Làm giả giấy tờ, 'nhái' chữ ký, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng
Nhóm đối tượng đã làm giả căn cước công dân (CCCD), chứng minh nhân dân (CMND) để chiếm đoạt số điện thoại chính chủ nhận mã bảo mật OTP, đồng thời thông qua các mối quan hệ quen biết đã lấy được chữ ký mẫu tại ngân hàng nhằm rút số tiền hàng chục tỷ đồng trong tài khoản của nhiều bị hại.
Nhóm đối tượng bị khởi tố. Ảnh Công an cung cấp
Chữ ký mẫu giao dịch ngân hàng bị lộ?
Ngày 20/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 6 đối tượng gồm: Lê Thị Phi Nga (SN 1971, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Ngô Thị Ngọc Lan (SN 1994, cùng trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội), Nguyễn Trung Kiên (SN 1981, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), Trần Quốc Cường (SN 1995, trú tại tỉnh Thái Bình), Trần Thùy Anh (SN 1993, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Lê Thị Liên Hương (SN 1972, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản”.
Theo điều tra, khoảng tháng 6/2021, Nga, Kiên thu thập thông tin tài khoản cá nhân của người khác trên các trang ghi lô đề, cá độ bóng đá. Từ các thông tin này, Lan sử dụng các mối quan hệ xã hội lấy được thông tin về CCCD, CMND, số điện thoại và chữ ký chính chủ sử dụng giao dịch tại ngân hàng của các cá nhân nói trên (hiện thông tin này đang tiếp tục được điều tra làm rõ).
Tiếp đó, các đối tượng làm giả CCCD, CMND rồi mang đến đại lý của nhà mạng viễn thông báo mất số điện thoại và yêu cầu cấp lại số điện thoại mà tài khoản chính chủ đang dùng. Khi đã có số điện thoại của chính chủ kèm CCCD, CMND, các đối tượng đến ngân hàng hoặc sử dụng ứng dụng ngân hàng trực tuyến yêu cầu cấp lại mật khẩu nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của chính chủ để chuyển tiền tới các tài khoản giả mạo khác.
Ngoài ra, Cường, Thùy Anh học theo các chữ ký mẫu, trực tiếp mang CMND, CCCD giả ra ngân hàng rút tiền. Số tiền chiếm đoạt được Nga chia cho Thùy Anh, Cường mỗi người 2%, các đối tượng khác được chia đều số tiền còn lại.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng tạm giữ 800 triệu đồng, 19 điện thoại di động các loại, 23 CMND, CCCD (nghi làm giả), 5 sim điện thoại các loại, 3 thẻ ngân hàng, 2 mẫu dấu công ty, 2 bìa ghi số tài khoản ngân hàng, 1 quyển sổ dùng để tập ký các chữ ký khác nhau… Bước đầu xác định nhóm này đã làm giả tài khoản cá nhân của hơn 10 bị hại chiếm đoạt số tiền hơn 17 tỷ đồng.
Một vụ việc tương tự, tháng 3/2022, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) khởi tố Đào Duy Thành (SN 1996, trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La) về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Thành khai nhận quen biết Nguyễn Thị Hương Huyền (SN 1990, trú tại huyện Kim Bôi, Hòa Bình) và Nguyễn Mạnh Toàn (SN 1989, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội) để trao đổi mua bán tài khoản ngân hàng.
Huyền có nhiệm vụ làm giả chứng minh nhân dân dán ảnh của Thành và Toàn để làm thủ tục mở tài khoản ngân hàng và đăng ký 2 số điện thoại (sử dụng nhận mã OTP và nhận thông báo biến động số dư). Khi có khách mua, Huyền chỉ giao tài khoản và số điện thoại đăng ký nhận mã OTP. Nếu có tiền chuyển đến, Thành và Toàn ra ngân hàng rút hết số tiền chiếm đoạt.
“Trước đây sau khi xảy ra vụ đại án Huyền Như sử dụng giấy tờ giả mạo, một số ngân hàng đã nghiên cứu đặc điểm nhận dạng theo mã vân tay. Do đó, ngân hàng nào sử dụng biện pháp này thì độ an toàn sẽ cao vì làm giả rất khó” - luật sư Hải cho biết.
Luật sư Trần Minh Hải khẳng định, đây là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm vào ngân hàng nên phải chủ động có biện pháp phòng ngừa và chịu trách nhiệm về việc để mất tiền, bởi họ chính là người “gác gôn” giữ tiền của khách hàng.
Rủi ro khi chỉ nhận diện chữ ký của khách hàng
Liên quan đến các vụ án trên, luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành BASICO cho rằng, các ngân hàng hiện nay sử dụng phương pháp nhận diện khách hàng thường chỉ căn cứ vào chữ ký mẫu và các đặc điểm khi đối chiếu giấy tờ CMND, CCCD. Do đó, khi kẻ gian làm giả CMND, CCCD có ảnh, thông tin cá nhân thì nhân viên ngân hàng, về mặt nghiệp vụ, là rất khó nhận diện đúng chính chủ tài khoản.
“Thông thường nhân viên ngân hàng sẽ dựa vào chữ ký mẫu đăng ký tại ngân hàng. Nếu chữ ký không hợp lệ hoặc không giống thì có khả năng nhân viên ngân hàng sẽ yêu cầu phải ký lại để đối chiếu hoặc từ chối giao dịch”- luật sư Hải nói.
Theo quan điểm của luật sư Hải, với thủ đoạn trong vụ án trên rất dễ đẩy phía ngân hàng vào thế rủi ro. Bởi ngân hàng không theo dõi đặc điểm nhận dạng trên khuôn mặt, nên khi giấy tờ mà làm giả thì chỉ trông chờ vào chữ ký mẫu.