Lâm nghiệp Lào Cai - 60 năm xây dựng và trưởng thành
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài phát động 'Tết trồng cây' đăng trên Báo Nhân Dân. Bài báo của Người đã làm thay đổi nhận thức và ý thức về rừng của người dân, tạo nên phong trào trồng cây, trồng rừng phát triển sâu rộng trong cả nước. Trong suốt 60 năm qua, học tập và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù có những giai đoạn khó khăn nhưng ngành lâm nghiệp Lào Cai luôn đạt được những thành tựu quan trọng, phát triển ổn định, bền vững, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, theo công cuộc xây dựng kinh tế mới, hàng nghìn thanh niên các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình tình nguyện lên Lào Cai lập nghiệp. Ở mỗi huyện hình thành 1 đến 2 lâm trường quốc doanh, các lâm trường lúc đó trở thành những mô hình mẫu về tổ chức sản xuất XHCN, đồng thời trở thành lực lượng quan trọng gìn giữ “phên dậu” của Tổ quốc, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật lên vùng cao...
Năm 1991 tái lập tỉnh, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai đứng trước nhiều khó khăn, độ che phủ rừng đạt thấp (19%), tập tục du canh, du cư, phát rừng làm nương diễn ra phổ biến khiến tình trạng suy thoái rừng và mất rừng diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Trước tình hình đó, Lào Cai xác định phải đầu tư phát triển lâm nghiệp gắn với các chương trình định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình 327 phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Đây là chương trình được đánh giá thành công, là cơ sở khoa học và thực tiễn để Quốc hội xem xét quyết định Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng trong giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn này, kinh tế lâm nghiệp bắt đầu có sự đổi mới, chuyển từ sản xuất truyền thống dựa vào tự nhiên và lực lượng quốc doanh là chính sang xây dựng nền lâm nghiệp xã hội, thu hút sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư. Thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo Quyết định 661 ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (2001 - 2010), năm 2002, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 13; năm 2006 ban hành Đề án phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2010. UBND tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển, đẩy mạnh trồng rừng kết hợp với khoanh nuôi, bảo vệ tài nguyên rừng; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển rừng. Trong giai đoạn này, Lào Cai trồng mới hơn 30.000 ha rừng, đồng thời quan tâm đến công nghiệp chế biến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được hưởng lợi và tiêu thụ các sản phẩm từ rừng.
Chi cục Phát triển lâm nghiệp - cơ quan Thường trực của Ban Quản lý (BQL) Dự án 661 tỉnh - cũng được thành lập. Trên địa bàn các huyện, thành phố thành lập mới 9 BQL dự án 5 triệu ha rừng cấp cơ sở (nay là các BQL rừng phòng hộ), 1 BQL 5 triệu ha rừng thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, 1 BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn; giải thể các lâm trường quốc doanh, chỉ để lại Lâm trường Bảo Yên và Lâm trường Văn Bàn trực thuộc UBND tỉnh làm nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng kiểm lâm đóng vai trò nòng cốt trong việc quản lý, bảo vệ rừng, thừa hành pháp luật về lâm nghiệp ở địa phương; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn được thành lập. Chế biến, sản xuất - kinh doanh lâm sản bắt đầu thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Kết quả, rừng được phát triển cả về diện tích và chất lượng; năm 2010, tỷ lệ che phủ đạt 50,1%, tăng bình quân 1,73%/năm.
Giai đoạn 2011 đến nay, lâm nghiệp Lào Cai thực sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng của tỉnh. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án Phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, giai đoạn 2011 - 2015 (Đề án số 02); ban hành Nghị quyết 09 ngày 24/4/2017 về phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2016 - 2020 và lâm nghiệp là một nội dung quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Kinh tế lâm nghiệp Lào Cai ngày càng đi vào thực chất và chuyên sâu; đã có sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế. Các nhà máy chế biến lâm sản được đầu tư xây dựng gắn với việc hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung. Mối liên doanh, liên kết “4 nhà” trong sản xuất lâm nghiệp từng bước phát triển. Trong giai đoạn này, tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; thành lập Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Bát Xát, nâng tổng diện tích rừng đặc dụng của tỉnh lên 64.526 ha. Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng có bước tăng tốc vượt bậc, diện tích có rừng được quản lý bảo vệ tốt, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được chú trọng. Hằng năm, toàn tỉnh trồng mới hơn 6.000 ha rừng, đặc biệt sau khi áp dụng chính sách hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư thì chất lượng rừng trồng tăng lên; đã hình thành vùng nguyên liệu quế gần 30.000 ha. Cùng với đó, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ cũng được chú trọng, góp phần nâng cao thu nhập của người dân tham gia sản xuất lâm nghiệp.
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của lâm nghiệp Lào Cai, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, thời gian tới, ngành nông - lâm nghiệp tỉnh tiếp tục chủ động tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến mạnh về nhận thức của người dân, hệ thống chính trị đối với bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phấn đấu độ che phủ của rừng đến năm 2025 đạt trên 57%, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nâng cao giá trị từng loại rừng, tích cực thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ lâm sản, gắn với phát triển thị trường, đạt mục tiêu giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm 4 - 4,5%. Đẩy mạnh giao đất, giao rừng, đặc biệt là giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ rừng là tổ chức Nhà nước. Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình tích tụ đất đai tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo mô hình trang trại, gia trại, đẩy mạnh các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất lâm nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế...