Làm lớn, đạt chuẩn để vào thị trường lớn

Hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước cũng đã chính thức có hiệu lực, cơ hội để các mặt hàng nông, thủy sản bứt tốc xâm nhập vào những thị trường lớn đang ngày một rõ ràng hơn. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tốt cơ hội từ FTA mang lại, các mặt hàng nông, thủy sản phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định của những thị trường này.

Hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các nước cũng đã chính thức có hiệu lực, cơ hội để các mặt hàng nông, thủy sản bứt tốc xâm nhập vào những thị trường lớn đang ngày một rõ ràng hơn. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tốt cơ hội từ FTA mang lại, các mặt hàng nông, thủy sản phải đạt các tiêu chuẩn theo quy định của những thị trường này.

Nhờ tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác, nhà vườn Kế Sách đã có được hợp đồng tiêu thụ ổn định với mức giá tốt.

Nhờ tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác, nhà vườn Kế Sách đã có được hợp đồng tiêu thụ ổn định với mức giá tốt.

Chỉ mới có hiệu lực trong 4 tháng cuối năm, nhưng EVFTA đã tạo nên một cú hích quan trọng làm gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng nông, thủy sản. Đơn cử như mặt hàng gạo, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, một số doanh nghiệp đã có những chuyến hàng đầu tiên cập cảng EU với mức giá lên đến cả ngàn đô la Mỹ cho mỗi tấn gạo thơm. Hay như con tôm, sau những tháng giảm sút mạnh tại thị trường EU vì dịch Covid-19 cũng bắt đầu tăng trở lại ở thị trường này từ cuối quý III-2020. Không chỉ có EVFTA, mà các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương khác giữa Việt Nam và các nước sau khi có hiệu lực đều nhanh chóng phát huy hiệu quả tích cực cho xuất khẩu nông, thủy sản.

Cơ hội đang mở ra rất lớn cho các mặt hàng nông, thủy sản của cả nước nói chung và Sóc Trăng nói riêng, nhất là các mặt hàng có nhiều lợi thế như: lúa gạo, tôm, trái cây… Tuy nhiên, nếu nhìn trên diện rộng, việc tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản vẫn còn không ít khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu đến từ việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và không theo một tiêu chuẩn nào. Do đó, muốn tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản được tốt kể cả trong nước lẫn xuất khẩu, sản xuất phải đủ lớn, cùng một quy trình để đồng nhất về mặt chất lượng, đủ lớn về mặt sản lượng và đạt một trong các tiêu chuẩn trong nước hoặc quốc tế.

Sau thời gian lận đận, hành tím Vĩnh Châu đã tìm được thị trường tiêu thụ nhờ áp dụng quy trình sản xuất đạt chuẩn trong nước và thế giới.

Sau thời gian lận đận, hành tím Vĩnh Châu đã tìm được thị trường tiêu thụ nhờ áp dụng quy trình sản xuất đạt chuẩn trong nước và thế giới.

Để có một vùng sản xuất tập trung mang tính hàng hóa cao trong điều kiện đất đai nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, việc quy hoạch vùng sản xuất phải đi kèm với việc tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác theo mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới đã và đang được Chính phủ khuyến khích thực hiện. Thực tế trong những năm gần đây cho thấy, các HTX kiểu mới của tỉnh hoạt động theo Luật HTX năm 2017 đều mang lại hiệu quả cao hơn so với hộ sản xuất nhỏ lẻ. Các HTX nuôi tôm sau khi khởi đầu với tiêu chuẩn VietGAP nay đều đã tiến lên một tiêu chuẩn cao hơn là ASC, như: HTX Toàn Thắng (TX. Vĩnh Châu), HTX Nông ngư 14/10 (Hòa Tú I), HTX Hưng Phú (Cù Lao Dung)… giúp cho con tôm Sóc Trăng xâm nhập thị trường châu Âu ngày một tốt hơn, giá trị ngày một cao hơn.

Không chỉ có con tôm mà một số loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh như: bưởi da xanh, vú sữa, nhãn, xoài… thông qua con đường hợp tác và sản xuất theo chuẩn đã được các doanh nghiệp tìm đến ký kết hợp đồng tiêu thụ để xuất khẩu đi các nước. Lúa gạo Sóc Trăng, đặc biệt là các giống lúa ST24, ST25 hiện được rất nhiều thị trường nước ngoài ưa chuộng không chỉ nhờ tiếng tăm qua các cuộc thi quốc tế, mà cái chính là ở chất lượng, mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày một nâng lên thông qua việc sản xuất và đạt các chứng nhận trong nước và quốc tế, như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… Ngay cả như sản phẩm hành tím Vĩnh Châu sau thời gian lận đận ở khâu tiêu thụ, nhờ chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP gắn với việc tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác, việc tiêu thụ trong mấy năm gần đây bắt đầu khởi sắc trở lại.

Thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực của tỉnh là rất lớn, ngay cả trong điều kiện kinh tế thế giới năm 2020 suy giảm vì dịch Covid-19 thì xuất khẩu gạo và tôm của tỉnh vẫn có sự tăng trưởng ở mức 2 con số. Và nói như ông Trần Văn Phẩm – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng thì dù có dịch hay không có dịch, kinh tế có tăng hay giảm thì người ta vẫn phải ăn, nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn có cơ hội tiêu thụ tốt nếu chúng ta biết tìm ra hướng đi đúng, phù hợp với từng điều kiện, thời điểm cụ thể và nhất là phải đáp ứng các yêu cầu về mặt chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của họ.

Sản xuất mang tính hàng hóa và theo tiêu chuẩn (trong nước và thế giới) không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu bắt buộc, nếu muốn sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi, có giá cả tốt. Và để làm được điều này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu, chúng ta phải làm sao thay đổi được tư duy sản xuất của người nông dân, phải hướng họ đến với khoa học công nghệ và tạo điều kiện thuận lợi để họ được tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Có như thế, chúng ta mới hình thành được những vùng sản xuất tập trung mang tính hàng hóa đủ lớn về sản lượng, đồng nhất về chất lượng, an toàn về vệ sinh thực phẩm và đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/lam-lon-dat-chuan-de-vao-thi-truong-lon-44575.html