Làm mới menu ẩm thực bản địa
Ẩm thực luôn được xem là kênh hữu hiệu để quảng bá về một vùng đất. Tuy nhiên, ẩm thực bản địa Gia Lai đang được cho là 'một màu', không khác mấy so với các tỉnh lân cận khi chủ yếu giới thiệu tại các lễ hội qua một số món như: cơm lam, gà nướng, thịt xiên nướng… Vì vậy, làm mới menu (thực đơn) bằng các món ăn hấp dẫn đời thường có lẽ là yếu tố nên tính đến.
1. Tôi đã nhiều lần được thưởng thức ẩm thực đời thường của người dân bản địa trong những chuyến công tác về làng. Có lần, khi tôi và đồng nghiệp xuống đến xã Ayun (huyện Chư Sê) thì đã quá trưa. Đói ngấu, nhìn chén muối ớt dằm cà đắng nướng của gia chủ, chúng tôi… cầm lòng không đặng, bèn xin chén cơm nguội, nắm thành từng vắt chấm muối. Có lẽ đó là bữa cơm đạm bạc nhất nhưng cũng ngon nhất mà tôi từng được ăn. Thức chấm bỗng trở thành món chính. Vị dẻo thơm của cơm lúa mới kèm vị cay, mặn, đắng rất chi hài hòa khiến tôi đến giờ vẫn chẳng thể nào quên.
Lần khác, cũng khá lâu rồi, khi ghé thăm xưởng sản xuất nhạc cụ của nghệ nhân Rơchăm Tih (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku), chúng tôi được anh đãi món thịt bò nướng lá chuối. Chỉ là thịt bò xắt miếng, ướp chút sả, muối và bột ngọt, gói lại trong mấy lớp lá chuối rồi vùi tro bếp mà ai cũng xuýt xoa, tấm tắc.
Hoặc ai đã từng thưởng thức món cà xóc thì thật khó cưỡng vị giòn sần sật của lòng bò luộc, vị cay xé lưỡi của ớt xanh, vị đắng nhẩn của mật bò, hoa đu đủ đực cùng rau thơm và các loại gia vị. “Món ngon nhớ lâu”, những người sành ăn nhất nếu đã từng nếm món cua đồng phơi khô giã nhỏ trộn với măng tươi, ớt, muối, bột ngọt, sau đó gói lá chuối hấp cách thủy thì không thể không nức nở một lời khen.
Trở lại câu chuyện khai thác giá trị ẩm thực để phát triển du lịch. Đây là hướng đi đã được vạch rõ, nhưng ẩm thực bản địa Gia Lai lâu nay dường như vẫn bị “đóng khung” trong một vài món đã trở nên quá quen thuộc như: cơm lam, gà nướng, thịt xiên nướng, lá mì xào cà đắng... Như cách người ta vẫn ngắm nhìn một cô gái đẹp xúng xính váy áo đi dự lễ hội. Vậy, cô gái ấy trong đời sống thường ngày ra sao? Hẳn cũng mang vẻ duyên dáng, đằm thắm riêng có nhưng chưa được nhận ra.
Tương tự, ẩm thực ngày thường của đồng bào Jrai, Bahnar đến nay vẫn chưa nhiều người biết đến. Trong khi đó, không hiếm du khách đến với Gia Lai để tìm kiếm nét hoang sơ, dung dị từ sinh hoạt văn hóa đến các món ăn dân dã. Ngành du lịch mãi tìm sự độc đáo, khác biệt mà quên rằng, chúng chính là những điều bình thường nhất đang bị bỏ qua.
2. Chia sẻ cùng chúng tôi, anh Ksor Thức-chủ quán Bazan (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) thừa nhận: Đến giờ, sau nhiều năm đưa vào khai thác, các thức món trong menu của quán dần đi vào “lối mòn”. Tạo điểm nhấn mới để tiếp tục thu hút du khách là điều anh luôn trăn trở. Khi nói về việc giới thiệu ẩm thực ngày thường, anh Thức đồng tình đây là lối đi chưa nhiều người nghĩ tới.
Nhắc đến những món ăn đã đi cùng mình từ thuở nhỏ với dư vị khó quên, anh kể ngay đến nguyên liệu cua gác bếp. Cua đồng sau khi được gác lên trên bếp lửa cho thật khô (tương tự thịt gác bếp) thì được cất trữ để khi cần có thể đem ra nấu nhiều món ngon. Đầu tiên là món cua nấu canh rau, tiếp đến là cua hấp với gạo giã nhuyễn trộn lá yao (cho vị như bột ngọt) trong lá chuối…
Một món ngon nữa của đồng bào Jrai là cá suối thui qua lửa, sau đó gỡ thịt nấu canh. Anh Thức cho hay, thời gian tới, anh sẽ trang trí lại quán và giới thiệu thêm những món như trên nhằm thu hút khách phương xa. “Tất nhiên có thể “biến tấu” đôi chút để hợp với khẩu vị thực khách”-anh Thức chia sẻ.
Là quản lý kiêm thuyết minh viên Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang), anh Đinh Mỡi được xem là “bầu sô” trong việc tổ chức phục vụ cồng chiêng, trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa, ẩm thực cho các nhóm du khách. Chưa hết, anh còn là người chủ động tạo “bản sắc” cho menu khi đưa vào đó các món ăn ngày thường độc đáo tùy theo mùa của đồng bào Bahnar như: hoa nghệ rừng xào lòng gà, canh bí; đọt mây nướng chấm muối lá é, gỏi chuối rừng, canh chuối rừng, canh rau ngót rừng, lõi cây spir (gần giống cây riềng) hầm xương, rau đắng cuốn thịt nướng, sâu muồng rang muối… Anh khẳng định: “Những món đặc sản này gần như chưa đâu có”.
Du khách không chỉ ấn tượng trước những hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Anh hùng Núp cùng nét văn hóa bản địa đặc sắc mà còn lưu luyến với chính những món ngon nơi đây. Đó là minh chứng cho thấy hiệu quả mà sự khác biệt mang lại.
Ẩm thực là văn hóa của một vùng đất nhưng cũng là sản phẩm du lịch nên luôn cần được đầu tư làm mới, tạo sức hút. Và, làm mới từ vốn quý sẵn có của dân tộc mình là điều không quá khó, chỉ cần những người tiên phong và có tư duy sáng tạo.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202102/lam-moi-menu-am-thuc-ban-dia-5722752/