Làm giàu nhờ người nuôi cá

20 năm trước, ở An Giang có một cô gái nghèo hằng ngày bơi xuồng đi bán từng ký mỡ cá tra. Cô ấy bây giờ vẫn ngày ngày tính chuyện bán mỡ cá nhưng người mua là những đối tác nước ngoài và tiền lãi thu về phải tính bằng triệu đôla.

LTS: Doanh nhân thì phải làm giàu, trước hết cho chính họ. Nhưng cũng có nhiều người biết kết hợp giữa chuyện làm giàu của mình với việc phụng sự xã hội.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), Pháp Luật TP.HCM giới thiệu một số doanh nhân điển hình trong việc làm ăn với nông dân, cùng giúp nông dân làm giàu.

Người đó chính là chị Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Thuận An ở tỉnh An Giang.

Mang “đồ bỏ” đổi… đôla

Chị Trinh kể hồi ở Tiền Giang chị nghèo lắm. Dịp về An Giang thấy một số công ty chế biến thủy sản đông lạnh mang phụ phẩm đổ bỏ, chị xót dạ và nghĩ ngay đến chuyện tận dụng nó. Tuy nhiên, do vốn liếng chẳng nhiều nên chị vào Công ty Agifish An Giang mua một số đầu, xương, da cá tra… ngày ngày bơi xuồng đi bán lẻ.

Thấy mỡ cá tra lẫn trong phụ phẩm rất nhiều, chị bèn mua chảo về thắng mỡ đi bán. Bất ngờ, mỡ cá qua chế biến bán giá cao gấp nhiều lần so với phụ phẩm thô. Việc làm ăn tiến triển, dành dụm được bao nhiêu chị Trinh dồn hết vào thu mua phụ phẩm. Sau đó, chị lại nghĩ nếu chế biến phụ phẩm thành dầu và bột cá thì giá trị còn gia tăng đáng kể. “Có được số vốn kha khá, tôi nâng quy mô cơ sở chế biến phụ phẩm của mình lên, rồi xây dựng luôn xưởng chế biến bột và dầu cá. Tôi lặn lội khắp miền Tây, miền Đông Nam Bộ và bắt mối được nhiều nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi bán sản phẩm. Lúc đó, ở miền Tây chỉ có tôi “một mình, một chợ” làm mặt hàng này nên lợi nhuận thu về dữ lắm. Nhiều nhà máy chế biến cá tra phi lê còn mong mình đến mua phụ phẩm để họ đỡ công mang đi đổ bỏ”.

Thu hoạch cá tra ở An Giang. Ảnh: afa.vn

Ngoài chuyện cung ứng bột cá cho các nhà máy chế biến thức ăn trong nước, chị Trinh không ngừng tiếp thị ra bên ngoài. “Những năm đó ở miền Tây chỉ mình tôi được cấp quota xuất bột và mỡ cá sang Trung Quốc. Năm 2002, nhiều nhà máy chế biến cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, do bị phía Mỹ kiện bán phá giá. Nguồn phụ phẩm dành cho chế biến bột và mỡ cá ít lại. Tôi bèn lập công ty chế biến cá tra phi lê để có nguồn phụ phẩm xuất khẩu. Nhờ mặt hàng phụ phẩm mang về lợi nhuận cao nên công ty không bị thua lỗ, dù xuất khẩu cá tra phi lê gặp không ít khó khăn” - chị kể.

Việc làm ăn của chị Trinh phất lên như diều gặp gió. Năm 2009, chị xây thêm nhà máy chế biến cá tra phi lê, giải quyết việc làm cho 1.500 công nhân. “Năm 2010 rồi tôi xuất bột và mỡ cá thu về hơn 20 triệu USD. Công ty cũng đang đàm phán với phía Hà Lan bán số lượng lớn phụ phẩm cho họ. Tôi mê cái nghề phụ phẩm dữ lắm” - chị nói.

Năm, sáu năm trước, chị Trinh cũng là một trong những người đầu tiên bắt tay nghiên cứu chế biến mỡ cá thành dầu sinh học Bio diesel để thay thế dầu tự nhiên. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu đến giai đoạn thành phẩm thì… tắc tị. “Khi chế phẩm được chế biến gần như thành công thì giá mỡ cá thô bỗng tăng cao chóng mặt. Dự án xem như phá sản” - chị Trinh kể lại ý tưởng táo bạo ngày nào.

Hợp tác với nông dân

Còn nhớ mô hình liên kết chuỗi trong nuôi cá tra do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam khởi xướng từng bị chìm vào quên lãng do các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn nên không thực hiện. “Tôi có được thành công như ngày nay suy cho cùng cũng nhờ người nuôi cá. Không có họ tôi lấy đâu ra phụ phẩm để làm. Nhớ ân tình đó nên dù các ngân hàng không hỗ trợ vốn để liên kết tôi vẫn cố gắng rót vốn cho nông dân làm”.

Hiện công ty của chị là một trong ba doanh nghiệp ở An Giang thực hiện mô hình này.

Hai năm trước, nhiều nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh ở đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình cảnh hoạt động cầm chừng, do người nuôi cá tra thua lỗ treo ao, thiếu nguyên liệu cung ứng. Xu thế tất yếu đặt ra là phải liên kết với nông dân để cùng vượt khó, chống chọi với các rào cản kỹ thuật và thương mại của thế giới. Một số công ty lớn ở Đồng Tháp, Tiền Giang đã nhanh chân liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, chưa ai công bố chính thức dây chuyền liên kết chuỗi. “Sau thời gian nghiên cứu tôi quyết định thực hiện chuỗi liên kết nuôi cá tra theo hướng bền vững. Đầu năm 2011 này, tôi chính thức công bố khai trương trung tâm cung ứng thức ăn, dịch dụ nuôi cá… và thực hiện chuỗi. Công ty của tôi là doanh nghiệp đầu tiên ở miền Tây công bố dây chuyền liên kết chuỗi, mặc dù tôi chưa nhận được sự ủng hộ từ phía ngân hàng”.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huệ Trinh. Ảnh: VĨNH SƠN

Chị Trinh kể, ban đầu vận động thực hiện liên kết chuỗi chẳng ai chịu tham gia. Bởi giá cá tra lúc đó đang cao, họ không đủ cá bán cho các nhà máy nên đương nhiên họ được săn đón, chào mời rất dữ. Thấy việc liên kết cùng hưởng lợi và chia sẻ rủi ro hợp lý là xu thế tất yếu, chị liên tục cho nhân viên công ty đi vận động nhưng cũng gặp thất bại. Rồi chị lại gặp may là khi vừa đại hội về liên kết chuỗi xong thì thị trường cá tra rớt giá. Một số doanh nghiệp trước đây từng săn đón nông dân giờ đâm ra quay lưng, hờ hững với họ. Nhiều hầm cá đã quá lứa mà chưa bán được. Lúc này, nhiều chủ hầm cá mới đến công ty chị xin tham gia chuỗi để… bán cá. “Sau vụ này, người dân bắt đầu hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của mô hình liên kết nên bà con ùn ùn kéo đến xin tham gia. Tuy nhiên, do doanh nghiệp tự xoay xở vốn nên tôi chỉ mới liên kết với một số hộ nuôi từng “có qua có lại” với công ty. Sau đó mới mở rộng quy mô này và hướng nông dân đến việc nuôi theo tiêu chuẩn Global GAP” - chị nói.

Theo hợp đồng liên kết thì nhà máy của chị sẽ đứng ra mua thức ăn với giá gốc và bán nợ cho nông dân hai tháng cuối đến khi thu hoạch cá. Nhà máy thức ăn chiết khấu cho doanh nghiệp chị bao nhiêu thì chị lấy khoản đó bù vào cho giá thu mua cá. Công ty sẽ mua cá cao hơn giá thị trường tại thời điểm nông dân muốn bán từ 200 đến 300 đồng/kg.

“Khả năng tiêu thụ của công ty tôi hiện giờ là 30.000 tấn/năm, xuất đi trên 40 nước. Doanh nghiệp của tôi đang mở rộng thị trường và nâng công suất lên. Tôi nghĩ giá trị dinh dưỡng con cá tra rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi chỉ ở Việt Nam nuôi được con cá này thì tại sao mình không tận dụng lợi thế đó để phát triển. Do vậy, nếu được sự hỗ trợ của Nhà nước, ngân hàng tham gia chuỗi liên kết thì chắc chắn ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu sẽ phát triển” - chị hy vọng.

VĨNH SƠN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20111012121518847p0c1112/lam-giau-nho-nguoi-nuoi-ca.htm