Làm mềm các vấn đề chính luận trên báo Đảng địa phương

BPO - Tuyên truyền về Đảng và công tác xây dựng Đảng (XDĐ) chính là “đường dẫn” đưa nghị quyết của Đảng vào đời sống, biến đường lối, quyết sách của Đảng thành ý chí, quyết tâm của quần chúng nhân dân. Với chức năng, vai trò đặc biệt quan trọng, báo chí cách mạng, trong đó có hệ thống báo Đảng địa phương đã trở thành vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước, luôn đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước và dân tộc. Hiện nay, trước yêu cầu của thực tiễn về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, XDĐ về đạo đức trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách của công tác xây dựng Đảng. Theo đó, tuyên truyền XDĐ về đạo đức là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống báo Đảng, trong đó có báo địa phương. Thông qua việc tuyên truyền để góp phần giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Thuận lợi và khó khăn của báo địa phương

Lợi thế mang tính khách quan của báo địa phương là các nhà báo dễ thiết lập được mối quan hệ thân thiết, gần gũi với cơ sở. Ban Biên tập và phóng viên nắm chắc địa bàn nên sớm phát hiện các vấn đề đặt ra về công tác xây dựng đảng. Lợi thế nữa là báo địa phương gần các cơ quan kiểm duyệt, quản lý như Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông nên mọi biểu hiện chệch hướng trong thông tin, tuyên truyền luôn kịp thời được chấn chỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi, báo Đảng địa phương cũng có nhiều cái khó.

Ai cũng biết yếu tố sống còn của mỗi cơ quan báo chí là lượng độc giả. Muốn độc giả tìm đến mình, bên cạnh việc chuyển tải được những vấn đề quan trọng, có tác động đến số đông công chúng, phải kịp thời cung cấp những thông tin về các vấn đề, vụ việc nổi cộm trên địa bàn. Thế nhưng trong thực tế, có vụ việc, vấn đề diễn ra trên địa bàn tỉnh, báo Trung ương, báo ngành và mạng xã hội “mổ xẻ” đã lâu mà báo tỉnh vẫn chỉ đưa thông tin dè dặt. Không phải vì các phóng viên báo địa phương không nắm được tình hình, mà đôi khi vì những lý do “tế nhị”. Sự dè dặt không chỉ ở phóng viên mà cả ở người lãnh đạo, quản lý cơ quan báo địa phương với tư cách “người nhà”, “ăn cây nào rào cây ấy”. Chờ đến khi cơ quan chức năng xử lý xong vụ việc và công khai bằng mẩu tin nhỏ thì bạn đọc không quan tâm nữa!

Bạn đọc luôn muốn được cung cấp thông tin và thỏa mãn cảm xúc, nhưng khi đưa thông tin về các vấn đề, vụ việc, báo địa phương luôn phải cân đối liều lượng và mức độ thông tin để tạo hiệu ứng tích cực chứ không thể đặt tít thật kêu và đẩy vấn đề lên như khi viết cho báo ngành, báo Trung ương. Bên cạnh đó, sự đãi ngộ của báo địa phương thường thấp hơn báo Trung ương, báo ngành nên khó giữ chân những người làm báo thực tài. Khó khăn nữa là mối quan hệ, sự trao đổi thông tin giữa các ban xây dựng đảng từ cấp tỉnh tới cấp huyện với báo tỉnh lỏng lẻo. Các lĩnh vực kiểm tra hay tổ chức xây dựng Đảng được xem như vấn đề “húy kỵ”, rất khó tiếp cận. Những thông tin được cung cấp tại các hội nghị về công tác xây dựng đảng khó sử dụng; trong khi những thông tin đắt giá, có thể khai thác thành những loạt bài lại không được công khai.

Bí thư Đảng ủy phường Tân Phú trả lời ý kiến người dân tại buổi sinh hoạt “Ngày thứ Bảy về với khu dân cư, lắng nghe dân nói”, tháng 4-2024

Bí thư Đảng ủy phường Tân Phú trả lời ý kiến người dân tại buổi sinh hoạt “Ngày thứ Bảy về với khu dân cư, lắng nghe dân nói”, tháng 4-2024

Người dân khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú tham vấn với lãnh đạo phường Tân Phú (TP.Đồng Xoài) tại buổi sinh hoạt “Ngày thứ Bảy về với khu dân cư, lắng nghe dân nói”

Người dân khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú tham vấn với lãnh đạo phường Tân Phú (TP.Đồng Xoài) tại buổi sinh hoạt “Ngày thứ Bảy về với khu dân cư, lắng nghe dân nói”

Hiện nay, mỗi tờ báo Đảng địa phương đều có rất nhiều chuyên mục về XDĐ. Và dường như các cơ quan quản lý báo chí địa phương thấy yên tâm hơn khi báo, đài trong tỉnh có thêm nhiều chuyên mục XDĐ. Tuy nhiên, việc xây dựng nhiều chuyên mục mang tính chính trị, khoa giáo lại giống như con dao hai lưỡi, bởi càng tập trung đưa những vấn đề chính trị theo cách truyền thống lâu nay, báo địa phương càng khó đến với bạn đọc. Và thực tế là rất ít - nếu không muốn nói là không có tờ báo Đảng địa phương nào “sống” được trên các sạp báo như một thứ hàng hóa!

Làm mềm các vấn đề chính luận

Làm báo địa phương từ ngày đầu vào cơ quan Nhà nước cho tới lúc nghỉ hưu, tôi nhận thấy rằng, nội dung thông tin của các chuyên mục XDĐ trên báo địa phương thường nặng tính chính trị, khô khan. Hầu hết các bài viết chỉ là thông tin việc triển khai nghị quyết của Đảng; giới thiệu thành tích của địa phương, đơn vị, cá nhân điển hình, nặng về số liệu, nhiều khi lên gân lên cốt và cố đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào bài một cách gò ép, khiên cưỡng. Nhiều bạn đọc nhận xét, những bài viết ấy chỉ dành cho cán bộ lãnh đạo địa phương, đơn vị được nêu gương và người làm công tác Đảng đọc. Có người còn nói một cách hình ảnh rằng, báo Đảng địa phương đều là “những đứa con ngoan”! Nếu cứ chấp nhận cách làm báo “an toàn”, nói một chiều, có phê bình thì cũng chung chung, nhẹ nhàng theo kiểu “một số đơn vị…”, “có những cán bộ, đảng viên”… để không ảnh hưởng đến cá nhân, đơn vị, địa phương nào, thì chính nhà báo, chính tòa soạn báo đang tự đẩy tờ báo của mình ra xa bạn đọc.

Hơn 30 năm làm báo Đảng địa phương, bản thân tôi đã rất nhiều lần khổ sở vì không tìm được đề tài, không tìm ra cách thể hiện để những bài viết XDĐ bớt khô khan, cứng nhắc. Từ khi nghỉ hưu, được BPTV mời cộng tác, viết bài cho các chuyên mục chính luận như “Góc nhìn thẳng”, “Thời luận”, tôi đã cố tìm cách thể hiện mới mẻ hơn, để các bài XDĐ, trong đó có XDĐ về đạo đức trở nên dễ đọc, dễ cảm chứ không chỉ “nâng cao tính chiến đấu” như trước.

Như tất cả bạn đọc, khi cầm tờ báo trên tay, tôi thường lướt qua những tin, bài với dòng tít dài thòng và những từ ngữ loảng xoảng để tìm những dòng tít giản dị và có tính gợi mở, bởi chính những dòng tít giản dị ấy luôn gây cảm xúc và “định hướng” cho mình khi đọc bài. Với tôi, đặt được tít là coi như bài đã xong quá nửa. Tôi luôn tâm niệm: XDĐ về đạo đức, không có nghĩa lúc nào cũng chỉ nói về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và sự chấp hành của tổ chức Đảng. Tuyên truyền XDĐ về đạo đức là phải vừa xây vừa chống và không nói một chiều. Theo cách đó, tôi đã viết cho chuyên mục Thời luận và Góc nhìn thẳng những bài với cái tít có sức gợi như: “Bệnh háo danh”, “Thói đời dậu đổ bìm leo”, “Ở bển mới về”, “Trên diễn đàn và trong thực tế”… Từ chỗ chỉ viết một giọng chính luận, tôi dần chuyển sang viết dạng tiểu phẩm hoặc bình luận, có pha chút văn chương trong diễn đạt. Khi đọc lên, chính mình cũng thấy thích hơn so với những bài nặng tính chiến đấu trước đây.

Buổi sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” tại Đảng ủy phường Tân Đồng (TP. Đồng Xoài)

Buổi sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” tại Đảng ủy phường Tân Đồng (TP. Đồng Xoài)

Cũng theo cách này, năm 2023, tôi đã lấy cảm hứng từ một buổi sinh hoạt chi bộ khu phố của mình để viết bài dự cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bài viết của tôi có tựa đề: Công thần đến suy thoái - chỉ một gạch nối. Tít như thế, nhưng tôi không chọn vấn đề “đao to búa lớn” mà chỉ từ những câu chuyện quanh mình, như thái độ lừng khừng, né tránh công việc của tổ chức, tập thể vì cho rằng mình đã cống hiến cả một đời công chức, nay được hưu là nghỉ đúng nghĩa; hay thói chỉ trích, chê bai của một số người từng giữ chức vụ quan trọng trước khi nghỉ hưu… Tôi đã định dạng, gọi tên một căn bệnh khá phổ biến trong cán bộ, đảng viên, nhất là những người từng kinh qua trận mạc, huân chương đỏ ngực hoặc từng có đóng góp cho tập thể, đơn vị, địa phương, cho đất nước. Đó chính là bệnh công thần - một biểu hiện suy thoái về đạo đức mà đôi khi nó ẩn mình dưới quan niệm đó chỉ là tính cách của cá nhân ông (bà) ấy! Bệnh công thần cũng không ở đâu xa. Nó ở ngay trong suy nghĩ, hành động, trong cái cách chúng ta ứng xử như thế nào trước những việc làm, hiện tượng tiêu cực diễn ra hằng ngày mà thời đại nào, thể chế chính trị nào cũng có. Những điều vẫn diễn ra trong cuộc sống thường ngày, trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của chi bộ khu dân cư đã được tôi viết ra một cách chân thành và tâm huyết. Vậy mà bài viết được trao giải A thể loại báo viết tại Cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3, năm 2023.

Thành công này càng giúp tôi nhận ra rằng: Đề tài XDĐ, trong đó có XDĐ về đạo đức ở ngay bên cạnh chúng ta chứ chẳng phải vật vã tìm đâu xa. Một khi chúng ta cảm nhận vấn đề một cách chân thực, tâm huyết và thể hiện bằng một lối viết mềm mại, đôi khi như viết ký hoặc tản văn và phải luôn có hướng ra cho vấn đề mình nêu, thì chắc chắn bài viết ấy sẽ là “đường dẫn” rất có duyên, để mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống một cách tự nguyện và tự nhiên nhất.

Linh Tâm, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Bình Phước

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/160962/lam-mem-cac-van-de-chinh-luan-tren-bao-dang-dia-phuong