Làm giàu từ nuôi cá ở khe núi lòng hồ thủy điện

Ngăn nước khe núi lòng hồ thủy điện Sơn La để nuôi cá đem lại hiệu quả kinh tế cao, đó là cách làm giàu của lão nông Cầm Văn Rành, bản Lả Mường, xã Mường Trai (Mường La), khiến nhiều người thán phục, tới học hỏi.

Ông Cầm Văn Rành bên khu nuôi cá của gia đình.

Ông Cầm Văn Rành bên khu nuôi cá của gia đình.

Mùa này, lòng hồ nước trong xanh, rộng mênh mông gợn sóng. Tiếng thuyền máy vọng từ bờ sông bên kia sang, ông Rành điều khiển chiếc thuyền máy rẽ sóng sang đón chúng tôi về tham quan mô hình nuôi cá khá đặc biệt của gia đình. Sau 15 phút di chuyển trên sông, khe núi nơi ông lập nghiệp dần xuất hiện. Qua quan sát, khu vực nuôi cá của gia đình được căng bằng chiếc lưới ngang khe núi nối 2 bờ; lưới cao hơn mặt nước khoảng hơn 1m, tạo ra khoảng mặt nước rộng bên trong khe núi để nuôi cá. Chia sẻ về ý tưởng này, ông Rành kể: Từ khi lòng hồ thủy điện tích nước, thấy ở lòng hồ có khe núi nước ngập, với độ sâu vừa phải, nếu ngăn được thì rất thuận lợi cho việc nuôi cá. Để thực hiện ý tưởng, tôi đến hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái học cách làm của một số hộ dùng lưới ngăn hồ phát triển thủy sản. Năm 2015, qua nắm bắt mực nước lên xuống của mặt hồ thủy điện và độ sâu, gia đình đã xuống Nam Định đặt lưới ngăn với chiều cao 26 m và dài 90 m, trị giá 60 triệu đồng, lưới có khả năng chịu được môi trường nước và cả trên cạn, có độ bền hơn 10 năm; sau khi ngăn mặt nước, diện tích nuôi cá của gia đình rộng hơn 1 ha.

Với diện tích rộng, mỗi năm gia đình ông Rành đã đầu tư thả 1.000 con cá trắm cỏ có trọng lượng từ 1-2 kg. Do Nhà máy thủy điện Sơn La điều tiết mực nước, mất khoảng 2-3 tháng nước trong năm rút xuống thấp phải chuyển cá sang nuôi lồng, với cách làm như vậy, sau khi nuôi 2-3 năm, mỗi con cá đã đạt trọng lượng từ 7-9 kg/con. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Rành xuất bán từ 3-4 tấn cá thương phẩm. Vì cá nuôi theo cách truyền thống, cho cá ăn cỏ, lá sắn, cây chuối thái nhỏ lại sống trong môi trường nước tự nhiên, có không gian rộng di chuyển, nên thịt cá săn chắc, thơm ngon được các nhà hàng và khách hàng trên địa bàn xã, huyện thường xuyên đặt mua với giá từ 100.000 -120.000 đồng/kg. Bên cạnh nuôi cá trắm cỏ, gia đình ông còn thả thêm cá chép, trôi, rô phi cho thu hoạch 5 tạ/năm, bán với giá trung bình 60.000 đồng/kg, hằng năm tiền bán cá gia đình thu được khoảng 300 triệu đồng.

Nói về việc phát triển thủy sản của xã, ông Lèo Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Mường Trai cho biết: Tận dụng mặt nước lòng hồ thủy điện, toàn xã có 264 lồng nuôi cá, với sản lượng hằng năm đạt gần 100 tấn cá các loại, góp phần phát triển kinh tế đáng kể cho các hộ dân. Tuy nhiên, để nuôi cá lồng bà con phải bỏ ra số vốn lớn để đầu tư làm lồng, trung bình một lồng cá nuôi được 5 tạ cá/năm cũng phải bỏ số vốn khoảng 30 triệu đồng. Việc ngăn khe hồ để nuôi cá của gia đình ông Rành không những giảm chi phí đầu tư mà còn nâng cao chất lượng cá thương phẩm...

Lò Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/lam-giau-tu-nuoi-ca-o-khe-nui-long-ho-thuy-dien-35095