Làm giàu nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Chăm chỉ học hỏi kỹ thuật chăm sóc, linh động trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, anh Nguyễn Văn Tung (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã duy trì ổn định nguồn thu 330 triệu đồng/năm từ trồng trọt, chăn nuôi.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Tung cho biết, trước đây thu nhập của gia đình anh khá ổn định với việc trồng cà phê và trồng dâu nuôi tằm tại tỉnh Lâm Đồng. Song sau vài lần về Gia Lai thăm người thân, nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ, giá cũng phải chăng nên anh đã quyết định đưa vợ con sang Gia Lai lập nghiệp. Gom góp số vốn ở Lâm Đồng, năm 2007, vợ chồng anh mua 5 ha cà phê kinh doanh tại thôn 1 (xã Hải Yang) để phát triển sản xuất. Nhờ có sẵn kinh nghiệm từ trước cộng với việc chăm chỉ tham gia các buổi tập huấn, anh Tung chăm sóc vườn cà phê tốt hơn, năng suất tăng dần từ 2 lên 4 tấn cà phê nhân/ha. Trung bình mỗi năm vườn cà phê của anh cho thu trên 400 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Tung chuẩn bị béc tưới nước cho vườn dâu. Ảnh: N.H

Anh Nguyễn Văn Tung chuẩn bị béc tưới nước cho vườn dâu. Ảnh: N.H

Anh Đỗ Trung Tín-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Hải Yang: “Anh Tung là một trong những hộ linh động trong việc lấy ngắn nuôi dài và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên đã duy trì được nguồn thu nhập hàng năm khá cao. Anh nhiều lần được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt, mô hình kinh tế của anh được nhiều người tới tham quan, học tập kinh nghiệm, nhất là với việc trồng dâu nuôi tằm. Xã cũng đang khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng “lấy ngắn nuôi dài” như anh Tung để cải thiện thu nhập”.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2009 anh còn thuê thêm 6 ha đất trống để trồng chanh dây. Thời điểm chanh dây cho năng suất cao, giá cả ổn định, mỗi năm gia đình anh thu trên 600 triệu đồng. Tuy nhiên, theo anh Tung, nếu không hiểu được đặc tính của chanh dây sẽ rất dễ gặp rủi ro. Bởi nếu trồng lâu năm trên cùng một diện tích, chanh dây dễ bị nhiễm bệnh dẫn đến thất thu. Vì vậy, năm 2014, nhận thấy trồng hồ tiêu cho thu nhập cao, anh quyết định dừng trồng chanh dây và đầu tư vốn vào trồng 2 ha hồ tiêu. Nhờ chăm sóc tốt, vườn hồ tiêu của gia đình anh ít bị nhiễm bệnh, năng suất tương đối cao, mỗi năm cho thu 180 triệu đồng.

Nhấp chén trà, anh Tung kể thêm: Đến năm 2017, tuy hồ tiêu vẫn phát triển tốt nhưng giá giảm sâu nên gia đình anh quyết định chuyển đổi 1 ha hồ tiêu sang trồng dâu nuôi tằm. Nghĩ là làm, anh lại lặn lội sang Lâm Đồng mua cây dâu giống về trồng. Nhờ chăm sóc tốt, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu trên 150 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn có thêm nguồn thu từ việc bán cây giống. “Trồng dâu nuôi tằm không khó nhưng đòi hỏi người nông dân phải chịu khó tìm hiểu để áp dụng đúng kỹ thuật nhằm cho năng suất cao. Bên cạnh đó, nghề này nhanh cho thu nhập mà chi phí đầu tư thấp (khoảng 100-150 triệu đồng/ha), chỉ sau 4 tháng nuôi đã thu được lứa đầu tiên”-anh Tung cho hay.

Nhờ linh động trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, anh Tung đã duy trì được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu trên 630 triệu đồng từ trồng cà phê, hồ tiêu và trồng dâu nuôi tằm; sau khi trừ chi phí còn lãi 330 triệu đồng. Từ nguồn thu này, anh không những xây được nhà, mua sắm các vật dụng sinh hoạt, sản xuất mà còn nuôi các con ăn học và đóng góp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Anh cũng luôn sẵn lòng giúp đỡ người dân xung quanh về cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương.

NHẬT HÀO

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12363/201910/lam-giau-nho-chuyen-doi-cay-trong-vat-nuoi-5652995/