Làm 'lồng son' cho cây cảnh, dân Bến Tre thu bộn tiền dịp Tết
Nếu 'con chim quý phải ở lồng son', thì người chơi cây cảnh xem cái chậu cũng là 'lồng son' cho cây cảnh. Khai thác tâm lý này, người thợ làm chậu cảnh ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã thu tiền triệu mỗi ngày vào dịp Tết.
Những ngày này về xã Vĩnh Thạnh (huyện chợ Lách, tỉnh Bến Tre) mới thấy nghề làm chậu cảnh tất bật ra sao. Những người thợ tại đây cho biết, phải làm chậu cảnh từ sáng đến tối mịt mới kịp giao hàng cho các nhà vườn chuẩn bị bán cây cảnh dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Làm chậu cảnh thu tiền triệu dịp Tết
"Hổm rày, nhiều nhà vườn đã đặt làm chậu cảnh với số lượng khá nhiều. Cơ sở đang chạy nước rút để kịp giao chậu cho nhà vườn để họ vô cây bán dịp Tết", chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, chủ cơ sở sản xuất chậu kiểng Bến Tre (xã Vĩnh Thạnh huyện chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết.
Ông Huỳnh Văn Thảo, người làm chậu cảnh tại cơ sở sản xuất chậu kiểng Bến Tre chia sẻ, nghề này làm suốt quanh năm, nhưng vào dịp Tết là mùa làm ăn sôi nổi nhất, ra Giêng chỉ làm bán lai rai.
"Nếu ngày thường cơ sở làm 70 cái chậu loại lớn, thì dịp Tết nhân công phải làm tăng gấp đôi số lượng. Thu nhập bằng cái nghề làm chậu cảnh sống tốt", ông Thảo thổ lộ.
Anh Lê Thanh Hiệp, chủ cơ sở chậu cảnh Hiệp Lê (xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), cũng cho biết, trung bình ngày thường cở sở anh làm khoảng 40 chậu kiểng, thì những này gần Tết, số lượng chậu phải làm tăng lên gần 100 chậu. Để đáp ứng số lượng chậu khách đặt hàng, anh Hiệp phải thuê thêm nhân công làm chậu cảnh.
"Khách hối làm gấp nên tôi phải thuê thêm 5-7 người phụ", anh Hiệp cho biết.
Tại cơ sở làm chậu cảnh Hiệp Lê, không chỉ làm chậu cảnh đại trà, mà còn nhận làm những cậu cảnh theo đơn đặt hàng.
Theo nhiều chủ cơ sở làm chậu cảnh, năm nay giá chậu cảnh không thay đổi so với các dịp Tết khác. Giá chậu cảnh từ vài chục cho đến vài triệu đồng tùy theo kích cỡ và chậu đặt hay chậu thường.
Tuy nhiên, dự báo thị trường làm chậu cảnh vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 sẽ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều nhà vườn dè dặt làm cây cảnh bán, dẫn đến mua chậu ít hơn để vô cây cảnh bán. Năm nay, nhà vườn không đặt làm chậu cảnh sớm, mà chờ gần Tết xem nhu cầu mua cây cảnh thế nào mới đặt làm chậu.
"Năm nay, làm chậu cảnh bán được nhưng chậm. Thực tế, dịch Covid-19 rồi kinh tế khủng hoảng khiến người chơi hoa cảnh ít mua, người làm cây cảnh bán chậm, nên số lượng nhà vườn đặt làm chậu cũng ít đi", chị Oanh bộc bạch.
Làm chậu cảnh phải khéo tay
Lâu nay, ông bà thường ví von "con chim quý phải ở lồng son", người chơi cây cảnh cũng xem cái chậu và cái đôn là một phần vô cùng quan trọng để nâng cao cái đẹp và giá trị của cây cảnh.
Chính vì vậy, theo ông Thảo, làm chậu cảnh là cái nghề đòi hỏi người thợ phải có đôi tay khéo léo và tính thẩm mỹ cao từ đúc khuôn, tạo hình, vẽ chỉ, họa tiết, hoa văn, màu sắc để sản phẩm hài hòa... nhằm tôn thêm giá trị cây cảnh.
Trước kia, chậu cảnh được làm bằng tay với nguyên liệu xi măng và cát, tính thẩm mỹ chưa cao, nhưng nay thị trường chậu cảnh nghệ thuật phát triển được đúc, gia cố sắt để chịu lực, với những đường nét nghệ thuật, tinh tế trong việc trang trí, phối cảnh những tác phẩm sinh vật cảnh.
Vào dịp giáp Tết, khi nhu cầu chơi cây cảnh đón xuân, hay vào khoảng tháng 2-4, thời tiết ấm áp, các nhà vườn cây cảnh nghệ thuật, bonsai bắt đầu bước vào đợt chăm sóc cây cảnh cuối cùng. Các cơ sở làm chậu cảnh cũng bắt đầu chuẩn bị làm chậu cảnh, bán cho nhà vườn và các vựa bán lẻ, người chơi cây cảnh.
Theo anh Hiệp, nhu cầu chơi cây cảnh, cây bonsai ngày càng đòi hỏi những sản phẩm chậu cảnh nghệ thuật đa dạng về chủng loại, mẫu mã với nhiều loại chậu, như chậu in chữ phúc, lộc, thọ, hỷ; chậu mi ni, bầu dục… với những đường nét hết sức mềm mại, đẹp mắt. Nhiều loại chậu có kích thước to cao 1m, rộng 2m... tùy theo thị hiếu của khách hàng.
"Cho dù làm chậu cảnh bằng khuôn hay bằng tay thì cách pha tráng màu phải chuẩn để màu sắc không phai, bền đẹp, nước sơn không tróc, ố, đặc biệt phù hợp với phong thủy nhà cửa của khách đặt hàng", ông Thảo chia sẻ.