Làm gì khi say cà phê?
Bạn đọc THẢO NGUYÊN ở Đắk Lắk hỏi: Tôi rất thích uống cà phê và đã duy trì uống mỗi sáng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thi thoảng tôi vẫn bị say cà phê rất khó chịu. Có phải do cơ địa tôi không hợp với cà phê, làm sao để khắc phục?
BSCK1 CAO THỊ LAN HƯƠNG, nguyên giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), trả lời: Tác dụng của cà phê tùy vào cơ địa mỗi người (có người hợp người không), tùy vào độ đậm đặc cà phê và số lần uống mỗi ngày.
Theo nghiên cứu, mỗi ngày sử dụng khoảng 400 mg caffeine là an toàn. Nếu sử dụng nhiều hơn mức này thì sẽ dẫn đến những triệu chứng như buồn nôn, căng thẳng, mệt mỏi, khó ngủ… Tuy nhiên, với những người nhạy cảm với caffeine thì lượng tiêu thụ ít hơn mức khuyến cáo cũng có thể làm họ có những triệu chứng trên. Đó gọi là hiện tượng say cà phê.
Khi bị say cà phê, cách tốt nhất là nghỉ ngơi, dừng các hoạt động kích thích não bộ, uống nhiều nước (nước lọc, nước khoáng, nước trái cây có vị chua nhẹ nếu không khó chịu dạ dày) để mau thải lượng caffeine trong cơ thể; không sử dụng nước có chất kích thích khác như nước ngọt hay nước trà, bia để thải caffeine; ăn bổ sung tinh bột.
Trường hợp đã áp dụng các biện pháp trên mà cảm giác khó chịu vẫn kéo dài như tim đập nhanh, huyết áp tăng cao (thường là do lo lắng), mất ngủ… thì nên liên hệ với bác sĩ gia đình hoặc đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/lam-gi-khi-say-ca-phe-20230301203241962.htm