địa hình. Trong ảnh là anh Harry Nghiêm, đến từ công ty Hub2S Việt Nam. Ảnh: Harry Nghiêm

Ở góc độ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, anh Harry Nghiêm, đến từ công ty Hub2S Việt Nam, cho biết nhiều người đi rừng bị lạc vì thiếu am hiểu thực tế về địa hình. Không ít nhóm chỉ dựa vào bản đồ hoặc GPS mà không hiểu rõ đặc điểm cụ thể của khu vực, đặc biệt là các nhóm đi tự phát, thiếu người dẫn đường có kinh nghiệm.

Ngoài ra, tâm lý chủ quan và việc tách đoàn cũng là những yếu tố thường dẫn đến lạc đường. Một số thành viên tự ý di chuyển nhanh hơn hoặc rẽ nhầm hướng do không quan sát kỹ các dấu hiệu định hướng. Thiếu kỹ năng nhận diện đường mòn dễ gây mất phương hướng, nhất là khi đi trong rừng rậm sau mưa – thời điểm mà dấu vết đường cũ bị xóa mờ hoặc trên các tuyến ít người qua lại, không còn dấu chân hay thậm chí là rác chỉ dấu.

Thời điểm khởi hành cũng đóng vai trò quan trọng. Việc lên đường muộn hoặc di chuyển khi trời đã tối khiến tầm nhìn giảm, tăng nguy cơ bị lạc. Một trở ngại khác là việc mất tín hiệu điện thoại, khiến việc liên lạc và khả năng định vị đều bị hạn chế.

Làm gì khi bị lạc?

Khi xảy ra trường hợp thành viên trong đoàn bị lạc, quy trình xử lý đúng đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả tìm kiếm.

Người bị lạc nên giữ nguyên vị trí, ngồi yên tại nơi thoáng đãng. Ảnh: Nguyễn Trọng Cung

Người bị lạc nên giữ nguyên vị trí, ngồi yên tại nơi thoáng đãng. Ảnh: Nguyễn Trọng Cung

Theo anh Nguyễn Trọng Cung, trong tình huống này, nhóm còn lại cần duy trì sự đoàn kết, tuyệt đối không chia nhỏ lực lượng. Các thành viên có kinh nghiệm như leader hoặc porter nên được cử đi tìm kiếm người mất tích. Người tham gia leo núi cần được phổ biến từ trước là phải giữ nguyên vị trí, ngồi yên tại nơi thoáng đãng và tuyệt đối không rời khỏi đường mòn khi bị lạc.

Trang bị bộ đàm cho người đi đầu và người đi cuối nhóm giúp giữ liên lạc liên tục, hỗ trợ công tác tìm kiếm. Ngoài ra, sử dụng đèn pin hoặc loa phát tín hiệu trong rừng cũng giúp nhóm cứu hộ dễ dàng xác định vị trí người bị lạc.

Trong lúc chờ được tìm thấy, người bị lạc cần giữ ấm cơ thể, tránh mất nước và kiệt sức bằng cách uống nước nếu còn.

Anh Harry Nghiêm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ bình tĩnh để đưa ra quyết định đúng. Ngay sau khi phát hiện có người mất tích, nhóm cần kiểm đếm lại số người, xác định vị trí cuối cùng người đó xuất hiện; nếu còn tín hiệu điện thoại, cần cố gắng liên lạc hoặc dùng còi, đèn pin để phát tín hiệu. Trong khi đó, các thành viên còn lại không nên di chuyển xa mà nên dựng trại tạm và đánh dấu khu vực.

“Nếu sau khoảng 1–2 tiếng tìm kiếm không có kết quả, cần báo ngay cho lực lượng chức năng hoặc kiểm lâm địa phương để được hỗ trợ chuyên nghiệp”, anh Harry Nghiêm khuyến cáo.

Ngay sau khi phát hiện có người mất tích, nhóm cần kiểm đếm lại số người, xác định vị trí cuối cùng người đó xuất hiện. Ảnh: Nguyễn Trọng Cung

Ngay sau khi phát hiện có người mất tích, nhóm cần kiểm đếm lại số người, xác định vị trí cuối cùng người đó xuất hiện. Ảnh: Nguyễn Trọng Cung

Bên cạnh các biện pháp xử lý tình huống, một số du khách đã từng tham gia trekking nhiều lần cũng cho rằng việc chuẩn bị tâm lý và kiến thức sinh tồn cơ bản trước chuyến đi là điều không thể thiếu.

Người bị lạc không nên tiếp tục di chuyển vì dễ rơi vào tình trạng kiệt sức hoặc lạc sâu hơn. Nếu có thể, hãy tạo các dấu hiệu nhận biết như buộc khăn màu lên cành cây, xếp đá thành hình, hoặc vẽ ký hiệu lớn trên nền đất trống để nhóm tìm kiếm dễ quan sát từ xa – đặc biệt khi có sự hỗ trợ từ flycam hoặc thiết bị bay.

Ngoài ra, người bị lạc nên giữ tinh thần lạc quan, tránh hoảng loạn. Hãy hít thở sâu, tự trấn an bản thân và suy nghĩ đến các biện pháp cụ thể thay vì hoang mang. Khi trời tối, cần tìm nơi trú tạm an toàn, đốt lửa để xua đuổi côn trùng, rắn rết và tránh gần suối hoặc những khu vực có nguy cơ sạt lở.

Nguyên Phong

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/lam-gi-khi-bi-lac-trong-luc-leo-nui/