Làm kinh tế từ kinh doanh nhượng quyền thương mại

Nhận nhượng quyền là được phép sử dụng hình ảnh một thương hiệu có sẵn đã và đang thành công, nhà đầu tư chỉ tập trung vào việc điều hành hoạt động kinh doanh. Còn lại mô hình kinh doanh, cách thức vận hành, chiến lược marketing sẽ do bên nhượng quyền đảm nhiệm và chuyển giao. Kinh doanh nhượng quyền có nhiều lợi ích như ít rủi ro, xác định chính xác vốn đầu tư, đảm bảo nguyên liệu và chi phí đầu vào… Vì vậy, đây là một trong các giải pháp an toàn cho những người lần đầu tiên kinh doanh.

Chị Trần Thị Mỹ Linh đang hỗ trợ một quầy bánh mì Kebab trong ngày khai trương tại TP. Đồng Xoài

Khởi nghiệp… “an toàn”

Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Phạm Dũng Sỹ (SN1993) và chị Trần Thị Mỹ Linh (SN1997), trú thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh vẫn không làm giàu được từ kinh tế vườn, rẫy. Vì vậy, anh Sỹ chuyển hướng sang kinh doanh. Ban đầu, vợ chồng anh nhượng quyền thương hiệu Gà rán Five Star và mở cửa hàng mỹ phẩm kinh doanh. Tuy nhiên, sau một thời gian, vợ chồng anh vẫn không hài lòng với sự thay đổi này. Một lần tình cờ nhìn thấy thương hiệu bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ - Kebab Torki trên mạng, anh Sỹ tìm hiểu kỹ và quyết định nhận nhượng quyền thương mại thương hiệu này. Thời điểm đó (năm 2017), bánh mì Kebab Torki chưa xuất hiện tại Bình Phước. Anh Sỹ cho biết: Lúc mới ăn bánh mì Kebab Torki, tôi thấy lạ, vì bánh có sự pha trộn giữa bánh mì sandwich và bánh mì truyền thống. Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ có hình tam giác, vị đặc trưng ở nước sốt trắng và thịt nướng. Chính sự khác biệt này đã khiến bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng “đánh bật” bánh mì truyền thống, giành được thị phần và phát triển chuỗi cửa hàng mạnh mẽ ra khắp các huyện, thị xã trong toàn tỉnh.

Chỉ sau 2 năm có mặt, hiện các cửa hàng bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ đã có mặt ở 8/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ngoài trực tiếp nhận nhượng quyền 2 cửa hàng, anh Sỹ còn quản lý chuỗi 11 cửa hàng nhượng quyền của Kebab đã có mặt tại Lộc Ninh, Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đốp, Phước Long, Phú Riềng, Đồng Xoài. Trung bình mỗi cửa hàng bán một ngày 200 bánh, đặc biệt có 1 quầy Kebab tại thị xã Phước Long bán mỗi ngày 300 bánh. Anh Sỹ chia sẻ: Nếu mỗi quầy người bán bánh đều có kỹ thuật thái thịt, gắp thịt, rắc sốt đều tay, đủ lượng… thì lợi nhuận sẽ cao hơn. Với phí nhượng quyền 65 triệu đồng/quầy, mỗi cửa hàng chỉ cần kinh doanh trung bình 4 tháng là có thể lấy lại vốn. Vì vậy, việc phát triển chuỗi cửa hàng trên địa bàn tỉnh không quá khó khăn vì chủ yếu nhà đầu tư tự tìm đến.

Thành công với bánh mì

Cái duyên hợp tác với thương hiệu bánh mì Kebab không chỉ đem lại cho vợ chồng anh Sỹ thành công trong kinh doanh, mà còn giúp nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình. Anh Nguyễn Văn Hải (SN1998) là chủ cửa hàng bánh mì Kebab tại thị xã Bình Long. Khi đến với Kebab, anh Hải là quân nhân vừa xuất ngũ, gia đình mới trải qua biến cố bởi ba anh, trụ cột chính của gia đình qua đời. Sau nhiều loay hoay tìm cách phát triển kinh tế, anh Hải đã nhận nhượng quyền thương mại thương hiệu bánh mì Kebab. Hiện quầy bánh mì của anh mỗi ngày bán trung bình 200 bánh, kinh doanh ổn định đã giúp anh tự tin hơn rất nhiều.

Hay trường hợp của anh Nguyễn Bình Lợi, chủ cửa hàng Kebab tại thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản. Trước khi nhận nhượng quyền, anh Lợi không được gia đình ủng hộ, bởi cho rằng kinh doanh nhượng quyền thương mại không bền vững. Gia đình định hướng cho anh Lợi học nghề để ổn định tương lai. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, anh Lợi quyết tâm nhượng quyền thương hiệu Kebab. Kinh doanh ổn định trong thời gian qua đã khiến gia đình anh Lợi hiểu thêm về kinh doanh nhượng quyền thương mại và giúp anh ổn định cuộc sống.

Còn câu chuyện của chị Nguyễn Thị Phương Trang, chủ cửa hàng Kebab ở thị xã Phước Long lại có nhiều thú vị. Chị Trang cho biết, chị có duyên với thương hiệu bánh Kebab trong đợt dịch Covid-19 đầu năm 2020. “Tôi là giáo viên mầm non, chồng làm nghề giao hàng nên trong đợt dịch nguồn thu rất hạn chế. Nghe người khác giới thiệu, đồng thời tìm hiểu tôi quyết định đầu tư nhận nhượng quyền thương mại vì thấy phù hợp. Trong quá trình kinh doanh có nhiều thuận lợi đã cho tôi thêm niềm tin vào sản phẩm và thương hiệu. Từ đó vợ chồng tôi chuyển hẳn sang kinh doanh nhượng quyền và hiện đã mở thêm cửa hàng thứ 2” - chị Trang nói.

Kinh doanh ổn định và phát triển 11 cửa hàng nhượng quyền Kebab trong vòng hơn 2 năm tại Bình Phước là thành công không nhỏ của vợ chồng anh Phạm Dũng Sỹ nói riêng và các chủ cửa hàng nhượng quyền nói chung. Điều đó cho thấy, nhượng quyền thương mại ở Bình Phước hiện là mô hình kinh doanh không mới nhưng đầy triển vọng. So với các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh ngay từ ban đầu, khi nhượng quyền thương mại thì doanh nghiệp nhượng quyền đã có thương hiệu, khách hàng tiềm năng và mô hình kinh doanh đã thành công. Nhờ đó nhà đầu tư tự tin trong kinh doanh và đảm bảo thành công cao. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro trong kinh doanh nhượng quyền, 2 bên cần tìm hiểu kỹ về nhau trước khi hợp tác.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/lam-kinh-te-tu-kinh-doanh-nhuong-quyen-thuong-mai-581711