Làm mới lại liên minh an ninh 70 năm tuổi
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Washington vào ngày 1.5. Sự kiện này hứa hẹn sẽ đánh dấu một giai đoạn tiến bộ nhanh chóng trong liên minh an ninh giữa Philippines và Hoa Kỳ sau một thời gian đình trệ.
Nhà Trắng lần đầu tiên thông báo về chuyến đi vào ngày 20.4; cho biết, Tổng thống Biden sẽ nhân cơ hội này để “tái khẳng định cam kết chắc chắn của Mỹ đối với sứ mệnh bảo đảm an ninh cho Philippines”. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ “xem xét các cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế và thúc đẩy thịnh vượng toàn diện, mở rộng mối quan hệ đặc biệt giữa nhân dân hai nước, đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo tôn trọng nhân quyền", Nhà Trắng tuyên bố.
Mặc dù mối quan hệ Mỹ-Philippines có nhiều dư địa hợp tác chứ không chỉ riêng lĩnh vực an ninh, nhưng hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Marcos sắp tới sẽ đánh dấu một năm chứng kiến những bước tiến nhanh chóng trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Philippines, sau sự trì trệ và thất vọng diễn ra dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte. Điều này đã được ghi dấu ấn bằng một số cột mốc quan trọng.
Thêm một cột mốc hợp tác an ninh quan trọng
Kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos nhậm chức hồi giữa năm ngoái, hàng loạt quan chức dân sự và quốc phòng cao cấp của Mỹ đã thực hiện các chuyến thăm Philippines, trong đó có cả Phó Tổng thống Kamala Harris.
Đầu tháng 4 vừa qua, Philippines đã ra một thông cáo quan trọng về việc chính thức cho phép quân đội Mỹ được đồn trú tại 4 căn cứ quân sự mới trên lãnh thổ nước này, bao gồm một căn cứ hải quân và một căn cứ không quân ở tỉnh Cagayan, một doanh trại ở tỉnh Isabela cùng một doanh trại trên đảo Balabac gần Biển Đông. Đặc biệt, căn cứ hải quân ở tỉnh Cagayan chỉ cách đảo Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 400km.
Hôm 26.4, ông Marcos đã xuất hiện tại cuộc tập trận quân sự chung thường niên Balikatan giữa Philippines với Mỹ trong trang phục quân đội và kiểm tra chặt chẽ một bệ phóng tên lửa của Mỹ. Ông ngồi cạnh Đại sứ Mỹ khi họ quan sát các đơn vị pháo binh hạ gục một tàu mục tiêu gần đó. Đây là cuộc tập trận lớn nhất kể từ khi các cuộc tập trận chung bắt đầu cách đây 38 năm, với sự tham gia của 12.200 binh sĩ Mỹ và 5.400 binh sĩ Philippines.
Đây là lần đầu tiên sau một thập kỷ, một tổng thống Philippines có mặt tại các cuộc tập trận quân sự chung này, và thông điệp rất rõ ràng: Sau nhiều năm tuyên bố không chọn bên, chính phủ mới ở Philippines đã củng cố chính sách xoay trục của nước này, trong đó nối lại mối quan hệ hợp tác quốc phòng truyền thống với Mỹ, bao gồm việc mở rộng Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA).
Trong các bình luận với hãng tin Reuters, Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ Jose Manuel Romualdez nói rằng kinh tế và thương mại sẽ là một phần quan trọng của cuộc họp, nhưng hai vị Tổng thống sẽ dành nhiều thời gian cho vấn đề an ninh trong khu vực.
Euan Graham, thành viên cấp cao về chiến lược và quốc phòng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết “điều đã thay đổi là Philippines đã kết luận rằng họ cần Hoa Kỳ như phương tiện thực tế duy nhất để cân bằng lại Trung Quốc”.
Ngân sách quốc phòng của Philippines trong năm nay chỉ khoảng 4,2 tỷ USD. Nhưng nước này đã mua được một số tên lửa tầm xa Brahmos từ Ấn Độ, hai tàu khu trục từ Hàn Quốc được trang bị tên lửa chống hạ trong khi Israel đã cung cấp tên lửa phòng không. Dự kiến, kho vũ khí của Philippines sẽ tiếp tục được củng cố trong chuyến thăm cấp cao sắp tới, nhất là sau khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của cả Mỹ và Philippines tổ chức các cuộc đàm phán vào đầu tháng này. Washington cho biết họ sẽ cam kết thông qua “lộ trình hỗ trợ lĩnh vực an ninh” cho Philippines. Lộ trình này sẽ hướng dẫn các khoản đầu tư hiện đại hóa quốc phòng chung.
MDT sẽ phủ rộng đến đâu?
Cũng trong tuần này, Tổng thống Marcos cho biết, trong chuyến thăm sắp tới ông có kế hoạch hối thúc người đồng cấp Biden làm rõ mức độ cam kết của Washington trong việc bảo vệ đất nước của ông theo Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) năm 1951, vốn được coi là là cốt lõi của liên minh Mỹ-Philippines. “Hiệp ước cần phải điều chỉnh vì những thay đổi của tình hình mà chúng ta đang phải đối mặt trong khu vực”, ông nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh Philippines. “Bản chất mối qua hệ hợp tác của chúng ta là gì? Chúng ta có thể làm gì để giảm bớt nguy cơ đối với an ninh của mình”, ông nói.
Đây không phải lần đầu tiên Manila yêu cầu sự rõ ràng trong phạm vi của MDT. Mặc dù MDT đã ràng buộc mối quan hệ quốc phòng và an ninh của họ suốt 70 năm qua nhưng, các quan chức Philippines luôn hoài nghi về việc liệu Hoa Kỳ có hỗ trợ Philippines trong trường hợp bị một quốc gia khác tấn công hay không.
Trong khi đó, quyết định xích xoay trục sang Washington đang khiến Manila phải đối mặt với thách thức trong việc quản lý mối quan hệ phức tạp với Bắc Kinh.
Khi Ngoại trưởng Trung Quốc đến thăm Philippines vào cuối tuần trước, ông đã gửi một thông điệp nghiêm khắc tới Tổng thống Marcos của Philippines: Điều quan trọng là Manila phải “xử lý đúng đắn các vấn đề” liên quan đến Đài Loan và Biển Đông, đồng thời nhắc lại cam kết trước đó của họ là không chọn phe.
Đầu tháng này, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng Philippines đang “đổ thêm dầu” vào căng thẳng khu vực bằng cách đồng ý mở rộng EDCA, cho phép Mỹ sử dụng luân phiên các căn cứ quân sự của họ. Chính phủ Hoa Kỳ đang tìm cách sử dụng các căn cứ “để can thiệp vào tình hình trên eo biển Đài Loan nhằm phục vụ các mục tiêu địa chính trị của mình và thúc đẩy chương trình nghị sự chống Trung Quốc với cái giá phải trả là hòa bình và phát triển của Philippines và khu vực nói chung”.
Bất chấp những tiến bộ vượt bậc trong quan hệ an ninh gần đây giữa Philippines và Mỹ, có thể thấy rằng, mỗi bên đang thúc đẩy tiến trình hợp tác này vì những lý do riêng của mình. Đối với Mỹ, họ đang tìm cách dựng lên một bức tường thành chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong khi Philippines chủ yếu quan tâm đến các vấn đề có can hệ đến an ninh của họ trong khu vực.
Mặc dù cả Mỹ và Philippines đều nhìn thấy lợi ích riêng trong mối quan hệ hợp tác an ninh chung này nhưng việc theo đuổi những mục tiêu khác nhau đang là giới hạn đối với quan hệ đối tác đang mở rộng nhanh chóng giữa họ. Đòi hỏi của Tổng thống Philippines về việc Mỹ cần có câu trả lời rõ ràng về việc Hiệp ước phòng thủ chung MDT sẽ bao phủ đến đâu cho thấy những giới hạn bắt đầu xuất hiện.