Làm mới sản phẩm OCOP để chiếm lĩnh thị trường

Là một trong những địa phương có số lượng sản phẩm OCOP lớn trên cả nước, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất để những sản phẩm OCOP sau công nhận khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.

Sản xuất miến gạo tại Cơ sở sản xuất Dương Vân, thôn Hạ Vũ, xã Hoằng Hóa.

Sản xuất miến gạo tại Cơ sở sản xuất Dương Vân, thôn Hạ Vũ, xã Hoằng Hóa.

Theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, đến tháng 7/2025 Thanh Hóa có 645 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP 5 sao, 59 sản phẩm 4 sao. Sau thời gian 6 năm phát triển, đã có hàng trăm chủ thể OCOP tham gia công nhận lại hoặc nâng sao cho sản phẩm và hầu hết các sản phẩm sau khi được công nhận đều nỗ lực làm mới để có chỗ đứng trên thị trường.

Được công nhận là sản phẩm OCOP năm 2023, cơ sở sản xuất miến gạo Dương Vân, xã Hoằng Hóa xác định tiếp tục đổi mới và phát triển sản phẩm để xứng tầm với danh hiệu OCOP. Ngay sau khi được công nhận OCOP, cơ sở sản xuất đã đầu tư dây chuyền sản xuất miến tự động từ khâu đánh bột đến ép miến và cán sợi, đặc biệt là cải tiến tấm phơi miến truyền thống bằng lưới để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Lê Văn Dương, chủ cơ sở chia sẻ: "Để làm ra sợi miến trắng, dai, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở luôn tuân thủ các yêu cầu không dùng hóa chất tẩy trắng, không pha phẩm màu, không chất bảo quản, phơi miến tự nhiên dưới trời nắng dịu để sợi khô dần, đóng gói, bảo quản sản phẩm đúng quy trình. Vì vậy, sản phẩm miến gạo Dương Vân có chất lượng đảm bảo, màu sắc đẹp, vị thơm ngon. Trung bình cơ sở sản xuất 2 - 3 tạ miến/ngày".

Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất Dương Vân đã thiết kế, in bao bì sản phẩm khá bắt mắt, vừa thể hiện được tính truyền thống, vừa có nét riêng thu hút khách hàng, người tiêu dùng.

Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương về trồng và chế biến sản phẩm mắc ca, HTX Mắc ca Thành Phát ở xã Thượng Ninh đã đầu tư hệ thống máy móc, nguyên liệu đầu vào cũng như nguồn nhân lực duy trì sản xuất sản phẩm. Với nỗ lực tìm kiếm thị trường, đổi mới phương thức sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm và tuân thủ các quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, năm 2023 sản phẩm mắc ca Damia Thành Phát đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

HTX mắc ca Thành Phát trưng bày sản phẩm OCOP mắc ca Damia và một số sản phẩm chế biến từ mắc ca tại một sự kiện do tỉnh tổ chức.

HTX mắc ca Thành Phát trưng bày sản phẩm OCOP mắc ca Damia và một số sản phẩm chế biến từ mắc ca tại một sự kiện do tỉnh tổ chức.

Giám đốc HTX Mắc ca Thành Phát Đỗ Trọng Học cho biết: Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, sức sản xuất và thị trường tiêu thụ của sản phẩm tăng lên. Không chỉ chú trọng đến việc thu mua nguyên liệu mà trong chế biến sản phẩm, chúng tôi đã có nhiều đổi mới. Bên cạnh mắc ca sấy truyền thống, chúng tôi chế biến thêm nhiều loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng như bánh ăn kiêng mắc ca; sữa hạt mắc ca; mắc ca tách vỏ...., với hình thức mẫu mã đẹp, có tem mác, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng. Để tăng sức tiêu thụ cho sản phẩm, cơ sở đã kết nối với các chuỗi nhà hàng, siêu thị, các tour, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh".

HTX Mắc ca Thành Phát cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy sấy thăng hoa, máy đóng gói, hút chân không và bóc hạt để giữ được hương vị, màu sắc của sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi tại Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo chia sẻ của nhiều chủ thể sản xuất, dù mẫu mã, bao bì, danh hiệu OCOP quyết định sự lựa chọn của khách hàng, nhưng chất lượng sản phẩm mới là khâu quan trọng để tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, trước và sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, các chủ thể sản xuất luôn làm mới, nâng cấp để sản phẩm OCOP không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh, mà còn vươn ra, giữ thị phần trong nước, tiếp đến là xuất khẩu.

Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Tổ trưởng Tổ quản lý OCOP (Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh) Phan Xuân Hùng cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ, khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, văn phòng thường xuyên phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP để các chủ thể nỗ lực làm mới cho sản phẩm của mình. Qua đó, nhiều sản phẩm ngày càng khẳng định được chất lượng, thị trường tiêu thụ, từng bước vươn ra thế giới.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lam-moi-san-pham-ocop-de-chiem-linh-thi-truong-254439.htm