Làm mới tình thương

Từ khi có con người trên trái đất này, hẳn đã có tình thương. Bởi tình thương là một trong những phẩm chất của con người. Tình thương giữa con người và con người qua thời gian, qua năm tháng, có hao mòn, có cũ đi hay càng ngày càng phát triển, càng hiện đại, càng bền vững...!

Khi tôi nhận được cuốn sách “Làm mới tình thương” của sư cô Chân Không do bạn Thanh Vân Sakya gửi tặng. Tôi thực sự ngạc nhiên và thú vị, nhất là đọc bài của Thiền sư Thích Nhất Hạnh in trong cuốn sách.

Mỗi chúng ta trong cuộc sống hàng ngày đều mong muốn có hạnh phúc. Hạnh phúc cho cá nhân mình, cho những người thân trong gia đình, cho bạn hữu, cho cộng đồng... Trước hết là hạnh phúc lứa đôi. Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh: “... Khi mới bước vào một mối quan hệ, ta sẽ cảm thấy hào hứng, thú vị và háo hức khám phá. Nhưng thường thì chúng ta chưa thực sự hiểu rõ chính bản thân mình cũng như người ấy. Sống chung với một người khác hai mươi bốn giờ mỗi ngày, ta sẽ thấy, sẽ nghe và trải nghiệm nhiều điều mà ta không thấy hoặc không hình dung trước đó... Khi yêu, ta thường xây dựng cho mình một hình mẫu đẹp về người bạn đời lý tưởng, nên có lẽ sẽ hơi sốc khi ảo tưởng tan vỡ và nhận ra hiện thực của việc sống cùng một người khác là như thế nào. Nếu chúng ta không biết cùng nhau thực tập sống chánh niệm, nhìn sâu vào trong chính mình và người thương thì sẽ khó khăn để duy trì một tình yêu...” (trang 8).

Bìa tập sách “Làm mới tình thương” của sư cô Chân Không.

Bìa tập sách “Làm mới tình thương” của sư cô Chân Không.

Tại lối vào của đền thờ thần Apollo nổi tiếng ở Delphi có một câu chào đón du khách mà dịch ra tiếng Việt là: “Hiểu chính mình”. Sinh thời, bố tôi cũng thường nói “Phải hiểu chính mình con ạ”. Mãi sau này tôi mới hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu nói đó.

Khi con người hiểu được chính mình thì mọi sự được mất đều chỉ là vật ngoài thân. Con người sẽ làm chủ được bản thân mình và những sự tác động bên ngoài sẽ không làm cho cái tâm của mình náo loạn. Khi cái tâm không náo loạn sẽ không dẫn đến những hành động cuồng nộ. Ấy là an lành, là hạnh phúc!

Thực tập chánh niệm (hay còn gọi là tỉnh thức), nhìn sâu vào bản thân mình như thiền sư Thích Nhất Hạnh nói chính là chúng ta đang từng bước hiểu chính mình. Ông cha xưa cũng đã từng nói có hiểu được chính mình mới hiểu được người. Hiểu mình, hiểu người trăm sự đều tốt đẹp.

Chương mở đầu cuốn sách chính là Làm Mới. Thực tế: “Tất cả mọi người đều muốn sống hạnh phúc và hòa hợp với những người gần gũi và thân thiết. Nhưng vì các mối quan hệ được tạo dựng bởi những con người không hoàn hảo, nên ta cần biết rằng chuyện hiểu lầm thường xuyên xảy ra. Ta cũng biết nếu cố gắng kìm nén hoặc phớt lờ cơn giận của mình, thì sớm muộn cũng có ngày nó bùng nổ, và có thể phá hủy mối quan hệ mà ta vô cùng trân trọng ...” (trang 29).

Cuốn sách đã chỉ ra bốn bước thực tập để làm mới, nói đúng ra là để thực tập sống tỉnh thức tạo nên hạnh phúc cho chính bản thân mình trong mọi mối quan hệ với người thân, bạn hữu...

Bước thứ nhất theo như tác giả gọi là Tưới Hoa. Chính là làm mới mối quan hệ theo hướng ghi nhận (cảm kích): “Hãy cố gắng tìm thật nhiều phẩm chất, tài năng, hay những hành động dù lớn dù nhỏ mà người kia từng làm và ghi nhận chúng...” (trang 31). Đúng vậy, con người không ai là hoàn thiện cả. Ai cũng có mặt tốt, mặt chưa hay. Vấn đề là cách nhìn nhận, ghi nhận, từ đó bày tỏ tình cảm của mình. Ghi nhớ mặt tốt, cái hay ở người khác, động viên, khuyến khích những cái hay, cái tốt như hàng ngày chúng ta tưới cho cây hoa mình trồng, hoa sẽ nở chào đón ta, chào đón cuộc đời. Điều này tưởng như đơn giản nhưng nếu chúng ta không có ý thức để tìm cách loại bỏ những định kiến của mình thì khó mà thực hiện được.

Điều thứ hai theo tác giả là: Bày tỏ sự hối lỗi. “Hãy bày tỏ sự hối lỗi trước những điều vụng về mà có thể ta đã lỡ nói hoặc làm, bất kể việc lớn hay nhỏ...” (trang 32). Có lẽ đây là điều khó nhất đối với mỗi chúng ta. Nhận biết được điều đó đã khó, vì không dễ gì ta tự thấy ta có lỗi. Nhận biết được và dám nói ra lại càng khó hơn. Thực tâm, thực lòng, thực tình và dũng cảm nhìn nhận sự thật và nói ra sự thật bằng sự hối lỗi chân thành, khi đó ta sẽ thấy nhẹ lòng và những người thân của chúng ta cũng thấy nhẹ lòng, thấy được tình cảm thực sự mà ta mong muốn.

Điều thứ ba theo tác giả là: Xác thực thông tin. “Ngay cả khi ta nghĩ rằng mọi chuyện đang rất ổn, thì thỉnh thoảng ta cũng nên xác thực thông tin với người thương để xem ta có lỡ sơ suất gì không...” (trang 32). Trong cuộc sống hàng ngày điều này tưởng đơn giản nhưng lại không hề đơn giản, bởi ta luôn bận bịu với công việc và ta thường chủ quan như người đi đường chỉ nhìn phía trước mà ít ai quay lại nhìn phía sau, ít khi ta tự hỏi mình, chỉ trừ khi có chuyện gì đó xảy ra ta mới giật mình, mới quay sang bên này, bên kia nhìn, hỏi xem điều gì đang xảy ra, lúc đã xảy ra rồi thì như căn bệnh đã phát tác, chạy chữa rất khó.

Điều thứ tư là: Bày tỏ sự tổn thương hay tức giận. “Xin lưu ý, chớ nên thực hiện bước này nếu ta vẫn đang cảm thấy kích động. Thay vào đó hãy cho mình chút thời gian, vài giờ hoặc vài ngày để khiến cơn giận của ta lắng xuống bằng cách chỉ dồn hết sự chú tâm vào hơi thở...” (trang 34). Tôi đã từng thực hiện bước này là cố gắng kiềm chế bản thân mình bằng cách hít thở thật sâu, nhắm mắt hít thở và cố quên đi điều mình đang nghĩ, đang định nói và có lúc mình đã làm được. Nhưng quả thực rất khó!

“... Sau khi đã bình tĩnh lại và cố gắng hết sức để nhìn sâu vào sự việc, nếu vẫn còn những điều ta chưa hiểu thấu, hãy đến bên cô ấy, đừng dùng những lời lẽ gây tổn thương hay đổ lỗi mà chỉ bày tỏ một cách chân thành rằng ta không hiểu được lý do tại sao cô ấy lại có hành động làm ta tổn thương đến vậy. Hãy khiêm nhường bày tỏ mong muốn được lắng nghe câu chuyện từ góc độ của cô ấy về lý do đã khiến cô ấy nói hoặc hành xử với ta như vậy...” (trang 35). Các bạn thử thực hiện như tác giả cuốn sách đã viết, tôi tin là có hiệu quả.

“Tất cả sự làm mới cho một mối quan hệ cũng phải được bắt đầu từ làm mới chính mình. Để bản thân có một khởi đầu mới, hãy thử bắt đầu một ngày bằng mười đến ba mươi phút tập chánh niệm. Dưới đây là một bài kệ tức Gatha trong tiếng Phạn mà tôi vẫn niệm thầm với mình mỗi sáng thức dậy:

Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời...” (trang 37).

Tôi chưa biết nhiều về sư cô Chân Không, chỉ biết sư cô như lời giới thiệu trong cuốn sách: Sư cô Chân Không sinh năm 1938 tại Bến Tre và thọ giới năm 1988. Sư cô là đệ tử xuất gia đầu tiên của thiền sư nổi tiếng Thích Nhất Hạnh kể từ khi thành lập Làng Mai Pháp quốc.

TS. Michael Nagler cho rằng, sư cô Chân Không đã chuyển hóa di sản vô giá và hữu ích của Đức Bụt sang một hình thức mới thuận tiện cho chúng ta ứng dụng trong ngày nay. Cuốn sách này có thể giúp được nhiều người tự giải thoát khỏi đau khổ.

Cuốn sách thực sự hữu ích với tất cả chúng ta, bởi cái cuối cùng trong cuộc tìm kiếm của con người chính là hạnh phúc. Và với cách viết giản dị, sinh động, với nhiều ví dụ, dẫn dụ đầy thuyết phục, cuốn sách dày 163 trang thực sự giúp cho chúng ta làm mới tình thương, làm cho mối quan hệ trong tình yêu, hôn nhân, gia đình... trở nên gần gũi, yêu thương với sự cảm thông chân thành, sâu sắc...

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/lam-moi-tinh-thuong-i690590/