Làm giàu trên quê hương
Ðến thăm mô hình sản xuất của đoàn viên Nguyễn Văn Ký, sinh năm 1986 ở tổ dân phố 9b, thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên), chúng tôi thấy được sự tâm huyết của anh qua việc chăm sóc vật nuôi, cây trồng.
Anh Ký dẫn chúng tôi thăm một vòng mô hình của gia đình. Trước mắt chúng tôi là mô hình sản xuất trồng trọt kết hợp chăn nuôi được bố trí theo hình thức xếp tầng. Tầng trên cùng là khoảng đồi rộng, anh dùng toàn bộ quỹ đất hơn 2,2 ha để trồng chè. Tiếp đến là khoảng đất bằng phẳng với diện tích hơn 2.000 m2 dưới chân đồi để làm kho chứa dụng cụ sản xuất, thức ăn chăn nuôi và nuôi gà thịt. Tầng dưới cùng là diện tích rau màu rộng hơn 1.000 m2.
Theo anh Ký, có được mô hình sản xuất như hôm nay là cả quá trình dày công gây dựng. Vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, anh từng mong muốn đổi đời bằng việc đi học nghề cơ khí, nhưng rồi, nghề không chọn người, thấy mình không phù hợp với ngành nghề này nên anh quyết định về quê lập nghiệp.
Sau khi lập gia đình, hai vợ chồng trẻ vất vả lập thân, lập nghiệp từ hai bàn tay trắng. Anh Ký cho biết: Hình thành mô hình kinh tế như hôm nay, hai vợ chồng đã không ít lần nảy sinh mâu thuẫn do bất đồng quan điểm. Khu vực nuôi gà thịt trước đây, gia đình đã từng nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, vì kinh nghiệm chăm sóc, phòng dịch còn hạn chế, trong khi giá cả thị trường bấp bênh nên việc chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vào năm 2017, gia đình thua lỗ hơn 100 triệu đồng.
Thua “keo” nuôi lợn, nhưng nhờ diện tích chè cho thu búp tươi ổn định và rau màu “cứu cánh”, gia đình anh Ký dần vượt qua khó khăn. Sau những thăng trầm, vất vả, hai vợ chồng anh bảo nhau đã muốn làm giàu từ nông nghiệp thì phải quyết tâm thực hiện đến cùng. Năm 2018, anh chuyển đổi từ việc nuôi lợn sang nuôi gà đẻ trứng, thu lãi hơn 40 triệu đồng mỗi năm. Từ năm 2019, anh Ký mở rộng quy mô đầu tư sang nuôi gà thịt. Để giúp việc chăn nuôi thuận lợi, trong nhà anh Ký luôn có nhiều sách, báo về chăn nuôi và tài liệu về kỹ thuật thú y. Đàn gà có quy mô hơn 1.000 con nhưng anh luôn nắm được biểu hiện dịch bệnh để kịp thời có biện pháp xử lý, tránh lây lan. Anh Ký còn bỏ nhiều thời gian mày mò, nghiên cứu và áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, kết hợp trồng rau theo hướng an toàn.
Theo anh Ký, trong chăn nuôi, quan trọng nhất là khâu vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng dịch bệnh. Nhờ chịu khó học hỏi, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, chăm sóc đàn gà cẩn thận và chủ động phòng dịch, lứa gà nào của gia đình anh cũng sinh trưởng tốt. Riêng năm 2019, anh Ký xuất ra thị trường hơn 2,2 tấn gà thịt, mang về nguồn thu nhập đáng kể. Bên cạnh đó, anh còn thu được hơn 12 tấn chè búp tươi và 0,5 tấn chè sao khô mỗi năm. Hằng tháng, diện tích rau màu cũng cho thu từ 4 đến 5 triệu đồng.
Mô hình kinh tế của anh Nguyễn Văn Ký cũng tạo việc làm theo thời vụ cho nhiều đoàn viên, thanh niên địa phương. Không chỉ làm giàu cho chính mình, anh Ký còn luôn cởi mở, giúp đỡ nhiều hộ và những đoàn viên, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. Anh đang có dự định xây dựng mô hình trồng rau công nghệ cao và nghiên cứu trồng dâu, nuôi tằm. Tin tưởng rằng, với những nỗ lực, anh Ký sẽ tiếp tục gặt hái được thành công trên con đường làm giàu.