Làm mới nón Huế với lá bàng
Những chiếc lá bàng rừng chờ ngày rụng xuống hòa vào đất trời qua đôi bàn tay tài hoa của người đàn ông đam mê sáng tạo đã làm nên những chiếc nón cách điệu ấn tượng. Đó là thành quả của đam mê, sự tỉ mỉ, khát khao làm mới một sản phẩm lưu niệm riêng có cho vùng đất Cố đô Huế.
Cuộc chơi của đam mê
Thương hiệu “nón lá bàng” của ông Võ Ngọc Hùng ở số nhà 13/36 Kim Long (phường Kim Long, TP. Huế) hơn hai năm qua trở nên cuốn hút với du khách gần xa. Nhưng để có được chiếc nón lá bàng được yêu thích hiện nay, nghệ nhân tay ngang tuổi ngoài 60 ấy đã trải qua không biết bao nhiêu thăm trầm…
Ông Hùng tự nhận mình có duyên với những nghề liên quan đến sự khéo léo, tỉ mỉ. Ông mưu sinh bằng nghề vẽ tranh, đục đẽo… và rồi rơi vào ngõ cụt trước khi tìm đến nghề làm nón lá bàng.
Tại sao là nón lá bàng? Ông Hùng tự đặt câu hỏi để rồi đi tìm câu trả lời trên hành trình sáng tạo của mình. “Nghề vẽ tranh trên gỗ của tôi sau một thời gian dài không có ai mua. Không còn cách nào khác tôi phải tự mình mày mò tìm kiếm sản phẩm gì mới, vừa độc đáo, vừa lạ lẫm nhưng phải mang dấu ấn của Huế”.
Một ngày đầu năm 2019 tình cờ xem đoạn phim nói về nón lá, ông Hùng suy nghĩ, chẳng lẽ nón lá phải luôn theo kiểu dáng truyền thống? “Không, mọi thứ có thể thay đổi theo xu hướng. Suy nghĩ đó thôi thúc tôi tìm ra hướng đi mới. Bao đêm trằn trọc tôi nghĩ về nguyên liệu để làm mới chiếc nón lá truyền thống”. Nhưng một khi sáng tạo ra cái mới cũng phải được thị trường chấp nhận, bởi đó không chỉ là đam mê mà còn là miếng cơm manh áo.
Câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng cũng đã khiến ông Hùng nhiều lần có suy nghĩ bỏ cuộc giữa chừng. Ông đã tìm đến rất nhiều loại lá cây, hái về rồi tự học cách xử lý. Nào lá bồ đề, lá sa kê, lá môn, lá vải… Lá nào ông cũng thử, nhưng chỉ nhận thất bại. Giữa lúc ấy, một người bạn khuyên ông nên thử lá bàng, nhưng phải lá bàng rừng. Bất chấp đường xa, theo chỉ dẫn, ông Hùng lên vùng núi Bình Điền (thuộc thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) rồi cuốc bộ băng rừng cả tiếng đồng hồ để hái đúng những chiếc lá bàng rừng.
Với kinh nghiệm thất bại trước đó, ông Hùng nhận thấy, lá bàng rừng có độ dày cơ bản, chiều dài có thể kéo từ đỉnh nón đến xuống vành cuối cùng. Những chiếc lá được chọn phải có độ già, dày vừa phải, không bị sâu, không rách. Trải qua quá trình xử lý hóa chất, lớp màu xanh của lá phai nhạt trước khi đến công đoạn thủ công dùng bàn chải đánh nhẹ để từng chiếc lá dần hiện ra màu trắng, rõ hình xương lá và rồi đưa vào máy ép. “Công đoạn này thường mất khoảng một tháng rưỡi”, ông Hùng giải thích.
Những chiếc lá bàng rừng cứ thế lần lượt được ông Hùng nâng niu đưa lên khung nón. Để làm khung cho một chiếc nón cần 15 - 16 lá. Chỉ công đoạn cuối cùng, chằm nón được thuê chị em trong xóm, những người chuyên chằm thực hiện.
Sẽ tiếp tục thử nghiệm
Ông Hùng nhớ lại, ngày chiếc nón đầu tiên hoàn thành, nhiều người trong xóm nhỏ bất ngờ, trong suốt và nhẹ hơn hẳn nón lá thông thường, tất nhiên vẫn che được nắng, mưa. Ai cũng xin đội thử và chụp ảnh. Chính những bức ảnh ấy sau đó được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người thích thú và liên tiếp những cuộc gọi đến ông Hùng đặt hàng...
“Tôi vui đến muốn khóc. Công sức bao năm mày mò cuối cùng cũng được thị trường, khách hàng chấp nhận”, ông Hùng nói khi bán hơn 60 chiếc nón lá đầu tiên với mức giá 450.000 đồng/chiếc.
Niềm vui ấy trở nên ý nghĩa hơn đối với người vợ của ông Hùng - bà Lê Thị Kỳ Ngộ. Là thợ may, cũng có đam mê nghệ thuật nên mỗi lần chồng thử nghiệm thất bại bà lại động viên và lận lưng tiền cho ông nghiên cứu. “Có đợt gần như trong nhà hết tiền, không còn cách nào khác, tôi chấp nhận bán đi hai chiếc xe đạp đua với giá 30 triệu đồng để ông ấy theo đuổi cuộc chơi”.
Hơn hai năm qua, nón lá bàng đã vang danh gần xa. Không riêng người dân Huế mà du khách đến Huế cũng tìm đến nhà ông Hùng. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, đã nghe và xem nhiều phim giới thiệu về nón lá bàng của nghệ nhân Võ Ngọc Hùng. Trong dịp đến Huế, cô đã tìm đến để tận mắt chứng kiến quá trình tạo ra sản phẩm. “Mình đã mua và trải nghiệm rất nhiều loại nón lá, với nhiều chất liệu của nhiều vùng miền khác nhau. Nhưng khi cầm chiếc nón lá bàng vẫn không khỏi bất ngờ bởi vẻ đẹp thanh tao, sự mới lạ”.
Chiếc nón lá bàng của ông Hùng đã không còn khu trú tại Huế, mà đến nhiều vùng miền trong và ngoài nước. Bên cạnh thời trang, nón lá bàng còn được nhiều người mua để trang trí. Ông Hùng kể: “Có vị khách ở Hà Nội mua 30 chiếc, rồi kết hợp với hệ thống ánh sáng để trang trí trong nhà hàng”.
Đam mê, trăn trở và mất rất nhiều thời gian để sáng chế ra nón lá bàng, ông Hùng “chỉ muốn góp chút sức nhỏ tạo ra sản phẩm lưu niệm mới lạ để có thể quảng bá Huế, quảng bá quê hương đi xa hơn”. Hành trình sáng tạo vẫn chưa dừng lại. Ông Hùng đang tìm cách truyền nghề đến với nhiều người, cũng như tiếp tục nghiên cứu, tạo thêm họa tiết gắn vào nón lá bàng...
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/lam-moi-non-hue-voi-la-bang-i297299/