Làm mới chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng thích ứng cho sinh viên
Ngày 10-5, Trường ĐH Tài chính - Marketing tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan về mục tiêu, chuẩn đầu ra và nội dung chương trình đào tạo.
Hội thảo có sự tham gia của các doanh nghiệp, cựu sinh viên, khối hành chính công và các chuyên gia trong các lĩnh vực ngành nghề trường đang tổ chức đào tạo.
Tại hội thảo, các ý kiến đều đánh giá rằng dự thảo mục tiêu, chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo các ngành trình độ ĐH đã đảm bảo việc trang bị kiến thức chuyên môn tốt nhưng cần trang bị cho sinh viên các kỹ năng để thích ứng. Đại diện đến từ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)-chi nhánh Kỳ Đồng (quận 3, TP HCM) cho rằng cần trang bị cho sinh viên kỹ năng thích ứng với sự chuyển đổi của ngành nghề bởi khi ra trường đôi khi không làm đúng ngành đã được đào tạo. Ngoài ra, cần trang bị để sinh viên có kỹ năng số và ngoại ngữ thật tốt để tự tin giao tiếp với người nước ngoài.
Ông Hồ Phúc Vinh, cựu sinh viên chuyên ngành thẩm định giá - Phó trưởng Phòng Quản lý giá - Sở Tài chính TP HCM, cho rằng khối quản lý công cần có khả năng nghiên cứu các văn bản (đọc và hiểu) để khi tiếp cận văn bản quy định pháp luật thì hiểu nhanh nhất, đồng thời có khả năng xây dựng kế hoạch, đề án…
Tại hội thảo, PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, đánh giá cao các góp ý của các cơ quan, doanh nghiệp và cho biết sẽ tiếp thu để bổ sung vào chuẩn đầu ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Phạm Tiến Đạt cho biết việc lấy ý kiến của các bên có liên quan tham gia quá trình đào tạo là quy định bắt buộc của Bộ GD-ĐT trong việc rà soát khung chương trình đào tạo của bất cứ trường nào để làm sao sinh viên ra trường có thể thích ứng được với nghề nghiệp, có được việc làm phù hợp với lĩnh vực đào tạo mà mình đã lựa chọn.
Rà soát chương trình đào tạo là việc làm thường xuyên, thông thường là chu kỳ hai năm một lần. Nếu cần thiết có thể đổi mới hoàn toàn chương trình đào tạo để tăng tính hội nhập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Việc lấy ý kiến các bên liên quan gồm các chuyên gia, doanh nghiệp trực tiếp tuyển dụng, cựu sinh viên… là những tiếng nói thực tế nhất để từ đó xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng được mong muốn, nhu cầu của họ cả về kiến thức, kỹ năng.