Làm nên những mùa xuân rạng rỡ

Tính từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (15-18/12/1986) đến mùa xuân này, đất nước đã trải qua hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm qua, có thể khẳng định chưa bao giờ Việt Nam gặt hái được những thành công trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế - ngoại giao như hiện nay.

Trong số chúng ta hôm nay, ai đã từng ở tuổi trưởng thành những năm 90 về trước của thế kỷ XX mới thấy hết sự vĩ đại của hai từ “đổi mới”. Là một nước nông nghiệp, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, song trong vòng hơn 10 năm (từ 1976 đến khoảng những năm 1988) nước ta lại rơi vào tình trạng thiếu đói triền miên.

Đại hội VI của Đảng đã mở ra con đường đổi mới. Ảnh tư liệu.

Đại hội VI của Đảng đã mở ra con đường đổi mới. Ảnh tư liệu.

Bữa cơm hằng ngày luôn thiếu thốn, thì cái Tết đầy đủ như hiện tại chỉ là những câu chuyện trong cổ tích. Đói nghèo, bên cạnh hệ lụy đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, lại bị bao vây cấm vận, còn có nguyên nhân là phát triển nền kinh tế hàng hóa bao cấp, tập trung dẫn đến khâu sản xuất - lưu thông bì kìm hãm.

Song với tinh thần cách mạng tiến công, bằng khát vọng của một dân tộc không cam chịu trước khó khăn đã được thử thành qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nên Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) đã kịp thời nhìn rõ những hạn chế đó và chính thức mở ra thời kỳ phát triển mới cho kinh tế đất nước mà đến nay chúng ta vẫn quen gọi với hai từ “đổi mới”.

Một góc Hà Nội về đêm.

Một góc Hà Nội về đêm.

Nhìn lại nội dung Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, đặt trong sự biến thiên của lịch sử những năm sau Đại hội, đến nay mới thấy hết tầm nhìn của Đảng. Từ một thể chế kinh tế tập trung, Nghị quyết của Đảng đã đưa đất nước tiến tới nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo; Từ đất nước bị bao vây, cấm vận, kinh tế tự cung - tự cấp chúng ta mở cánh cửa bằng khẩu hiệu: Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; chủ động hội nhập sâu rộng vào các tổ chức và sân chơi kinh tế toàn cầu. Và tất cả điều đó đều dựa trên nguyên tắc bất di, bất dịch “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Chính dựa trên nguyên tắc lãnh đạo trên, trải qua một số biến cố trong suốt 3 thập kỷ qua, thể chế chính trị- kinh tế vẫn được giữ ổn định. Nguyên tắc Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ ngày càng được phát huy.

Và chính nhờ sự ổn định chính trị, dưới ánh sáng của đổi mới, từ một quốc gia thiếu đói, đến nay chúng ta là một trong những quốc gia đứng trong Top đầu về xuất khẩu hàng nông sản; từ một quốc gia nghèo, đến nay đã vươn lên là nước có thu nhập trung bình với GDP đầu người trên 2.300 USD/năm.

Thành quả của chặng đường hơn 30 năm đổi mới sẽ là nền móng, động lực để đất nước và Thủ đô viết tiếp trang sử mới:

Đất nước hùng cường, dân tộc thái bình, bờ cõi của Tổ quốc được giữ vững, người dân ngày càng hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được sinh sống trong môi trường trong lành…

Đi kèm đó, kết cấu hạ tầng luôn phát triển đồng bộ, hiện đại gắn kết các vùng miền với nhau. Sức lao động, sáng tạo, quyền tự do kinh doanh của cá nhân được giải phóng… nên giờ đây ở khắp mọi miền Tổ quốc, từ miền xuôi đến miền ngược… đâu đâu cũng tràn ngập hàng hóa, người dân thỏa thích mua sắm với từng điều kiện kinh tế của mình. Tết không còn thiên về yếu tố được ăn no như xưa, mà giờ đây mang tính chất biểu tượng tinh thần là chính.

Cùng với công cuộc đổi mới kinh tế, trên bình diện ngoại giao, Việt Nam cũng đã gặt hái rất nhiều thành công, thế và lực hiện nay của chúng ta trên trường quốc tế đã khác. Từ năm 1995, sau khi chúng ta gia nhập mái nhà chung Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), hiện chúng ta đã là thành viên của hầu hết tổ chức lớn thế giới và khu vực.

Không những chủ động tham gia các hiệp định tự do kinh tế mà chúng ta còn là một trong những bên đề ra các hiệp định thương mai tự do thế hệ mới (như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP). Và hiện Việt Nam đã trở thành đối tác đặc biệt, đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản… Với Hoa Kỳ, quan hệ kinh tế- chính trị cũng đã có bước phát triển chưa từng có.

Hòa vào thành quả chung của đất nước, kinh tế Thủ đô cũng gặt hái được rất nhiều thành công sau 30 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Nếu như giai đoạn 5 năm đầu đổi mới (1986 -1990), tốc độ tăng GRDP chỉ ở mức 4,48%, thì giai đoạn 2009 - 2016 đã tăng lên mức trung bình khoảng 9%, GRDP bình quân đầu người năm 2016, ước tăng gấp gần 6,5 lần so với năm 1990.

Nhiều chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân… tiếp tục đứng đầu cả nước. Kết cấu hạ tầng, bộ mặt đô thị phát triển ở mức chưa từng có. Đời sống nhân dân được cải thiện, số hộ giàu ngày càng nhiều, số hộ nghèo ngày càng giảm.

Cùng với dòng chảy bất tận của thời gian, cũng như chu kỳ sinh trưởng của một đời người, các cụ nói “Nam thập tam”, ngưỡng 30 là tuổi đã đủ cấu thành các yếu tố cần và đủ để phát triển.

Với đất nước, công cuộc đổi mới do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra đến nay đã tròn 30 năm có lẻ, trải qua 3 thập kỷ vừa xây dựng, vừa học tập, vừa rút kinh nghiệm để hoàn hiện, đến nay có có thể nói mọi yếu tố cần và đủ đã hoàn tất cho công cuộc bứt phá những năm tới đây.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng những quyết sách cụ thể được Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra, cũng như bằng sự năng động trong công tác điều hành của Chính phủ, chính quyền địa phương trên nền tảng xây dựng một hệ thống chính quyền hành động, liêm chính… tin tưởng rằng năm mới 2017 và chặng đường đổi mới tiếp theo Việt Nam sẽ đón chắc xu thế vận động của thế giới để làm nên kỳ tích mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lê Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lam-nen-nhung-mua-xuan-rang-ro-47845.html