Làm mới dòng phim lịch sử: 'Mơ về nơi xa lắm'?

Có thể là 'khổ lắm, nói mãi' nhưng với những bộ phim nhận được sự quan tâm của dư luận như Phượng khẩu hay Truyền thuyết về Quán Tiên, câu chuyện này lại được 'hâm nóng' trong trăn trở của nhiều người...

Poster phim Phượng khẩu.

Có một câu nói đã trở thành thành kiến ở Việt Nam như “phim lịch sử là đề tài khô khan và kén khán giả”. Thế nhưng, đây có thực sự là bản chất của thể loại phim lịch sử khi thể loại gây tiếng vang và đem lại doanh thu “khủng” cho nền điện ảnh và truyền hình ở Trung Quốc?

Và ngay ở Việt Nam, liệu có ai không rung động trước từng thước phim cũ của “Cánh đồng hoang” hay “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, thậm chí cả những thước phim được làm mới của “Mùi cỏ cháy” hay “Đừng đốt”?

Nguồn lực không chỉ ở kinh phí

Khi bàn về nguyên nhân khiến phim lịch sử khan hiếm tại Việt Nam, người ta thường nêu ra một số vấn đề về kinh phí, phát hành, kiểm duyệt...

NSND Đào Bá Sơn - người từng thành công với phim "Long thành cầm giả ca" khẳng định với những gì đang có của điện ảnh Việt Nam, việc thực hiện một dự án phim lịch sử tầm vóc không hề đơn giản, nếu không muốn nói là mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của...

Cũng theo vị đạo diễn này, việc làm phim lịch sử trăm bề khó khăn. Ngoài thiếu hụt đội ngũ biên kịch giỏi để có kịch bản hay, việc người làm phim lịch sử gặp phải một số phản biện quá khắt khe khiến nhà đầu tư dễ nản chí.

Trên thực tế, lịch sử Việt Nam có rất nhiều câu chuyện ly kỳ với những nhân vật, sự kiện có tầm vóc lớn đủ sức dựng thành phim hấp dẫn như Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Thái hậu Dương Vân Nga, Nam Phương Hoàng hậu, Lý Chiêu Hoàng..., nhưng nói như đạo diễn Lê Cung Bắc thì “Phim lịch sử làm cho hay thì khó, làm cho có thì dễ”.

Bởi vậy, kinh phí vẫn chưa phải vấn đề khó khăn nhất khi xét đến yếu tố lựa chọn và biên tập kịch bản. Bên cạnh đó, việc ứng dụng kỹ thuật, kỹ xảo, lồng ghép nội dung quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người thông qua điện ảnh còn là điểm hạn chế của đội ngũ làm phim hiện nay.

Còn theo Giáo sư Lê Văn Lan, một trong những yếu tố tạo nên thành công cho một phim lịch sử là những người làm phim phải biết chọn quãng thời gian lịch sử để trở thành một tác phẩm điện ảnh. Ông nêu ví dụ dự án phim Phượng Khấu hiện nay, việc chọn giai đoạn từ năm 1840-1847, đời cầm quyền của vua Thiệu Trị là thích hợp nhất cho các tác giả, tác phẩm làm về triều Nguyễn và tránh được sự thiếu đồng nhất trong nhìn nhận lịch sử.

Là cố vấn về cổ phục cho bộ phim này, Giáo sư Lê Văn Lan cũng cho rằng làm Phượng Khấu là sự trả lại công bằng cho lịch sử, giúp lịch sử đến với mọi người một cách tươi tắn, sinh động. Đây là bộ phim khai thác được đề tài hấp dẫn với khán giả khi nói về những thâm cung bí sử của những người phụ nữ trong cung đình đã có tác động đến triều chính từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay.

Cảnh trong phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên'.

Giấc mơ của nhà làm phim trẻ

Ra mắt ngay sau lệnh giãn cách xã hội được hủy bỏ, "Truyền thuyết về Quán Tiên" nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của khán giả tới rạp. Thuộc dòng phim nhà nước đặt hàng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Bộ đội Trường Sơn, 70 năm Cục Vận tải và 70 năm Tổng cục Hậu cần, Quân đội nhân dân Việt Nam, đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ – người từng thành công với "Cuộc đời của Yến" mang đến bộ phim luồng gió mới mẻ và nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả.

"Truyền thuyết về Quán Tiên" lấy bối cảnh năm 1967, kể về ba cô gái thanh niên xung phong xinh đẹp tên là Mùi, Tuyết Lan và Phượng sống trong một hang động trong rừng tại cao điểm của tuyến đường Trường Sơn, ngày ngày tiếp đón các anh lính tới nghỉ chân nên nơi đó còn được gọi là “quán Tiên”. Bộ phim vừa toát lên vẻ hoành tráng của đại ngàn Trường Sơn, đồng thời cũng thẫm đẫm chất thơ.

Để có thể đưa một trong những tác phẩm văn học chiến tranh xuất sắc nhất của cố nhà văn Xuân Thiều lên màn ảnh, đối với đạo diễn 8X này là thử thách ý nghĩa. Trong quá trình chọn bối cảnh, anh và ê-kip đã đi tới những địa danh in dấu những ngày oanh liệt, hào hùng của nhiều anh hùng liệt sĩ như Ngã ba Đồng Lộc, di tích Truông Bồn, hang Y Tá... để ghi hình. Đây cũng là tác phẩm khiến anh bị ám ảm suốt năm năm trời để có thể mang lên màn ảnh rộng như hôm nay.

Mặc dù còn những hạn chế về mặt bố cục nội dung và phần kỹ xảo chưa thật sự mượt mà, điều đáng ghi nhận là bộ phim này không đi theo khuôn mẫu khiến câu chuyện chiến tranh được mềm hóa và trở nên đời hơn. Dù phim làm về thời kỳ những năm 60-70 nhưng các nhân vật trong phim đều trẻ cùng sự hồn nhiên, tươi trẻ của cuộc sống hiện tại.

Ngoài ra, phần nhạc của bộ phim này gây ấn tượng mạnh mẽ khi không ghi âm bằng nhạc điện tử mà sử dụng dàn nhạc giao hưởng. Từ điểm nhấn này, bộ phim giành được Giải âm nhạc xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2019 với những giai điệu trầm lắng, gây cảm xúc mạnh về nỗi cô đơn sâu sắc của con người trong chiến tranh.

Như vậy, phải thừa nhận phim lịch sử không phải thể loại khô khan hay kén khán giả, mà là do người Việt chưa có nguồn lực để làm được nhiều bộ phim lịch sử đủ hay và hấp dẫn người xem.

Các đạo diễn phim lịch sử ở Việt Nam từ xưa đến nay đều khát khao có được những bộ phim để đời và mong muốn kéo được đông khán giả đến rạp. Dù còn khó khăn cản trở khiến nhiều người chưa làm được, nhưng họ có quyền ước mơ để được thỏa mãn cơn khát ấy!

MINH ĐĂNG

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lam-moi-dong-phim-lich-su-mo-ve-noi-xa-lam-116878.html