Làm gì khi bị stress, khủng hoảng?
Ông Sơn, Quốc và cả Vũ trong phim 'Về nhà đi con' khi thấy stress, khủng hoảng, thất bại… đã muốn kiếm cho mình một khoảng không gian riêng tĩnh lặng. Theo các chuyên gia tâm lý, đây cũng là tâm lý chung của đàn ông cần được tôn trọng.
Tìm nơi tĩnh lặng tự giải tỏa
Trong 2 tập 78 - 79 của phim "Về nhà đi con", Vũ (Quốc Trường) đã phải chạy đôn chạy đáo, bán xe ô tô, bán cổ phần… đền bù vụ hợp đồng với đối tác Đài Loan không thành. Sau đó, anh trả nợ 3 tỷ cho Thư và cả hai chính thức ra tòa, đường ai nấy đi. Vũ uống rượu say nói với Dũng rằng mình là kẻ thất bại, ngu ngốc vì tình cảm dành cho ai, yêu thương ai cũng không biết. Vũ còn tự xỉ vả mình không có chút tự trọng, không dám nhìn thẳng vào người khác cũng không có. Cuối cùng anh đã chọn cách rời đi xa một thời gian, mong vợ cũ không liên lạc.
Cũng giống như Vũ, ở tập 83 phim "Về nhà đi con" mới đây, ông Sơn bỗng dưng viết lại một lá thư tay rồi lẳng lặng đi ra khỏi nhà khiến 3 cô con gái hết sức lo lắng. Ông đi chỉ để lại mấy dòng ngắn ngủi nhắn nhủ Huệ (Thu Quỳnh), Thư (Bảo Thanh) và Dương (Bảo Hân) đừng đi tìm ông: "Các con đã lớn, đủ trưởng thành và có thể tự quyết định cho cuộc đời của mình. Có lẽ đã đến lúc bố bớt lên tiếng để các con có những quyết định đúng đắn hơn. Hãy chăm sóc chính mình cho thật tốt. Bố muốn rời đi, thư thả suy nghĩ một thời gian, đừng tìm bố".
Xem đoạn này, nhiều người vẫn hiểu là ông Sơn đang mang trong mình một cảm giác "có lỗi". Ông cho rằng, chính vì can thiệp quá sâu vào quyết định của các con khiến các con ông mang những vết thương lòng không dễ xóa sau khi ly hôn. Và khi những người con của ông Sơn tìm thấy ông là lúc ông đang lên chùa để tĩnh tâm và suy nghĩ.
Trong thực tế những người đàn ông ở ngoài đời cũng có những tâm trạng giống như nhân vật Vũ, Sơn trong phim "Về nhà đi con". Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, đàn ông thường có sĩ diện cao, khi bị thất bại hay rơi vào trạng thái khủng hoảng, họ không hay chia sẻ mà thường chịu đựng một mình.
Ở phụ nữ có thể giải tỏa stress bằng một thú vui hay đi mua sắm, khóc... còn ở đàn ông thường đối phó khác. Họ không thể dùng nước mắt để giải tỏa vấn đề như nữ giới. Đàn ông luôn im lặng. Họ cần sự yên tĩnh để tìm cách giải quyết. Sự im lặng chính là lối thoát duy nhất họ có thể làm. Điều này xuất phát từ cách nhận thức của đàn ông, khách quan và theo hướng có phân tích hơn phụ nữ.
Đồng thời, ý thức "tự mình giải quyết vấn đề" cũng được bám rễ sâu trong tư tưởng, suy nghĩ và hành động của chính họ. Và theo bản tính tự nhiên, họ thường tìm cách đối phó bằng cách tự mình nghiền ngẫm rồi quyết định cần làm gì để đưa ra hướng xử lý.
Ngay cả khi vợ chồng xảy ra xung đột, nam giới vẫn thường có xu hướng không thích cãi cọ và nhiều lời như phụ nữ. Vì vậy, khi cuộc tranh luận hoặc cãi vã kéo dài và không có dấu hiệu đi đến hồi kết, họ thường có xu hướng im lặng rồi rút lui.
Xử khéo khi chàng stress
Theo các chuyên gia tâm lý, quan niệm từ xưa đàn ông phải luôn mạnh mẽ, can trường, còn phụ nữ là phái yếu, cần được nâng niu, chiều chuộng đã vô tình tạo ra cho đàn ông những áp lực nhất định. Dù có mạnh mẽ đến mấy, người đàn ông đôi lúc trong cuộc sống vẫn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng thậm chí là cô đơn.
Những lúc như vậy, họ dù có mạnh mẽ đến mấy cũng cần sự động viên, chia sẻ từ chính người bạn đời của mình để vượt qua những sóng gió của cuộc đời. Thường các ông chồng hay giấu vợ những khó khăn mà mình đang gặp phải. Bạn hãy quan tâm đến họ, hỏi han những đồng nghiệp của họ xem cơ quan có chuyện gì không. Thủ thỉ tâm tình để người đàn ông của mình tin cậy trút bỏ những lo lắng, khó khăn.
Nhưng tuyệt đối cũng đừng nên hỏi quá nhiều, nhất là những câu mà người đàn ông khó có thể trả lời lúc đó. Ngược lại, cũng đừng chọn cách im lặng để đáp lại lúc này.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, điều sai lầm mà những người thân hay người bạn đời làm khi người đàn ông của họ không may rơi vào thất bại, stress là chịu sự "chì chiết", phàn nàn, nói quá nhiều. Đặc biệt là ở những người vợ lại hay phàn nàn bài ca cơm áo gạo tiền khi ông chồng đang rơi vào trạng thái "mất phương hướng".
Nhà tâm lý nổi tiếng John Gray đã dùng hình ảnh "người đàn ông đi vào cái hang" để nói về thói quen muốn ẩn mình vào thế giới riêng của họ. Ông cho rằng, người vợ càng muốn chồng chóng trở lại với mình thì anh ta lại càng nằm lì trong "cái hang" đó. Anh ta sẽ không ra khỏi hang nếu cảm thấy vợ phản đối việc mình ở trong đó, ngay cả khi anh ta đang định ra.
Trong tình huống đó, những người vợ khôn ngoan không nên phản đối nhu cầu cần được ở một mình của chồng. Đừng kè kè đeo bám bắt anh ta phải nói chuyện. Không tỏ thái độ lo lắng hay thương hại anh ta. Tốt hơn hết hãy đi làm việc gì mình thích chứ đừng biến anh ta thành mối quan tâm duy nhất của bạn.
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/lam-gi-khi-bi-stress-khung-hoang-20190809185019369.htm