Làm giàu nhờ trồng sen lấy hạt

Đến với xã Chuyên Ngoại, Mộc Nam và Mộc Bắc (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) những ngày này, không khó để bắt gặp những cánh đồng Sen trải dài đang kỳ thu hoạch tỏa hương thơm ngát. Nhờ mạnh dạn chuyển diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng sen lấy hạt, người dân nơi đây đã vươn lên làm giàu, thu về hàng trăm triệu mỗi vụ.

Bỏ cấy lúa sang trồng sen

Cách Hà Nội gần 60km, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) nổi tiếng là một trong những vùng trồng Sen lớn nhất miền Bắc. Với tổng diện tích 28 ha trên địa bàn các xã Chuyên Ngoại, Mộc Nam và Mộc Bắc (huyện Duy Tiên), trồng sen lấy hạt là công việc đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con nơi đây.

Người dân dầm mình dưới bùn để thu hoạch sen

Người dân dầm mình dưới bùn để thu hoạch sen

Những ngày tháng 7, chúng tôi có cơ hội đến với xã Chuyên Ngoại đúng vào khoảng thời gian các đầm Sen đến độ thu hoạch cao điểm. Chuyến xe đến nơi lúc 6h sáng, trong không khí oi nồng của mùa hè, mùi hương Sen tỏa ra ngan ngát, tinh khiết làm cho hơi nóng bỗng nhiên dịu lại. Ấn tượng đầu tiên khi đến vùng chiêm trũng này là những cánh đồng rộng liền thửa, màu Sen xanh ngát trải dài dường như vô tận. Rẽ những thân Sen cao quá đầu người, lấp ló dưới những tán lá là những bông Sen hồng nở rộ, bên cạnh đó là những đài Sen màu xanh, mây mẩy chín đúng vụ, hạt chắc gục xuống mặt đầm đợi được thu hoạch.

Không giống như những nơi khác, chủ yếu khai thác kinh tế từ việc bán hoa Sen, chè Sen hay cho khách tham quan, chụp ảnh, tại xã Chuyên Ngoại, phần mang lại giá trị kinh tế cao nhất cho người dân chính là hạt Sen. Người dân cho biết, khoảng 10 năm trước, nơi đây chỉ có lác đác vài gia đình trồng Sen ở các ao, hồ, còn lại nông dân gắn bó với công việc trồng lúa. Tuy nhiên, việc trồng lúa đem lại năng suất thấp, bấp bênh do thường xuyên bị ngập úng, chất đất chua phèn, khó cải tạo nên dần dần người dân cũng không mấy mặn mà. Sau một thời gian ruộng bị bỏ hoang do việc lấy lúa không đem lại hiệu quả, người dân xã Chuyên Ngoại đã chuyển sang trồng sen lấy hạt. Hàng năm, sen ở xã Chuyên Ngoại là nguồn cung chính cho các địa phương chuyên sản xuất, chế biến hạt Sen trên cả nước.

Bà Bùi Thị Huệ (xã Chuyên Ngoại) đã có kinh nghiệm gần 10 năm trồng Sen chia sẻ: “Cả xã tôi đã chuyển hết diện tích lúa sang trồng Sen, trong đó gia đình tôi có khoảng 10 mẫu. So với trồng lúa thì trồng Sen có năng suất gấp 5 lần. Ngoài ra, sau khi thu hoạch sen, các hộ lại tận dụng thả cá, tôm trên chính diện tích trồng sen tăng thêm nguồn thu nhập, cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác. Thị trường tiêu thụ cũng rất thuận lợi, thương lái từ Hà Nội và các tỉnh lân cận tự tìm đến tận đầm để lấy hạt Sen”.

Thông thường, cứ vào độ trung tuần tháng 2 âm lịch, người trồng Sen bắt đầu cấy vụ mới. Bà Huệ cũng cho hay, sen được ươm bằng ngó, sau khi ngó Sen lớn, sẽ đem ra ruộng cấy. Theo kinh nghiệm của người trồng sen, kỹ thuật cấy Sen cũng khá giống với cấy lúa, chỉ khác là khoảng cách các ngó Sen sẽ thưa hơn trồng lúa, khoảng 1 - 2m/một cây, tuy nhiên trồng Sen đỡ vất vả hơn vì ít phải chăm bón. Song quan trọng nhất là phải giữ được mức nước thường xuyên và bón phân đúng thời vụ.

Dầm mình dưới bùn kiếm hàng trăm triệu/vụ

Kĩ thuật trồng sen không có nhiều phức tạp nhưng việc thu hoạch Sen lại tương đối vất vả. Nghề trồng sen lấy hạt chỉ có một vụ thu hoạch duy nhất kéo dài khoảng 2 tháng, từ tháng 6 – 7. Do vụ thu hoạch rơi vào đúng mùa nắng nóng cao điểm nên người trồng Sen phải dậy từ 4 giờ sáng, sau đó lội xuống đầm sâu ẩn mình trong những khóm sen. Vào buổi chiều công việc lại được tiếp tục từ 2 giờ chiều đến chiều tối.

Giữa cái nắng gắt của ngày hè tháng 7, những người trồng Sen xã Chuyên Ngoại mải miết thu hoạch đài sen cho kịp mùa vụ. Từ trên bờ nhìn xuống, giữa không gian mênh mông ấy, rất khó để nhìn thấy sự hối hả làm việc của những người nông dân. Theo chân những người trồng sen đi thu hoạch, rẽ những thân sen mọc khoảng 3m cao quá đầu người, tìm những cành sen đã gần như ngã gục xuống mặt đầm, ông Nguyễn Mạnh Hùng (xã Chuyên Ngoại) nhanh tay hái lấy đài Sen gần tầm tay. Tay kia ông thoăn thoắt bẻ lá gần đấy vừa để đánh dấu những chỗ thu hoạch rồi vừa để tránh... đi lạc giữa đầm sen rộng lớn.

Sen được bóc tách ngay sau khi thu hoạch

Sen được bóc tách ngay sau khi thu hoạch

Gạt vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự: “Nghề trồng sen vất vả nhất lúc thu hoạch. Đúng là làm một mùa ăn cả năm, có thể những tháng khác trong năm ăn chơi dông dài nhưng 2 tháng thu hoạch phải làm việc cả ngày đêm. Đặc thù của sen là ưa sống ở những vùng trũng, mỗi mùa thu hoạch người dân chúng tôi phải dầm mình cả ngày dưới bùn nước. Đầm Sen sâu, cây sen cao, thân cây sen có nhiều gai nên nên cần đồ bảo hộ cẩn thẩn trước khi xuống đầm và thật kiên nhẫn vì cắt đài sen tốn rất nhiều thời gian”.

Bên cạnh đồ bảo hộ, ông Hùng đẩy theo bên cạnh một chiếc thuyền nhôm để đựng Sen sau khi cắt. Trung bình để cắt đầy 1 thuyền như thế thường mất khoảng 1 tiếng nếu 2 người cùng cắt. Cứ đầy thuyền lại đẩy vào bờ, sau đó xuống đầm cắt tiếp những lượt tiếp theo, mỗi thuyền đầy có sản lượng khoảng 30-45kg. “Hái sen phải hoàn toàn thủ công, công việc vất vả nhưng khi thu hoạch được nhiều Sen, thu nhập tốt, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi”, ông Hùng chia sẻ.

Theo đó, với diện tích trồng sen khoảng 10 mẫu, trong 2 tháng cao điểm, gia đình ông Hùng thu hoạch được khoảng 5 tấn đài Sen các loại với doanh thu khoảng 200-300 triệu đồng. Sau vụ sen, người dân ở đây thường đi làm các việc khác như thợ xây, cấy lúa, nuôi cá…để kiếm thêm thu nhập.

Sen sau khi cắt được người dân chở từng bao tải đưa về nhà. Sen hái tới đâu bóc tách luôn tới đó để đảm bảo hạt luôn tươi. Quá trình bóc tách Sen được người dân chia làm 2 loại, loại hạt màu tím và trắng. Trung bình một ngày, một người có thể tách được gần 40 kg hạt. Lái buôn sau đó vào tận vườn để thu gom với giá từ 35.000-50.000 nghìn/kg.

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/lam-giau-nho-trong-sen-lay-hat-110720.html