Làm mẹ ở tuổi teen

Vai trò của cha mẹ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp điều kiện vật chất mà còn là người bạn đồng hành, người hướng dẫn tin cậy trong hành trình trưởng thành của con

Hơn tuần nay, N.K.H (14 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) khó thở, ói mửa liên tục. Nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa, mẹ H. đưa con đến bệnh viện khám. Thăm khám tổng quát rồi siêu âm, bác sĩ phát hiện H. mang thai được 2 tháng.

Hối hận vì yêu sớm

"Do vợ chồng tôi đều bận nên con tự đi học bằng xe điện. Thấy đi về đúng giờ, cuối tuần cũng ít đi chơi, ngờ đâu giờ lại mang thai. Bác sĩ xem lại giùm có nhầm lẫn gì không?" - mẹ H. run run nói. Cầm trên tay phiếu chuyển bệnh qua khoa sản, bà ngồi sụp xuống ôm mặt khóc. H. sững sờ, hết nhìn mẹ đến nhìn bác sĩ.

8 năm trước, đang là học sinh lớp 11, M.C (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi biết mình mang thai. Ba mẹ ly hôn khi M.C mới 7 tuổi. Ai cũng đều có gia đình riêng, ít quan tâm đến M.C dù cô sống cùng mẹ.

"Lần duy nhất trót dại với bạn trai, tôi mang thai. Người yêu đang học đại học cũng chẳng biết gì hơn, hoảng loạn như tôi" - M.C nhớ lại. M.C nghỉ học 1 năm khi thai được 5 tháng. M.C về nhà chồng nhưng không đăng ký kết hôn do chưa đủ tuổi.

Năm sau, M.C quay trở lại trường để hoàn thành chương trình THPT. 5 giờ sáng, bà mẹ trẻ đã phải thức dậy thay tã, pha sữa, nấu ăn cho con, nhờ chồng hoặc bà nội trông cháu để đến trường. Cực nhất là những hôm con ốm, M.C thức trắng đêm.

Tuy nhiên với M.C, quyết định trở lại trường mới là áp lực lớn nhất. "Thầy cô, bạn bè và những người xung quanh nhìn tôi với ánh mắt rất khác. Họ xì xào sau lưng, khó chịu lắm. Tôi hối hận vì đã yêu sớm và không giữ được mình. Một thời gian dài, tôi phải điều trị bệnh trầm cảm" - M.C kể lại.

Mang thai khi mới 16 tuổi, Q.A (29 tuổi, tỉnh Bình Định) chia sẻ từng nhiều lần nghĩ đến việc tự tử, nhất là khi bạn trai phủi bỏ trách nhiệm, còn ba mẹ đau khổ, khóc hết nước mắt vì mình.

"Tôi là con một, ba mẹ rất cưng chiều. Tôi chỉ cần học mà không cần lo lắng gì. Khi biết tôi lỡ dại, ba mẹ rất sốc, một thời gian dài, tôi chỉ nhìn thấy gương mặt và những giọt nước mắt đau buồn của họ" Q.A kể.

Hàng xóm, bà con hỏi thăm nhưng với Q.A là một cực hình khi phải trả lời. Cảm giác xấu hổ, bí bách vì cứ như bị soi mói, mỉa mai. May mà cuối cùng ba mẹ thấu hiểu, thương yêu, cùng Q.A vượt qua giai đoạn khó khăn này. Giờ thì bé Gấu là niềm vui của ông bà, sự an ủi đối với Q.A.

"Nhưng không thể phủ nhận có người mẹ "trẻ con", bé chịu nhiều thiệt thòi. Không có cha đã đành, mẹ trẻ con nên nhiều khi… vô trách nhiệm. Có lúc mải xem phim hoặc nghe điện thoại quên cho con ăn. Có lần con ốm, ba mẹ tôi về quê, tôi cho con uống cả viên sủi của người lớn. Con quấy khóc, tôi bực mình, lớn tiếng quát mắng… Nghĩ lại khoảng thời gian đó, tôi thấy mình quá dại dột" - Q.A tâm sự.

Minh họa AI: Vy Thư

Minh họa AI: Vy Thư

Cởi mở và thấu hiểu

Những câu chuyện trên chỉ nằm trong số nhiều trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên đang xảy ra mỗi ngày.

Theo chuyên viên tâm lý Trần Trung Kiên, dậy thì sớm, thiếu kiến thức về giáo dục giới tính, kỹ năng quản lý cảm xúc kém là những nguyên nhân dẫn đến quan hệ tình dục sớm và mang thai ở tuổi vị thành niên.

Chưa bàn đến vấn đề trẻ em gái ở tuổi vị thành niên chưa phát triển hoàn chỉnh để chịu đựng quá trình mang thai và sinh nở cũng như dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, tâm lý; việc mang thai khi còn đi học khiến nhiều cô gái trẻ mất đi cơ hội tiếp tục học tập và phát triển sự nghiệp. Những ước mơ và hoài bão phải gác lại, thay vào đó phải gánh vác trách nhiệm làm mẹ, nuôi dưỡng và chăm sóc con.

"Bạn gái tuổi teen mang thai thường phải chịu đựng áp lực tâm lý rất lớn từ phía gia đình, bạn bè và xã hội. Cảm giác bị cô lập, xấu hổ và mặc cảm có thể dẫn đến trầm cảm, tự ti, có thể gây ra những tác động tâm lý tiêu cực, thậm chí là các hành vi tự hại, ảnh hưởng đến khả năng phát triển cá nhân trong tương lai" - ông Trần Trung Kiên nói.

Cũng theo ông Trần Trung Kiên, khi sự việc không mong muốn xảy ra, các bạn gái trẻ cần học cách chấp nhận, chia sẻ với người mình tin tưởng để giải tỏa tâm lý. Đừng quên sự trợ giúp của cha mẹ hoặc người thân, bạn bè và phải nỗ lực gấp bội lần để có tương lai tốt hơn.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, chia sẻ sự quan tâm và giáo dục từ gia đình là vô cùng quan trọng. Cha mẹ cần thường xuyên lắng nghe, chia sẻ và hướng dẫn con cái về giới tính, tình yêu và trách nhiệm. Đặc biệt, cần xây dựng mối quan hệ tin tưởng để các em có thể mở lòng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.

"Phòng hơn chống, cha mẹ cần tạo điều kiện để con có thể chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Sự cởi mở và thấu hiểu từ phía cha mẹ sẽ giúp các em cảm thấy an toàn và được bảo vệ.

Đặc biệt, đừng lo lắng dạy con về giới tính là "vẽ đường cho hươu chạy", ngược lại cần thực hiện càng sớm càng tốt, giúp trẻ biết cách phòng chống xâm hại, bảo vệ chính mình và ứng xử văn minh, phù hợp với bạn bè khác giới.

Trường hợp con đã mang thai, cha mẹ nên tư vấn tận tình và tế nhị về những lựa chọn nên phá thai hay sinh nở. Nếu thật sự hết cách, có thể nhờ các trung tâm tư vấn tâm lý cho trẻ em và thanh thiếu niên" - bà Nguyễn Thị Phương Trang lưu ý.

Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Phương Trang, cha mẹ cần khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống để các em có thể tự bảo vệ mình, tránh xa những cám dỗ không lành mạnh.

Các chương trình giáo dục giới tính cần được triển khai mạnh mẽ và rộng rãi trong hệ thống giáo dục. Các em cần được trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, biện pháp tránh thai và kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm.

Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-me-o-tuoi-teen-196240706203659219.htm