Làm giàu từ nghề nông: Tại sao không?
Từng là hộ nghèo, với hai bàn tay trắng nhưng rất nhiều nông dân đã biến đất cằn 'nở hoa', biến làng quê mình sinh ra và lớn thành mảnh đất tiềm năng. Nhiều nông dân thu nhập tiền tỷ bằng nghề nông không còn là câu chuyện hiếm mà đã trở thành 'hiện tượng' lan tỏa ngày một nhiều trên dải hình chữ S.
Thu nhập tiền tỷ từ chăn nuôi
Là một trong số 100 gương mặt điển hình nông dân xuất sắc được tôn vinh năm 2023, chia sẻ về những thành quả mình có được anh Trịnh Văn Lực, ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) thật thà chia sẻ, tôi không nghĩ mình có được thành quả như ngày hôm nay và cũng không thể ngờ mình có thể đi lên bằng nghề thuần nông.
Kể về hành trình gây dựng từ một người chỉ có sổ hổ nghèo làm chỗ dựa thì nay anh đã sở hữu trang trại chăn nuôi lợn và mô hình trồng bưởi theo theo chuẩn sạch, an toàn anh Lực chia sẻ, trước để mưa sinh ngoài đồng ruộng được phân anh làm thêm nghề sửa xe nhưng thu nhập bấp bênh. Kinh tế vốn eo hẹp thì năm 2012 tai họa ập xuống khi con gái lớn của anh không may mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Một thời gian sau, mẹ anh cũng qua đời vì ung thư phổi. Nỗi đau mất người thân chưa nguôi ngoai thì anh Lực phát hiện bản thân mắc bệnh lao xương. Bệnh tật bủa vây khiến kinh tế gia đình anh Lực kiệt quệ, anh phải bán ngôi nhà ở phố, chuyển vào thôn sinh sống và có tên trong danh sách hộ nghèo của xã.
“Trong giai đoạn đó tôi tưởng mình không thể vượt qua, mất đi 2 người thân, bản thân bị bệnh lao xương. Ngày đó khái niệm về bệnh lao vẫn là một căn bệnh rất đáng sợ tôi tưởng như đã đi vào ngõ cụt. Để có tiền chữa bệnh gia đình, họ hàng đã phải chạy vạy khắp nơi may mắn được các bác sỹ tận tình cứu chữa, căn bệnh lao xương của tôi đã dần thuyên giảm. Tôi bắt đầu đi làm lại để làm và từ đây đã mở ra cho tôi một cuộc đời mới”, anh Lực kể.
Cơ hội đã thực sự đến với anh Lực trong một lần về huyện Văn Giang (Hưng Yên) thăm trang trại cây ăn quả của người bạn từng cùng điều trị, nhận thấy nghề ươm, cắt ghép cây giống cho nguồn thu nhập khá anh Lực đã quyết định học nghề này. Đúng dịp phong trào trồng bưởi nơi anh ở phát triển mạnh, nhu cầu về nguồn cây giống rất lớn. Không để tuột cơ hội, anh Lực liên hệ với Trung tâm Giống cây ăn quả ở Hưng Yên lấy giống để cung ứng cho bà con.
Những năm 2014 - 2015, phong trào trồng bưởi ở xã Xuân Vân phát triển mạnh, nhu cầu về nguồn cây giống rất lớn, không để lỡ cơ hội, anh Lực trở thành nguồn cung cấp cây bưởi giống cho người dân nơi đây. Từ tiền bán cây giống và vay mượn thêm, anh đầu tư mua 2,5 ha đất vườn đồi xây dựng mô hình kinh tế trang trại.
Ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi
Sau bao cố gắng, anh Lực cũng đã thu những trái ngọt đầu tiên. Bưởi được bón bằng phân hữu cơ giúp đất trở nên màu mỡ, những gốc bưởi da xanh lên tươi tốt đã bắt đầu cho quả. Không những thuần hóa, anh Lực còn tự tay nhân giống bưởi da xanh để cung ứng cho bà con. Hiện nay, trang trại của anh có 600 gốc bưởi da xanh. Thu nhập từ trồng bưởi da xanh đã giúp gia đình anh Lực có của ăn, của để, anh không những trả hết nợ nần mà còn có tiền đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn với quy mô 250 lợn nái và 1.200 lợn thịt.
Anh Lực cho biết, trang trại nuôi lợn của gia đình anh đang áp dụng công nghệ chuồng lạnh khép kín nên sức khỏe của đàn lợn luôn được đảm bảo, không xảy ra tình trạng dịch bệnh, đàn lợn sinh trưởng, phát triển nhanh. Với 250 con lợn nái, bình quân mỗi năm trang trại cùa anh cung ứng ra thị trường khoảng 4.000 con lợn giống và hơn 200 tấn lợn thịt. Tổng thu nhập đạt hơn 15 tỷ đồng/năm, trừ hết chi phí thu lãi trên 2 tỷ đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương bình quân 7,5 triệu đồng/tháng.
Câu chuyện thành công của anh nông dân Trịnh Văn Lực giờ không còn là câu chuyện hiếm. Câu lạc bộ nông dân có doanh thu từ chăn nuôi, trồng trọt tiền tỷ đã được nhân rộng ở các làng quê trong cả nước. Với cách làm sáng tạo, vận dụng kỹ thuật vào sản xuất nhiều nông dân đã biến những cây trồng, vật nuôi quen thuộc thành sản phẩm đặc trưng của làng, quê tạo nên giá trị kinh tế cho bản thân và giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều người dân tại quê nhà.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023 mặc dù được đánh giá là một năm rất khó khăn đối với nền kinh tế nước ta nói chung do tác động của đại dịch Covid-19 và các tác động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới, song hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đối với người nông dân vẫn vượt quá nhiều khó khăn, thách thức để đạt được nhiều kết quả khả quan.
Đánh giá về vai trò của nông dân trong thời kỳ hội nhập, trong thư ngỏ gửi các doanh nghiệp nông nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng khẳng định, rất tự hào về những người “Doanh nông”. “Cùng với các đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành và ở địa phương, các bạn đang tham gia dẫn dắt chuyển đổi nông nghiệp từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế. Cùng với hợp tác xã, bà con nông dân, các bạn đang tạo ra giá trị gia tăng cao cho nông sản Việt khi tham gia tích cực vào các chuỗi ngành hàng. Cùng với toàn ngành nông nghiệp, các bạn đang tiên phong tiếp cận tư duy nông nghiệp đa giá trị: hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, du lịch, công nghệ, số hóa,...”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-giau-tu-nghe-nong-tai-sao-khong-5741709.html